Vì “ngôi nhà chung” vững mạnh và ấm áp

Thứ tư - 29/04/2020 08:44

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ X (2015 - 2020), hướng đến Đại hội XI (2020 - 2025).


111NHÀ BÁO HỒ QUANG LỢI, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Đạo đức nghề nghiệp được đề cao, uy tín ngày càng tăng

      Trong suốt chặng đường 95 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta tự hào vì có một nền báo chí chính trực, nhân văn, được xây đắp bằng những người làm báo trung thực, đầy trách nhiệm. Một nền báo chí nhân văn tích cực, lành mạnh luôn tạo được sức mạnh bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, bảo vệ quyền lợi của đất nước và của cả dân tộc. Nền báo chí cách mạng đó được phát triển dựa trên hai yếu tố: Luật pháp và đạo đức. Luật pháp có tính bắt buộc, còn quy định đạo đức nghề nghiệp lại có sự ràng buộc về uy tín, đạo đức và tinh thần. Đạo đức và luật pháp không tách rời nhau, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp chính là góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Với chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, 70 năm qua, vấn đề đạo đức người làm báo luôn được lãnh đạo Hội qua các thời kỳ quan tâm bồi dưỡng, phát triển đến từng hội viên. Tuy nhiên, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là truyền thông mạng xã hội, chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo lại được xã hội quan tâm sâu sắc như trong thời gian qua.

Trong 8 nhiệm vụ mà Luật Báo chí 2016 quy định, Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Trong nhiệm kỳ X, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành được hai văn bản quan trọng: 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (năm 2017) và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (năm 2019). Hai văn bản này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của những người làm báo trong thời đại mới. Ngay sau khi ban hành, Hội Nhà báo Việt Nam đã yêu cầu các cấp Hội tổ chức các đợt sinh hoạt, quán triệt hai văn bản này tới từng hội viên, nhà báo và đạt những kết quả quan trọng, từng bước chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động tác nghiệp.

Việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ Trung ương đến địa phương và ban hành quyết định sinh hoạt hai chiều đối với phóng viên thường trú,... cho thấy trách nhiệm của các cấp Hội, các cơ quan báo chí trong việc nêu cao đạo đức nghề nghiệp, đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.

Đặc biệt, thời gian qua, khi có những trường hợp cản trở, hành hung, đe dọa, xúc phạm hội viên, nhà báo hành nghề đúng pháp luật, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời lên tiếng, cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, khẳng định vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng cao trong đời sống xã hội.

111TS MAI ĐỨC LỘC, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Hoạt động công tác Hội đi vào chiều sâu

     95 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy sự lớn mạnh toàn diện của nền báo chí nước nhà, đồng hành cùng với sự phát triển đó không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của Hội Nhà báo trong suốt chặng đường 70 năm qua. Dưới “ngôi nhà chung”, sau mỗi kỳ Đại hội, sự gia tăng về số lượng hội viên và các tổ chức Hội trong cả nước là một trong những yếu tố khẳng định vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam đã được nâng lên một bước mới và có sức hấp dẫn hơn.

Sau Đại hội X (2015), đến nay hoạt động của Hội Nhà báo các cấp có nhiều tiến bộ cả về nội dung và phương thức. Tổ chức Hội tiếp tục được kiện toàn, các hoạt động hướng mạnh về cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Chưa khi nào các cấp Hội Nhà báo cơ sở có một hành lang hoạt động, phát triển rõ ràng, thuận lợi như hiện nay. Đặc biệt, việc chúng ta có một Ban Chấp hành gồm những nhà báo tiêu biểu, có uy tín cao, tâm huyết với công tác Hội, năng động, đầy tinh thần hướng đến cái mới đã tạo ra nền tảng để chúng ta xây dựng “ngôi nhà chung” ngày càng vững mạnh.

Trong suốt nhiệm kỳ X, lãnh đạo Hội xác định, nâng tầm các hoạt động công tác Hội và đội ngũ những người làm công tác Hội qua những hoạt động: Tổ chức thành công Hội báo toàn quốc; Giải Báo chí Quốc gia; Giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam; Liên hoan Tiếng hát người làm báo mở rộng; Triển khai thực hiện Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;... Đặc biệt, sắp tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam - địa chỉ tin cậy của giới báo chí Việt Nam.

Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam cũng luôn quan tâm công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Đây là vấn đề hàng đầu mà các cơ quan báo chí, tổ chức Hội, hội viên nhà báo cần coi trọng khi tác nghiệp. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cũng luôn được quan tâm, chú trọng và đạt được những thành tích khá nổi bật trong thời gian qua.

111NHÀ BÁO NGUYỄN BÉ, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

“Nhịp cầu” nối liền báo chí trong cả nước

     Hòa mình vào dòng chảy lịch sử 95 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang cho thấy được tinh thần vượt khó, khắc phục những khó khăn mà báo chí khu vực đang phải đương đầu. Các loại hình báo chí vẫn đang được các cơ quan báo chí khu vực tiếp tục đầu tư phát triển, báo in vẫn giữ vai trò quan trọng ở khu vực. Song, mặt bằng chung về nghiệp vụ của những người làm báo khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long còn có khoảng cách khá xa so với các khu vực khác.

Trong nhiệm kỳ X, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định tầm nhìn chiến lược, xây dựng “bệ đỡ” vững chắc từ móng, từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại của báo chí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng hai quyết định nhạy bén và thiết thực.

Thứ nhất, Hội Nhà báo Việt Nam đã kết hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở hàng loạt lớp cử nhân và cao học báo chí, giúp những người làm báo trong khu vực tiếp cận được những kiến thức lý luận căn bản cũng như nâng cao của ngành báo chí học, quản lý báo chí,... Chỉ trong gần ba năm, ĐBSCL đã có hàng trăm phóng viên là thạc sĩ báo chí, số lượng thạc sĩ trước đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thứ hai, một trong những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ X là Thường trực Hội giao Tạp chí Người Làm Báo chủ trì phối hợp với Báo Nhà báo và Công luận (sau Báo Nhà báo và Công luận không tiếp tục tham gia do tập trung phát triển tờ báo) tổ chức thành công Giải Báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sân chơi bổ ích cho những người làm báo trong khu vực.

Giải đã khắc họa chi tiết những đổi thay của vùng đất “Chín Rồng” qua từng thời kỳ; không chỉ thổi một luồng sinh khí mới đến những người làm báo trong khu vực, mà Giải còn là “nhịp cầu” đưa báo chí khu vực tiến gần hơn báo chí cả nước, khi những tác phẩm đoạt Giải đều đoạt những giải cao tại Giải Báo chí quốc gia hàng năm và một số giải báo chí chuyên ngành trên cả nước. Chính những kết quả đó đã góp phần tích cực xây dựng “ngôi nhà chung” của giới báo chí ngày càng phát triển.
 
Minh Tân
(Người làm báo Việt Nam)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây