Gần đây, có quá nhiều phóng viên nhà báo của chúng ta bị cản trở tác nghiệp, gây khó dễ, xô xát, thậm chí bị hành hung… Chúng ta đang trong quá trình phấn đấu cho thượng tôn pháp luật. Và luật pháp thì không có vùng cấm, có nghĩa rằng mọi hành xử trái pháp luật đều phải được xử lý đúng, sai… Tuy vậy, về góc độ nghề nghiệp, nhà báo chúng ta cũng cần phải được rèn luyện tinh thông nghiệp vụ, am hiểu pháp luật để tự bảo vệ mình cũng là việc thường nhật của mỗi người làm báo. Nói cách khác, nhà báo giỏi phải là người “không dễ gì bắt nạt” vì hành động của họ đúng luật, khôn khéo, minh bạch và có lợi cho cộng đồng.
Hệ thống lại một số việc gần đây ch thấy, các nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung… đa phần còn ít tuổi nghề, chưa có kỹ năng tác nghiệp tốt, có thể còn thiếu cả những hành trang cơ bản và tối thiểu khi hành nghề. Điều này có lẽ không phải ngẫu nhiên… Tôi thấy có vài nguyên nhân: Đó là việc đào tạo trong các nhà trường của ta, kỹ năng tác nghiệp, tình huống phải xử lý khi tác nghiệp còn chưa được chú ý truyền đạt đúng mức. Sinh viên sau khi ra trường, vốn sống ít, kiến thức pháp luật chưa nhiều là những hạn chế chủ quan cho quá trình thâm nhập cơ sở.
Lại nữa, báo chí hiện nay phát triển mạnh, cạnh tranh thông tin khốc liệt, phóng viên của không ít cơ quan báo chí có tâm lý nóng vội cho nên có khi bỏ qua những thủ tục cần thiết và nghiêm cẩn trong hoạt động nghiệp vụ. Ví dụ như không quan tâm đến tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí mình đang làm việc; thiếu giấy tờ tùy thân, chưa thuộc quyền và không được quyền của người người làm báo… Vấn đề sử dụng phóng viên cũng còn có chuyện để bàn. Thường thì sau khi ra trường, sinh viên tạm thử việc ở một cơ quan báo chí, đủ điều kiện về thời gian theo quy định của pháp luật vào điều lệ và yêu cầu của cơ quan báo chí mới được cấp thẻ nhà báo, thẻ hội viên Hội Nhà báo. Đây là khi phóng viên dễ gặp những tình huống mà nếu thiếu cẩn trọng, do nóng lòng có tác phẩm dễ gây bức xúc cho đối tượng.
Mặt nữa, phóng viên thường tác nghiệp độc lập, đơn lẻ, xa cơ quan ít chịu sự chỉ đạo liên tục của tòa soạn nên có những lúc chủ quan hoặc tự tin, hăng say làm nghề mà quên đi những điều cần thiết tối thiểu trong hoạt động nghề báo. Như không chuẩn bị giấy tờ tác nghiệp hợp pháp, bỏ qua hoặc không tranh thủ sự ủng hộ của cơ sở cho chính mình…
Luật Báo chí hiện hành được thực hiện từ 01/01/2017 đã khẳng định: “Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; Phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” (Khoản 12, điều 9 Luật Báo chí 2016). Như vậy, việc nhà báo được pháp luật bảo vệ là cực kỳ rõ ràng. Thông lệ quốc tế cũng cơ bản như vậy. Còn việc nhà báo phải tôn trọng và thực hiện các quy định của pháp luật cũng chi tiết. Chẳng hạn, Luật nghiêm cấm nhà báo: “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Quy kết tội danh khi chưa có bản án của tội án”…; Nhưng nhà báo lại có quyền: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân… (Điều 25 Luật Báo chí 2016).
Mặc dù pháp luật quy định cho hoạt động báo chí như vậy; các bộ luật có liên quan cũng hướng vào mục đích tạo mọi điều kiện để nhà báo phục vụ thông tin cho xã hội. Tuy vậy, bản thân nhà báo, phóng viên cũng phải tự học tập để nắm rõ quyền được và không được quyền của nghề nghiệp. Ở đây có vai trò của kinh nghiệm, uy tín, mối quan hệ của từng bút danh, từng nhà báo. Các thủ tục hành chính nhiều khi được đơn giản hóa do uy tín của từng nhà báo cụ thể. Nhà báo tự bảo vệ chính mình bằng việc gương mẫu thực hiện đầy đủ các quy định dành cho chính mình. Trong trường hợp do tính chất của vụ việc cần giữ bí mật để điều tra mà phải có những động tác không công khai thì cũng phải có cách để người quản lý công việc của mình được biết; Những giấy tờ tùy thân, thẻ Nhà báo, thẻ Hội viên Hội Nhà báo, giấy giới thiệu hợp lệ của cơ quan, đơn vị luôn đầy đủ, đó cũng là việc đã được thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền tác nghiệp của mình.
Sau nữa: Nhà báo cũng là một công dân, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị và rộng hơn là mọi tầng lớp nhân dân lao động cũng là những công dân của một đất nước văn hiến, có chủ quyền. Cư xử với báo giới là những người hoạt động cung cấp thông tin đến công chúng sao cho văn hóa, tạo điều kiện để nhà báo hoạt động thuận lợi hơn. Về phía nhà báo cũng luôn xác định nhiệm vụ của mình để hành xử luôn có văn hóa… Cơ quan đào tạo, cơ quan quản lý và cơ quan báo chí làm tốt việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, coi việc rèn nghề và rèn cả việc tự bảo vệ mình sẽ làm cho bức tranh hoạt động báo chí đẹp hơn… Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam là Hội nghề nghiệp với chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Hội viên luôn đồng hành cùng hoạt động tác nghiệp của Nhà báo… cũng phải hết sức tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Tổ chức Hội lên án mọi hành động chà đạp, gây phức tạp cho hoạt động báo chí của nhà báo của các cá nhân, tổ chức; yêu cầu xử lý nghiêm minh với sai trái… Nhưng cũng không bao che cho các hoạt động thiếu chuẩn mực của phóng viên, hội viên… Chỉ có hoạt động thượng tôn pháp luật và chuyên nghiệp của người làm báo; chỉ có sự phối hợp và tôn trọng thông tin đại chúng của các tổ chức, cá nhân mới có thể làm cho hoạt động báo chí tốt hơn. Tin rằng những việc không vui, những việc bất bình thường trong bầu không khí dân chủ hiện nay không tái diễn.
Phan Hữu Minh