Làm gì và làm thế nào để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao
Thứ năm - 26/12/2019 21:19
Ngày 25/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 650/QĐ-TTg, “Phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020”; Theo đó, ngày 27/12/2016, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thông tư số 42/2017/TT-BTC hướng dẫn quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đây không chỉ là tín hiệu vui đáng mừng của Hội Nhà báo Trung ương và địa phương, của những người làm báo, mà còn thể hiện sự quan tâm, khẳng định tính nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với vai trò và những đóng góp to lớn của báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời phát triển và hội nhập. Điều ấy cũng có nghĩa là báo chí cần ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước yêu cầu của tình hình mới, xốc lại hành trang, với tâm thế mới, để tiếp tục đồng hành cùng đất nước. Có nhiều điều cần phải tính đến, nhưng có lẽ nên bắt đầu từ ý thức và trách nhiệm công dân của mỗi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là làm thế nào để ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Vậy làm thế nào để giúp hội viên nhà báo có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao? Trả lời câu hỏi này, cần làm rõ: ai là người giúp hội viên Nhà báo? Như thế nào là tác phẩm báo chí chất lượng cao? Nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, và chưa thỏa đáng, nên đi sâu vào vai trò của Hội viên nhà báo (chủ thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng cao). Đó là cách tiếp cận khách quan, phù hợp với vấn đề đặt ra và chúng ta đang quan tâm lý giải.
Đối với Hội Nhà báo tỉnh, để hội viên nhà báo có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao thì vai trò và trách nhiệm của Hội Nhà báo tỉnh mang tính mở đầu, định hướng, đặt hàng và như một “bà đỡ”. Thực tế mấy năm trở lại đây, Hội Nhà báo tỉnh bằng cố gắng và nỗ lực của mình đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm khá tốt việc đầu tư cho những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự bằng lòng về những tác phẩm báo chí chất lượng cao ấy so với truyền thống tiềm năng và những đặc trưng, thế mạnh riêng có của tỉnh. Vẫn biết để có tác phẩm báo chí chất lượng cao, không chỉ là sự quan tâm và mong muốn của riêng Hội Nhà báo, nhưng dẫu sao với kết quả của giải báo chí tỉnh Hưng Yên và giải báo chí quốc gia những năm gần đây đã minh chứng điều đó (rất hiếm hoi những tác phẩm báo chí của hội viên nhà báo tỉnh Hưng Yên đạt giải cao (giải A, B) giải báo chí quốc gia. Do vậy, muốn có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, Hội phải đổi mới cả nhận thức và cách làm.
Cụ thể: Về hỗ trợ kinh phí: Không nên dàn trải, chia đều theo số lượng hội viên của từng chi hội, mà căn cứ vào năng lực và điều kiện thực tế để phân bổ kinh phí một cách hợp lý, vừa đảm bảo cả diện nhưng chú ý trọng điểm.
Về đề tài: Hàng năm căn cứ vào yêu cầu và hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí địa phương, để định hướng cho các chi hội, hội viên nhà báo đi sâu phản ánh những vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm như: nạn tham nhũng, lãng phí, môi trường, giá cả, nợ xấu, bất động sản, giao thông…, đồng thời gắn với việc nêu gương những đơn vị, cá nhân làm tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, xây dựng nông thôn mới.
Nghiên cứu từ thực tiễn để đua ra một khung (nội hàm một tác phẩm báo chí chất lượng cao), tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giữa các chi hội và những hội viên nhà báo có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao. Chủ động theo dõi, kiểm tra, tổng hợp quá trình thực hiện của các hội viên nhà báo được hỗ trợ để nhắc nhở và động viên kịp thời. Tiếp tục nâng cao chất lượng giải báo chí hang năm (cơ cấu giải, giá trị giải thưởng) để không chỉ là sự ghi nhận và tôn vinh, mà còn là chất xúc tác quan trọng đối với mỗi hội viên nhà báo phấn đấu để có tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Đối với các cơ quan báo chí, cần đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng phóng viên để phân công theo dõi, phụ trách các lĩnh vực, ngành phù hợp, biết động viên, khích lệ và chiu trách nhiệm trước phóng viên trong quá trình tác nghiệp, cũng như những bài báo thuộc những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm mà đối tượng phản ứng thái quá (mặc dù bài báo nêu đúng), nói cách khác là bảo vệ phóng viên theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc “khoán bài”, cần tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên về thời gian để bám sát cơ sở, đầu tư kinh phí cho những bài viêt về các vấn đề xã hội đang quan tâm, có chế độ khen thưởng, biểu dương những phóng viên có những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Quan tâm đến việc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và bản lĩnh chính trị cho phóng viên thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tọa đàm chuyên đề.
Đối với hội viên Hội Nhà báo, là đối tượng, là chủ thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí. Vì vậy, để có tác phẩm báo chí chất lượng cao, ngoài hai yếu tố gián tiếp và trực tiếp đã đề cập, vai trò quyết định phụ thuộc chủ yếu vào nhà báo. Nhà báo muốn có tác phẩm báo chí chất lượng cao phải là nhà báo có tâm và có tầm.
Nhà báo có tâm là nhà báo có đạo đức trong sáng, có hiểu biết sâu rộng, có lập trường tư tưởng và quan điểm rõ rang, có bản lĩnh chính trị vững vàng – không gì khác hơn, đó chính là chủ nghĩa mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhà báo có tầm là nhà báo được đào tạo và học hành cơ bản, có kiến thức xã hội vững, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí sâu sắc, tác nghiệp thành thạo theo xu hướng chuyên nghiệp (biết sử dụng những phương tiện kỹ thuật và công nghệ mới), biết nắm bắt, phát hiện, lý giải những vấn đề nảy sinh từ thực tế cuộc sống, từ đó đưa ra những biện pháp để khắc phục mang tính khả thi và dự báo cao.
Mỗi nhà báo đều có một sở trường, thế mạnh riêng nên phải biết phát huy tối đa một cách phù hợp, kiên trì và bền vững. Nêu cao ý thức và trách nhiệm công dân trong mỗi tác phẩm báo chí, phải có rung động và cảm xúc khi cầm bút viết về vấn đè mà mình đam mê đeo đuổi. cảm xúc là một trong những yếu tố để phân biệt tác phẩm báo chí chất lượng cao với những tác phẩm báo chí không phải là chất lượng cao. Bởi ở đó, tác giả đã sống hết mình với những cung bậc cảm xúc, thổi hồn vào đứa con tinh thần của mình. Tác phẩm báo chí chất lượng cao có điểm tương đồng trong sáng tạo với tác phẩm văn học nghệ thuật chính là ở điểm này.
Các hội viên nhà báo có trách nhiệm và tâm huyết, từ đây cần quan tâm và mặn mà hơn với giải báo chí hàng năm của tỉnh, của quốc gia. Được vậy, tin tưởng và hy vọng ngày càng có nhiều hơn những Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao mang lại hơi thở cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng và tin yêu của nhân dân.