Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh: Tăng sức hấp dẫn, bắt nhịp hơi thở của đổi mới

Thứ tư - 04/12/2019 10:24

 

Điều này được thể hiện rõ nét qua những nỗ lực đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, sự chuyển động để bắt nhịp xu hướng báo chí hiện đại, tích cực trong bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng đến trở thành địa chỉ thiết thực, hữu ích cho hội viên, nhà báo.

Đồng hành cùng những đổi mới, đột phá của tỉnh

Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh được thành lập sớm và cũng là một trong những HNB được đánh giá là tiêu biểu, có những bước phát triển mạnh về tổ chức, phương thức hoạt động trong thời gian qua. Với bề dày truyền thống 60 năm hoạt động qua 8 kỳ đại hội, Hội Nhà báo tỉnh đến nay có trên 400 hội viên sinh hoạt ở 5 chi hội và Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi tỉnh. Nội dung và phương thức hoạt động của Hội không ngừng được đổi mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Ninh. Đặc biệt, luôn coi Chỉ thị 37 như một “luồng gió mới” tạo nên sức bật trong hoạt động, HNB Quảng Ninh đã không ngừng nắm bắt cơ hội để từng bước phát triển về mọi mặt. Theo đó, tổ chức Hội ngày càng được củng cố và hoàn thiện, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, phong phú hơn, hiệu quả hơn, thu hút nhiều hơn hội viên tham gia, qua đó vai trò của Hội được nâng lên. Hoạt động Hội sớm tạo nên thương hiệu tại địa phương để rồi sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp về tổ chức Hội Nhà báo được nâng cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy được tăng cường nên chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Không những thế, Hội còn chủ động và tích cực tham gia vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí; đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách đối với báo chí... Mà nói như đồng chí Nguyễn Văn Đọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Đại hội VIII Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh (được tổ chức tháng 6/2019) thì: “Hội Nhà báo tỉnh đã không ngừng trưởng thành, phát triển, đồng hành với tỉnh trong việc duy trì và tiếp tục giữ vững đà phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh”.
111
Tập huấn ảnh báo chí cho Người làm báo Quảng Ninh
Không những thế, HNB Quảng Ninh thời gian qua đã có dấu ấn đặc biệt trong việc huy động và xã hội hóa các nguồn lực tại địa phương. Từ đó, tích cực tổ chức được nhiều những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Hội, gắn trách nhiệm của người làm báo với an sinh xã hội trên địa bàn. Nhà báo Đỗ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh chia sẻ: “Ngoài việc chăm lo cho hội viên thì Hội có tiến hành nhiều công việc khác để cùng với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, làm tốt công tác xã hội từ thiện. Trong 25 năm qua, Hội nhận phụng dưỡng các gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) ở tỉnh Quảng Nam, trích từ nguồn xã hội hóa và nguồn đóng góp của hội viên để gửi biếu tiền và quà cho các Mẹ vào những ngày lễ tết, 27/7; Tổ chức các chuyến đi cho hội viên trực tiếp vào thăm các mẹ VNAH như một cách giáo dục về truyền thống. Bên cạnh đó, Hội báo Xuân hằng năm, ngoài tổ chức ở trung tâm TP. Hạ Long thì Hội còn tổ chức ở các địa phương, khu vực miền núi xa xôi, rồi kêu gọi các hội viên, nhà báo, mạnh thường quân trên địa bàn có những món quà ý nghĩa trao tặng cho bà con các dân tộc còn nghèo khó. Hay như, hằng năm Hội phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức việc bầu chọn các huấn luyện viên và vận động viên tiêu biểu Vùng mỏ từ nguồn kinh phí được xã hội hóa.  Những công việc đó được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, đó cũng là “điểm cộng” mà HNB Quảng Ninh trong thời gian qua đã làm được”.

Có thể nói, với những thành tích đạt được, không thể phủ nhận rằng, ở đó có sự năng động, bám sát tinh thần của Chỉ thị 37 mà dấu ấn của BCH HNB Quảng Ninh qua các thời kỳ là rất rõ nét. Chính từ uy tín của những người đứng đầu đã dần tạo dựng được niềm tin từ phía các lãnh đạo tỉnh, chính quyền, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn để luôn đồng hành, để rồi có được sức mạnh tập thể, có sự “hợp sức” trong mọi hoạt động.

Vẫn cần tăng sức cuốn hút và tập hợp hội viên

Khi được hỏi vì sao đã đạt được những thành tích nổi bật trong suốt 15 năm thực hiện Chỉ thị  37/NQ-TW mà BCH HNB Quảng Ninh vẫn còn nhiều trăn trở về “sức hút hội viên chưa cao” về chuyện “đổi mới nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn”, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh Đỗ Ngọc Hà thẳng thắn: “Sự trăn trở bắt nguồn từ chính thực tiễn cuộc sống và những thay đổi của báo chí hiện đại. Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng, trước nhu cầu thông tin của địa phương ngày một lớn, đòi hỏi hoạt động báo chí phải đổi mới nhanh chóng và công tác Hội cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Vì thế mà BCH chúng tôi tự thấy rằng, việc đổi mới hơn nữa trong hoạt động vẫn còn là bài toán cần tích cực tìm lời giải trong thời gian tới”.
444
Người làm báo Quảng Ninh với những đòi hỏi về nâng cao nghiệp vụ để bắt nhịp xu hướng.
Thật vậy, Quảng Ninh là tỉnh đã và đang phát triển rất năng động đòi hỏi báo chí phải phản ánh cập nhật toàn diện mọi lĩnh vực trên địa bàn. Nếu 15 năm trước, chỉ có vài ba cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú thì nay trên địa bàn có 43 cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú ở tỉnh. Thêm vào đó, nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng cũng rất đa dạng, vừa phải toàn diện vừa phải chuyên sâu, chuyên biệt... Từ những áp lực của thực tế nên báo chí phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng; hội viên, nhà báo cũng ngày càng phải nâng cao hơn trình độ. Và bởi vậy, nhiệm vụ của những người làm công tác Hội cũng nặng nề hơn, đòi hỏi nâng cao, cập nhật kiến thức không chỉ về báo chí, mà còn các kiến thức của đời sống xã hội.

Thêm vào đó, thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đầu năm 2019, khi Trung tâm Truyền thông tỉnh được thành lập, Hội Nhà báo tỉnh đã kiện toàn lại tổ chức cơ sở Hội. Theo đó, Hội Nhà báo tỉnh đã thành lập Liên Chi hội Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất Chi hội Báo Quảng Ninh và Liên Chi hội Đài PTTH tỉnh (gồm 7 chi hội trực thuộc); giải thể Chi hội Báo Hạ Long và điều chuyển các hội viên về sinh hoạt tại Chi hội Văn phòng. Hội cũng rà soát, tiếp nhận các phóng viên thường trú để củng cố một bước Chi hội nhà báo thường trú, đồng thời  thống nhất với cấp ủy, chuyên môn của Đài Tiếng nói Việt Nam và Cơ quan đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đông Bắc để tiếp nhận Chi hội VOV Đông Bắc sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương theo Quyết định 979-QĐ/HNBVN của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
111
Những đòi hỏi của báo chí hiện đại nên hội viên nhà báo của tỉnh Quảng Ninh cũng cần nâng cao nghiệp vụ
Rõ ràng, nhiệm vụ mới đặt ra cho những người làm công tác hội thời điểm này là rất lớn. “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bây giờ với chúng tôi có lẽ vẫn là vấn đề đào tạo nghiệp vụ, đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin cho độc giả. Bởi lẽ, với những thay đổi của nền báo chí mới, khi Trung tâm truyền thông được thành lập đòi hỏi sự đa năng trong tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu về tòa soạn hội tụ, đa phương tiện... nhưng công tác bồi dưỡng lại bị hạn chế khi kinh phí cho hoạt động Hội không có nhiều” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội HNB Quảng Ninh cho hay. Trong khi đó, cán bộ công tác Hội phần lớn lại kiêm nhiệm; chưa dành thời gian, công sức, tâm trí thỏa đáng cho công tác hội.

Thế nên câu chuyện làm sao để thu hút hơn nữa hội viên tham gia, làm sao để mỗi ngày một đổi mới trong bồi dưỡng nghiệp vụ để hội viên bắt nhịp với xu hướng báo chí hiện đại, có kinh phí nhiều hơn để hỗ trợ cho hội viên, nhà báo được tham gia các chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm ở trong và ngoài nước... là điều mà HNB Quảng Ninh sẽ tiếp tục nỗ lực thời gian tới.
Hà Vân
(Báo Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây