Hưng Yên ta đón Xuân Quý Mão 2023 với những tuyến đường đang mở cùng số thu ngân sách kỷ lục đạt 51 nghìn tỷ và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số với 13,4%, cao nhất trong 15 năm qua...
Thành tích xuất sắc đó, ngoài sự cố gắng nỗ lực của hơn 1,2 triệu dân và của hàng nghìn doanh nhân Hưng Yên, thì phải kể đến sự chỉ đạo sâu sát nhạy bén quyết liệt của dàn lãnh đạo tỉnh nhà, đứng đầu là một cán bộ còn trẻ là Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa. Thành tích của năm 2022 có sự đồng vọng của thành tích những năm 2005, 2006, 2007..., khi Hưng Yên đạt thứ hạng cao trong thu hút đầu tư và là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện miễn thủy lợi phí cùng miễn thuế nông nghiệp cho nông dân dưới thời của Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Phách...
Thành tích phát triển kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh Hưng Yên hôm nay bắt nguồn từ quê hương Bãi Sậy- mảnh đất thuộc Trấn Sơn Nam Hạ -một thuở “Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Phố Hiến.
Miền đất địa linh nhân kiệt Hưng Yên đang đồng vọng một sức Xuân.
Sức Xuân Hưng Yên trỗi dậy và đồng vọng chí lớn của Triệu Việt Vương quê huyện Chu Diên xưa Khoái Châu nay, lấy đầm Dạ Trạch làm căn cứ đánh đuổi quân nhà Lương năm 547 để giữ gìn non nước Vạn Xuân, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ, thoát khỏi sự đô hộ hàng nghìn năm của phương Bắc.
Sức Xuân Hưng Yên đồng vọng công trạng và bài thơ THUẬT HOÀI của chàng trai nghèo Phạm Ngũ Lão (1255-1320) quê Phù Ủng huyện Ân Thi vốn là con nhà nông dân, nhờ chăm chỉ ngày tập võ nghệ, đêm đọc binh thư mà trở thành tướng quân văn võ song toàn thời Trần, khi đánh Nguyên Mông, lúc diệt Ai Lao, phá Chiêm Thành “dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được” (Lời của Sử thần Ngô Sĩ Liên nói về ông)
Sức Xuân Hưng Yên là tài năng và tiết tháo của thần đồng Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) người làng Thổ Hoàng huyện Ân Thi làm quan trải 5 đời vua Trần giữ chức Thượng thư, Đại hành khiển, Kinh sư Đại doãn (đứng dầu kinh thành Thăng Long) xử kiện phân minh, soạn luật Hình thư viết sử Hoàng triều đại điển, thơ phú bay bổng cốt cách.
Sức Xuân Hưng Yên còn là tài năng và tiết tháo của quan Tham tụng (Thủ tướng) Phạm Công Trứ (1599-1675) quê Liêu Xuyên, Nghĩa Hiệp, Yên Mĩ từng phò tá 5 đời vua Lê, đặt ra phép tắc kỉ cương nhà nước, đè nén những kẻ cậy quyền nhũng lạm, dạy nhiều trò giỏi, vâng mệnh tu soạn Đại Việt sử ký toàn thư.
Sức Xuân Hưng Yên đồng vọng có hình ảnh phi thường của Phó Đức Chính( 1907-1930) quê Đa Ngưu, Tân Tiến, Văn Giang. 23 tuổi, ông là Phó trưởng đảng Việt Nam Quôc dân Đảng, khi bị Pháp kết án tử hình, ông không chống án, mà chịu chặt đầu cùng 12 đồng chí của mình tại Yên Bái. Ông không nằm sấp như mọi người, mà nằm ngửa để “ nhìn lưỡi dao rơi xuống và nhìn trời xanh” như ông từng dõng dạc.
Sức Xuân Hưng yên đồng vọng có sắc đào thắm của nhà cách mạng Tô Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La những năm đầu 40 của thế kỷ 20. Nhà cách mạng Tô Hiệu (1912-1944) quê Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang. Ông cùng anh trai của mình là Tô Chấn (liệt sĩ Tô Chấn hy sinh trên biển trong chuyến vượt Côn Đảo cùng Ngô Gia Tự năm 1936) sớm tham gia cách mạng, được bầu vào Ban thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và phụ trách phong trào miền Duyên hải. Bị địch bắt, rồi bị đày đi nhà tù Sơn La. Tại đây, ông biến nhà tù thành trường học, đào tạo hàng trăm cán bộ xuất sắc cho Đảng.
Và sức Xuân Hưng Yên đồng vọng còn có tinh thần đổi mới sáng tạo mà kiên định của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-1998). Ông người làng Yên Phú, Giai Phạm, Yên Mĩ. Ông là một trong những cán bộ đứng mũi chịu sào vào những thời điểm cách mạng miền Nam cam go thử thách, hay ở vào thời kì đất nước còn bao cấp trì trệ và bị bao vây cấm vận... Ông là một trong những nhà lãnh đạo khởi xướng và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chuyển nền kinh tế từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh. Ông nổi bật với tác phong lãnh đạo sâu sát sáng tạo mà quyết liệt với “ Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Đảng.