Người mang trái tim trĩu nặng

Thứ sáu - 16/07/2021 11:17
Từ Budapest (Thủ đô Hungary) ngày 14/7/2021, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh nhắn tin cho tôi, rằng nhà văn Việt kiều Nguyễn Lam Thủy vừa qua đời sau ca phẫu thuật tim tại bệnh viện. Tôi rụng rời đứng lặng, không ngăn nổi dòng nước mắt. Làm sao mà vừa mới đây thôi, anh còn gọi điện cho tôi nói chuyện gần một tiếng đồng hồ về vấn đề vắc xin ở Việt Nam, mà sao anh có thể ra đi đột ngột đến thế!
111
Nhà văn Nguyễn Lam Thủy ( bên trái ) tại nơi làm việc ở  bệnh viện Sent Istvan

Tôi không lạ gì thông tin về cuộc phẫu thuật tim của anh, vốn bị trì hoãn nhiều lần do Covid-19. Từ giữa năm 2020, nhà văn Nguyễn Lam Thủy đã báo cho tôi rằng anh sẽ phải phẫu thuật tim, do bệnh trở nặng. Anh báo lịch mổ tim của anh vào cuối tháng 7/2020. Thấy anh có vẻ buồn, tôi động viên anh rằng, tôi mong anh vững tin và lạc quan, như người lính vào một trận đấu.

Anh nói:

- Cảm ơn em nhiều, anh chẳng sợ chết đâu

- Anh còn phải chờ đón em qua Budapest chơi, đi thăm hồ Balaton nữa chứ - Tôi nài anh.

Khi có lịch mổ, anh vội gửi cho tôi bản thảo một truyện ngắn mà anh viết tay, chụp lại và nhờ tôi đánh máy rồi xuất bản ở Việt Nam, cứ như anh linh cảm điều gì đó chẳng lành. Đó là một truyện anh viết, mang tính châm biếm về người Việt ở Hungary. Thế nhưng lịch mổ của anh đã bị trì hoãn không chỉ một lần. Giờ đây, khi anh đã ra đi, thì tôi lại thấy rằng, việc trì hoãn lịch mổ, hóa ra lại có thể giúp tôi được trò chuyện với anh thêm nhiều lần nữa suốt cả năm qua.

Nhà văn - Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lam Thuỷ sinh năm 1955 tại Hà Tĩnh, nhưng hơn nửa đời mình sống trên cõi đời, anh đã dành cho Budapest. Anh coi Hungary là quê hương thứ hai của mình, sau Việt Nam. Anh cũng đã thành danh trên đất Hungary hoa lệ, làm việc nhiều năm tại bệnh viện Szent Istvan, một bệnh viện danh tiếng bậc nhất ở Budapest. Anh là một người Việt mà ta có thể tự hào khi giới thiệu anh với bất cứ người Hungary nào ở nước họ.

Tôi biết đến Nguyễn Lam Thủy chưa lâu, nhưng đã nhanh chóng thân thiết tình anh em và đồng nghiệp. Khi đọc văn của anh, một cách kiên nhẫn, tôi đã gọi anh là “Người lượm kim cương trong tro tàn cuộc sống”. Nhưng khi tìm hiểu thêm về thân thế sự nghiệp của anh, tôi xiết bao ngạc nhiên khi biết anh trước hết là một nhà khoa học danh tiếng. Trải qua 4 thập kỷ sống xa quê hương, học tập, làm việc, nghiên cứu cả ở châu Âu và Mỹ, cuối cùng GS.TS. Nguyễn Lam Thuỷ làm việc tại Bệnh viện Szent István, Budapest, Hungary. Anh là tiến sĩ Sinh lý học và Y học, được đào tạo tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Trường đại học Y Budapest. Anh cũng đã có nhiều công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới. Đặc biệt, bài báo khoa học về “Phản ứng tổng hợp hạt nhân - nguồn năng lượng của tương lai” của anh công bố năm 2012 đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, thu được những phản hồi tích cực về một giải pháp ưu việt cho nhu cầu về nguồn năng lượng của nhân loại.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Lam Thủy ở Việt Nam, trong Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 2/2019. Buổi cuối cùng của Hội nghị, tôi mới bắt gặp và chú ý đến người đàn ông gày gò ngồi cùng bàn ăn sáng với mình. Chúng tôi trò chuyện và tôi lúc ấy mới biết anh là nhà văn Việt kiều, sinh sống ở Hungary. Tôi khoe với anh là trong một tháng nữa, tôi sẽ đến Hungary theo lời mời của một nhà thơ Hung.

Nhà văn Nguyễn Lam Thủy lập tức bảo:

- Hay quá, nếu em đến Budapest, thì đến nhà anh ở nhé. Anh sẽ thu xếp thời gian đưa em đi chơi các vùng nổi tiếng của Hungary.

- Nhưng em lại hứa ở lại nhà bạn thơ Hungary mất rồi – Tôi từ chối – Em sẽ đến thăm anh, thăm nơi làm việc tại Budapest của anh. Còn lịch trình ở Hungary của em đã được bạn thơ Hung sắp xếp.

- Em đến nhà anh ở đi - Nguyễn Lam Thủy cố nài tôi – Nhà bạn Hungary chắc gì rộng bằng nhà anh!

Tôi ngầm hiểu ý chữ “rộng” mà anh nói, nhưng tính tôi vốn đã hứa với ai trước rồi thì không muốn thay đổi. Tôi đành bảo nhà văn Nguyễn Lam Thủy rằng tôi sẽ còn tới Hungary không chỉ một lần nên anh cứ yên tâm, chắc chắn sẽ có dịp tôi đến đó và chỉ ở nhà anh, thăm vợ chồng anh và tìm hiểu sâu sắc hơn về một gia đình trí thức người Việt sinh sống ở trung tâm châu Âu thế nào.

Tháng 3/2019, tôi đến Budapest, ở lại nhà bạn thơ Hungary – anh Sandor Halmosi – và bạn có đưa tôi đến bệnh viện Szent István thăm nhà văn Nguyễn Lam Thủy. Quà từ Hà Nội của tôi mang tới tặng anh là hai tờ báo Việt có in bài tôi viết về anh. Anh rất mừng và vẫn tỏ ra hối tiếc rằng tại sao tôi không ở lại nhà anh chơi vài hôm được. Sau đó, anh dẫn tôi và nhà thơ Sandor Halmosi đi xuyên qua khuôn viên bệnh viện, giới thiệu về bệnh viện, và cuối cùng dẫn chúng tôi đến một nhà hàng trong khu sinh viên thực tập của bệnh viện để dùng bữa sáng. Anh còn cẩn thận mua bánh cho tôi mang đi ăn trên đường. Tuy chưa trải nghiệm cuộc sống gia đình của anh, nhưng nhờ chuyến thăm ngắn ngủi, được anh giới thiệu về bệnh viện, mà hình ảnh của anh cùng bệnh viện Szent István đã thành “nhân vật” trong tiểu thuyết “Lời thề Budapest” sắp xuất bản của tôi.

Trở về Việt Nam, tôi thường xuyên trò chuyện, tâm sự nhiều việc với nhà văn Nguyễn Lam Thủy qua điện thoại. Đó là những chuyện tình hình chính sự, chuyện người Việt ở Hungary, chuyện sức khỏe của anh, chuyện viết lách, chuyện việc làm mới của tôi ở Hội Nhà văn VN. Nổi bật lên là chuyện viết văn và việc làm mới của tôi. Anh rất lo lắng và quan tâm xem liệu tôi sống thế nào nếu thu nhập từ công việc thấp như vậy. Nếu tôi có vấp váp gì với công việc mới, thì cứ nói với anh, anh sẽ có cách tác động giúp tôi. Về việc viết văn, anh có vẻ buồn hơn vì dạo này sức khỏe kém, thêm một số việc bất ý nên anh khó viết, thậm chí chẳng cảm thấy có cảm hứng hoặc ý tưởng mới để đặt bút viết. Tôi động viên anh bằng cách chia sẻ những phương pháp viết của mình, thúc giục anh gửi tác phẩm mới cho tôi xuất bản ở Việt Nam. Thế rồi anh cũng gửi truyện anh viết cho tôi đọc, góp ý. Tôi cũng viết thêm bài mới về chuyện sáng tác của anh, cái nhìn của anh về đại dịch và con người trong đại dịch… Câu chuyện sự sống, việc viết, sự đàm đạo về nghề giữa anh em chúng tôi cứ thế nối dài ra. Tôi thậm chí đặt lịch, rằng cứ mỗi cuối tuần, tôi và anh sẽ gọi điện trò chuyện về đời sống, về việc viết văn, như cách để truyền thông tin, cảm hứng cho nhau.

Tôi cũng lập kế hoạch trở lại Budapest vào tháng 10/2019, lần này sẽ ở chơi nhà anh ít nhất 3 ngày. Nhà văn Nguyễn Lam Thủy biết tin, rất hào hứng, lập luôn kế hoạch sẽ đưa tôi đi chơi. Thế rồi một sự cố bất ý xảy ra khiến chuyến đi Budapest lần hai của tôi bị hoãn. Lời hứa anh đưa tôi đi thăm hồ Balaton thế là vẫn chưa được thực hiện.

Nhà văn Nguyễn Lam Thủy mất ngủ đã lâu. Bệnh mất ngủ triền miên khiến anh gầy rộc người, có lúc chỉ còn hơn 40 kí lô. Tôi cũng từng mất ngủ, nên tôi hiểu nỗi khổ của anh. Vào tháng 6/2020, tôi bị phản ứng thuốc kháng sinh nặng nên sinh ra trầm cảm, mất ngủ, hoảng loạn. Giữa đêm, không ngủ nổi, tinh thần bất an, tôi không dám gọi cho người thân ở Việt Nam, mà gọi cho nhà văn Nguyễn Lam Thủy, vì chênh múi giờ nên ở Budapest đang là buổi chiều, để hỏi anh cách làm thế nào vượt qua nỗi thống khổ đó. Anh đã kiên nhẫn trò chuyện với tôi, xoa dịu tôi, rồi sau đó gửi đơn thuốc ngủ qua tin nhắn. Tôi xem cái đơn tới hơn 10 loại thuốc ngủ anh kê cho tôi chọn, với lời nhắn rằng anh đã dùng qua tất cả các loại ấy, tùy tôi muốn dùng loại nào cũng được. Và chính lúc ấy, tôi thấy thương anh hơn, đồng cảm thực sự với điều anh đau khổ, khi cơn mất ngủ quái ác dày vò, khiến anh không thể cầm bút viết, công việc tự do và yêu thích nhất của anh.

Giờ đây nhớ lại những cuộc trò chuyện dài với anh qua điện thoại trong suốt thời gian hai năm qua, tôi mới thấy mình từng có lúc tự hỏi, tại sao anh cứ luôn trăn trở và khổ sở mãi vì chuyện nhân tình thế thái, vì những trái khoáy ở đời? Tại sao mỗi khi nói chuyện, nhà văn Nguyễn Lam Thủy thường nhớ đến những chuyện buồn nhiều hơn? Tôi từng bảo anh hãy quẳng gánh lo gánh buồn đi mà sống. Anh ậm ừ nhưng có lẽ anh không làm nổi. Anh và tôi, tuổi tác cách nhau một thế hệ, quan điểm và phong cách sống cũng khác nhau. Tôi sao có thể khuyên lời nào cho anh được. Anh vẫn đau buồn như thế mỗi lần chúng tôi nói chuyện. Tôi thậm chí đồ rằng, đa mang quá nhiều chuyện đau buồn thế sự, trái tim anh khó chịu nổi, bệnh mất ngủ cũng vì thế mà khó chữa trị chăng. Càng chất chứa nhiều nỗi đau, trái tim càng nặng… Tôi chỉ có thể hy vọng rằng, những cuộc trò chuyện với tôi có thể khiến anh nhẹ lòng đúng lúc đó.

Giờ đây, trước mất mát này, tôi cũng chẳng dám chắc rằng, mong muốn trở lại Budapest lần thứ hai của tôi có thực hiện được hay không, vì đại dịch Covid-19 còn diễn biến quá phức tạp. Nhưng có điều tôi biết chắc, rằng cho dù tôi có trở lại được với Budapest lần thứ hai, thì tôi cũng chẳng thể gặp lại nhà văn Nguyễn Lam Thủy ở đó. Budapest không còn như trước nữa. Tôi đã mất mát quá nhiều. Thế giới này cũng đã mất mát quá nhiều.

Để kết lại bài này, tôi xin nhờ vào bài thơ khóc nhà văn Nguyễn Lam Thủy của tác giả Phan Bích Thiên:

“Em vẫn chưa thể tin là anh đã ra đi mãi mãi.

Mới nói chuyện với anh trước ca phẫu thuật

Bao tâm sự, trăn trở với cuộc đời

Những thăng trầm, số phận kiếp người,

Về dịch bệnh, tình hình chính trị.

Anh không chỉ mang tấm lòng bác sĩ

Sẵn sàng giúp mọi người lúc hiểm nguy,

Mà vẫn luôn đau đáu nghĩ suy

Thân phận con người qua từng dòng chữ.

Anh đi rồi, vắng người hay tâm sự

Về thời cuộc chính trị Mỹ, Trung, Nga

Về những kỷ niệm thời đã xa

Gắn bó với vùng quê Hà Tĩnh.

Anh ra đi, sẽ để lại khoảng trống

Trong lòng bè bạn ở chốn này

Dù vẫn biết số phận rủi, may

Nhưng mọi người sẽ nhớ anh nhiều lắm…”
 

Tác giả: Kiều Bích Hậu
Nguồn: Văn nghệ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,995
  • Tháng hiện tại71,982
  • Tổng lượt truy cập3,041,892
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây