Một nhà khoa học đầu ngành, một thầy giáo mẫu mực

Thứ ba - 22/03/2022 13:04

Vĩnh biệt Nhà văn, Giáo sư Phùng Văn Tửu

Anh Phùng Văn Tửu, một trong những người bạn đồng nghiệp thân thiết nhất của tôi đã mãi mãi đi xa! Anh là người Thủ đô, tôi là người xứ Nghệ, ở phổ thông tôi và anh đã học theo hai hệ thống giáo dục khác nhau, nhưng giữa tôi và anh, ngoài tình đồng nghiệp, còn khá nhiều mối quan hệ khác làm cho hai chúng tôi thêm gần gũi. Anh tốt nghiệp đại học sau tôi hai năm, nhưng cả hai, sau khi được giữ lại trường hai năm, đều lần lượt được cử vào Đại học Sư phạm Vinh công tác, cùng xa cách người yêu vừa bước vào ngưỡng cửa đại học, và sau đó, cùng sống xa cách vợ con ở Hà Nội trong nhiều năm tháng.

111

Vợ anh, chị Bích Ngọc, từng học cùng lớp với vợ tôi ở Khoa Sinh – Đại học Tổng hợp, Bác sĩ Lan Phương (vợ GS. Đặng Hanh Đệ) bà thông gia với anh, là bạn thân của vợ tôi lúc học phổ thông. Sau khi vào Vinh, anh sinh hoạt cùng tổ văn học nước ngoài với tôi, anh được chuyển ra Đại học Sư phạm Hà Nội trước (1969), nhưng năm 1976, sau khi được ra Hà Nội, tôi và anh lại cùng sinh hoạt  tổ bộ môn Văn học nước ngoài. Quan hệ giữa chúng tôi càng thân thiết khi cùng được mời viết mấy bộ sách giáo khoa liên tiếp, đặc biệt khi được GS. Đỗ Đức Hiểu mời vào Ban biên tập (như nhóm chủ biên sau này) bộ Từ điển Văn học (anh phụ trách các mục từ văn học phương Tây, tôi phụ trách các mục từ văn học các nước Á Phi). Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên kì lạ: khi học lớp Đệ tứ niên, tôi và anh Đậu Tùng (cũng người Hương Sơn – Hà Tĩnh) đoạt Giải Nhất môn Toán trong kì thi học sinh giỏi của Liên Khu IV thì ở Hà Nội, lúc học lớp Đệ tứ niên, anh Tửu cũng đoạt giải nhất về môn Toán trong kì thi học sinh giỏi! Anh còn hơn tôi ở chỗ, cũng trong kì thi học sinh giỏi năm ấy, anh còn nhận được giải Nhì môn Văn. Phần thưởng của tôi chỉ là 20 mét vải Xita (bấy giờ là quý lắm) và một số sách, phần thưởng của anh lớn hơn nhiều: một vé khứ hồi đi chơi Sài Gòn (anh không nhận) và một chiếc xe đạp nam nhãn hiệu Mercier khung dura, về sau thành báu vật trong những năm sơ tán! Còn giống nhau ở chỗ, lên Đại học, chẳng ai học Toán cả mà đều rẽ sang học Văn, cùng ở lại trường và cùng dần trở thành cốt cán ở hai phân môn của văn học nước ngoài.

Cùng công tác với nhau mấy chục năm nhưng thời gian chúng tôi gần gũi nhau nhất là lúc Đại học Vinh sơ tán từ cuối năm 1964 cho đến 1969. Sau vụ máy bay Mỹ ném bom Bến Thuỷ ngày 5 tháng 8 năm 1964, Đại học Sư phạm Vinh phải sơ tán ra Nghi Lộc, ở một địa điểm gần Cầu Cấm, trọng điểm đánh phá của địch, chỗ giao nhau của các đường giao thông huyết mạch Bắc – Nam (đường bộ, đường sắt cũng như đường thuỷ). Sự việc đáng nhớ nhất trong những ngày ở Nghi Lộc là vụ ném bom của Mỹ vào ngày 25/3/1965.Chúng đánh liên tục từ sáng đến trưa, chỉ nghỉ khoảng hơn một tiếng, đầu giờ chiều, lại quay đến dội bom tiếp, cho đến khoảng 5 giờ chiều, khi cầu sập mới thôi. Dĩ nhiên, sau đó, dân công, công binh từ các nơi đổ về ngay để khắc phục sự cố. Cứ mỗi lần từ dưới hầm lên, mỗi chúng tôi mặt mũi, quần áo đều lấm đầy đất cát. Một quả bom rơi ngay đầu ngõ, chúng tôi chỉ nghe một tiếng “bụp” rất nhỏ, nhưng không ngờ xoáy một cái hố cực lớn. Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi và anh Tửu trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Không lâu sau, chúng tôi phải chuyển lên Thanh Chương, rồi cũng chỉ sau một thời gian ngắn, lại được lệnh chuyển ra Thanh Hoá, đầu tiên ở xã Hà Thanh, thuộc huyện Hà Trung. Nơi đây gần cầu Đò Lèn, nên cũng chỉ vài tháng sau, phải chuyển lên Vĩnh Lộc, và cuối cùng, toàn trường phải chuyển tới một địa điểm thật an toàn là huyện miền núi Thạch Thành. Khoa Văn được phân ở nơi xa nhất là xã Thành Mỹ, cách thị trấn Kim Tân trên 20 km. Toàn bộ bà con là đân tộc Mường và đều ở nhà sàn. Tôi và anh Tửu ở với nhau gần 3 năm trong nhà anh chị chẽm Xoan. An toàn nhưng điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn. Cơm độn ngô, thường là ngô tẻ, hoặc độn sắn, thường là về chậm nên đã “chảy máu”, thành thử bát cơm nhiều khi chỉ thấy màu vàng. Chất đạm quá thiếu, dần dà chúng tôi tìm ra cách bắt ốc sên, nhất là vào những đêm mưa, rồi chế biến đủ cách cho dễ nuốt. Không có bàn, tôi và anh Tửu mỗi người chiếm một không gian cạnh cửa sổ, treo một tấm ván cỡ 80x50 cm để làm bàn. Ấy thế, nhưng “cuộc đời vẫn đẹp sao” khi được mặc sức bơi lội trên dòng sông Bưởi trong xanh, khi được mế già đưa cho một củ sắn lùi thơm lựng, một mẻ ngô rang giòn tan, đặc biệt là dịp nghỉ hè nghỉ Tết, cả hai chúng tôi được cùng phóng xe đạp về Hà Nội theo nước mã hồi, hoặc xuôi về Kim Tân, ra Rịa, qua Phủ Lý, hoặc ngược lên đường số 6 qua địa giới Hoà Bình. Chúng tôi vẫn miệt mài đọc sách, nghiên cứu khoa học. Chính tại nơi đây, chúng tôi đã tổ chức một hội nghị nghiên cứu khoa học lớn mang tên Hội nghị phương pháp luận nghiên cứu văn học lần thứ nhất, có Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và gần như hầu hết cán bộ khoa học đầu đàn của Viện Văn học, của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp về dự. Tôi đọc báo cáo về Văn học so sánh, anh Tửu đọc báo cáo về vấn đề Cách tân và Truyền thống. Thời gian anh Tửu công tác ở Đại học Sư phạm Vinh chỉ bằng một nửa thời gian của tôi nhưng những năm tháng sơ tán vất vả nhất của Trường, anh đã nếm trải gần như trọn vẹn!

Về thành tích nghiên cứu khoa học của anh Phùng Văn Tửu, thiển nghĩ không cần nói nhiều, vì bản thân sự tồn tại, phổ biến của những công trình khoa học của anh, những giải thưởng cao quý về mặt này của Nhà nước, của Hội Nhà văn trao tặng anh đã nói lên tất cả. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một vài suy nghĩ riêng của mình về các công trình khoa học và hoạt động khoa học của anh.

Trong số cán bộ khoa học đầu đàn nghiên cứu và giảng dạy văn học Pháp nói riêng, văn học phương Tây nói chung, anh Tửu không chỉ là một trong số không nhiều người có số lượng công trình nhiều nhất, mà còn là người có đóng góp toàn diện nhất: giáo trình đại học, SGK phổ thông, sách chuyên khảo, sách dịch, sách tra cứu, sách công cụ. Xét từng mặt, anh có thể không bằng người này người nọ, nhưng tổng hợp lại, có thể xếp anh ở vị trí đầu bảng.

Anh đã cho in 14 công trình dịch thuật. Tỉ lệ 14 công trình dịch thuật trên 11 công trình chuyên khảo là một con số biết nói. Từng có tình trạng có người giảng dạy văn học nước ngoài ở cao đẳng, đại học, nghiên cứu văn học nước ngoài mà không trực tiếp đọc dược tác phẩm, phải thông qua các “thế phẩm”, tức thông qua sự giới thiệu các tác phẩm của người khác. Số lượng công trình dịch lớn hơn số lượng chuyên khảo, chứng tỏ Phùng Văn Tửu là một chuyên gia văn học nước ngoài đích thực, chính hiệu. Các công trình ấy, đặc biệt là những bản dịch các công trình về lí luận như Mỹ học của Diderot (2006), Những huyền thoại của Roland Barthes (2008), không chỉ giúp bạn đọc nắm vững hơn những  công trình của chính anh mà còn gợi mở ra bao vấn đề khác. Trong cuốn Cách tân nghệ thuật văn học Phương Tây in năm 2017, công trình được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, anh đặt hẳn phần dịch thành PHẦN THỨ HAI của công trình, tức “bình đẳng” với phần nghiên cứu. Đây không chỉ là vấn đề bố cục của sách mà còn thể hiện quan niệm của anh: Dịch thuật, ở một số trường hợp, phải được coi là nghiên cứu, và sản phẩm của nó phải được coi là công trình nghiên cứu.

Càng về sau, phạm vi nghiên cứu của anh càng mở rộng. Nếu ở cụm ba công trình được giải thưởng Nhà nước, anh chỉ giới hạn ở “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỉ 21” thì ở công trình vừa đề cập, anh không chỉ đóng khung ở Pháp mà còn mở rộng tới các hiện tượng văn học của Anh, Mỹ, Đức…, không chỉ nói về Tiểu thuyết, mà còn bàn luận về Thơ, đặc biệt là Kịch. Về thời gian, có đề cập thế kỉ XX, trong đó  2 tác phẩm có liên quan tới Việt Nam, nhưng trọng tâm là đi ngược lên các hiện tượng của thế kỉ XVIII, XIX (G.Byron, A.Vigny, V.Hugo…). Tại sao tên sách là “cách tân…” mà các đối tượng nghiên cứu chủ yếu lại là các hiện tượng cách đây vài thế kỉ? Đó là một điều lí thú, qua đây có thể rút ra nhiều nhận xét có ý nghĩa lí luận và thực tiễn, song không thể đề cập trong phạm vi một bài viết ngắn.

Nói đến hoạt động nghiên cứu khoa học của anh Phùng Văn Tửu, không thể không đề cập đóng góp vô cùng lớn của anh đối với cuốn Từ điển văn học, 2 tập, do NXB Khoa học xã hội in năm 1983-1984, và cuốn Từ điển văn học Bộ mới do NXB Thế giới in năm 2004. Anh không chỉ phụ trách các mục từ văn học phương Tây, mà lần xuất bản đầu tiên, anh là một trong 2 uỷ viên thường trực, lần sau, cũng là một trong 3 uỷ viên thường trực. Từ một bộ sách 1.117 trang với 56 tác giả nâng cấp thành bộ mới 2.300 trang với 125 tác giả, cá nhân anh đã bỏ biết bao công sức trong 17 năm trời.

Cũng không thể không nhắc tới hoàn cảnh, điều kiện làm khoa học của anh. Anh vốn không phải là người khoẻ mạnh. Chỉ 8 năm sau khi anh được về Hà Nội, chị Bích Ngọc bị ung thư. Do thuốc đáp ứng tốt nên chị qua khỏi, nhưng sức khoẻ kém sút rất nhiều. Vẫn phải tiếp tục dạy học, một số năm phải dạy xa, anh Tửu phải đảm nhận một phần công việc của “nội tướng”. Đến năm 2012, lại đến lượt anh bị ung thư máu, phải hoá trị 6 đợt. Năm 2002, anh về hưu. Ba năm sau, anh nhận được giải thướng Nhà nước. Năm 2016, người vợ thân yêu qua đời. Năm 2018, anh bị đột quỵ và nằm liệt từ đó. Cuốn sách đồ sộ thứ hai nhận được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017, tức một năm sau khi vợ mất và một năm trước khi anh đột quỵ. Có thể nói, những công trình lớn cuối đời của anh là kết tinh của tinh hoa Trí tuệ và sức mạnh của Nghị lực!

PGS. Trần Duy Châu, một nhà giáo cùng dạy văn học phương Tây với anh trong gần chục năm ở Đại học Sư phạm Vinh cho tôi biết, trong lời phê học bạ của ông hiệu trưởng khi anh Tửu còn học phổ thông, có nêu tiên đoán rằng về sau anh sẽ là “một người cha tốt, một viên chức tốt” (un bon père, un bon fonctionnaire). Thật là tài tình khi nhà quản lí giáo dục này đã chộp đúng cái “thần” trong nhân cách của một con người mới ở độ tuổi trưởng thành, ấy là tính chuẩn mực. Dĩ nhiên, trước hết đó là kết quả của một quá trình rèn luyện từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng đó cũng còn là kết quả, sự tiếp nối của nền nếp gia phong. Phụ thân anh, nhà Nho, nhà giáo Phùng Văn Trinh, đã dồn cả 30 năm trời cho công cuộc Truyền bá Quốc ngữ, được mọi người trọng vọng, danh xưng của Cụ đã được dùng để đặt tên cho một trường Tiểu học ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Người “cha tốt” ấy không chỉ là thân sinh của GS. Nhà giáo ưu tú Phùng Văn Tửu (Tửu em), mà còn là thân sinh của Tửu anh, luật gia Phùng Văn Tửu, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, được nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, của nữ thẩm phán Phùng Lê Trân nghiêm minh, chính trực. Và đến lượt anh, anh đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nên kiến trúc sư Phùng Thế Vinh, nhà ngoại giao - Đại sứ Phùng Thế Long. “Viên chức tốt” trong ngành giáo dục, trước tiên phải là một nhà giáo mẫu mực. Nếu bỏ phiếu để chọn nhà giáo mẫu mực nhất ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi chắc chắn anh sẽ là người nhận được số phiếu cao nhất. Anh đúng là người rất mẫu mực: ăn nói, đi đứng, viết lách, ứng xử…, tất cả đều đúng khuôn phép. Anh là người dị ứng mạnh mẽ với tất cả những gì “phi chuẩn”. Lên lớp, không bao giờ đến chậm một phút, kẻng báo giờ học kết thúc, cũng là lúc anh trình bày xong giáo án, sinh viên ngước nhìn lên, thầy đã bước chân ra khỏi lớp. Không cần nói đến những công trình lớn, chỉ cần đọc một bài báo ngắn của anh, sinh viên đã cũng có thể học tập được rất nhiều điều về phép tắc, quy củ trong nghiên cứu, hành văn, kể cả những việc nhỏ như trích dẫn, chú thích. Anh rất trọng lễ nghĩa, nhưng không phải là thứ “lễ”, thứ phép tắc theo tôn ti trật tự phong kiến. Anh luôn khuyến khích sinh viên phát huy tinh thần dân chủ, chủ động, sinh viên nào tự xưng “em” là anh tỏ ý không bằng lòng, đề nghị sửa thành “tôi”. Có một lần, hiệu trưởng trường ĐHSP mời cán bộ cốt cán họp để góp ý cho kế hoạch của Ban giám hiệu, tôi còn nhớ mãi câu phát biểu ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục của anh: “Hôm nay tôi rất phấn khởi vì được dự họp tại một căn phòng khang trang, tuy nhiên tôi muốn tất cả mọi cơ sở của trường đều đẹp đẽ, khang trang, nhất là những gì phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của sinh viên. Trước hết, tôi đề nghị thay tất cả bàn ghế, vì hiện nay ở các lớp học, bàn đều liền với ghế, đứng dậy rất khó khăn, không thể đứng thẳng người, như thế là chúng ta đã dạy cho sinh viên thói khom lưng đấy!”. Trong những lần thông qua luận án ở cấp cơ sở, sinh viên đều rất ngại sự có mặt của anh vì bất cứ sự sơ suất nào cũng không qua được cắp mắt sắc sảo của anh, nhưng đồng thời cũng rất muốn nhận được sự uốn nắn của anh để kịp thời sửa chữa. Sinh viên ngại nhất là anh đưa ra những nhận xét, câu hỏi như thế này: “Bảng thư mục rất phong phú, trong đó có công trình A., công trình B... Anh (chị) đã tham khảo được những gì ở các công trình ấy và điều đó đã được thể hiện cụ thể ở những chỗ nào trong luận án?”... Đầu năm 1989, sau khi được bầu làm Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, anh Vũ Tuấn đến nhà tôi, đề nghị tôi giới thiệu cho một người làm hiệu phó phụ trách đào tạo. Tôi nói ngay: Tôi xin đề nghị anh Nghiêm Đình Vỳ và anh Phùng Văn Tửu. Về anh Tửu, tôi nói thêm: Chỉ sợ anh ấy ngại mình không phải là đảng viên, hơn nữa cái tạng của anh ấy là thiên về chuyên môn chứ không phải quản lí, song nếu anh ấy nhận cho thì tuyệt vời vì nhất định anh ấy sẽ làm tốt. Muốn trường sư phạm trở thành một trường “mô phạm” như Bác Hồ căn dặn, thì cần có một người phụ trách đào tạo giỏi chuyên môn và có tính cách mô phạm.

Nhắc tới điều đã không xẩy ra này là để nói lên lòng tin cậy cao của tôi đối với người đã khuất, cũng là để biểu lộ niềm tiếc thương sâu sắc với một người bạn có nhiều năng lực phẩm chất tốt đẹp, lẽ ra có thể còn cống hiển được cho đời nhiều hơn nữa!


Tác giả: Nguyễn Khắc Phi
Nguồn Văn nghệ số 12/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay4,246
  • Tháng hiện tại108,439
  • Tổng lượt truy cập3,078,349
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây