Bác Hồ với các hội nghị văn hóa, văn nghệ toàn quốc

Thứ hai - 31/01/2022 16:08
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật. Người đã nhiều lần đến dự và nói chuyện thân mật với những nhà văn hóa, với văn nghệ sĩ tại những hội nghị, đại hội toàn quốc của ngành.
111
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969
Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất...

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3.9.1945; Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo sẽ tiếp chuyện đại biểu của các đoàn thể, trong đó có giới văn hóa. 19 giờ ngày 7.9.1945, Người tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ. Nói chuyện với các đại biểu về nhiệm vụ của văn hóa trong giai đoạn nước nhà mới giành được độc lập, Người nói: “Tôi mong rằng Các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn  hóa mới... Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại. Khi nghe các đại biểu tường trình rằng đoàn văn hóa Bắc Bộ Việt Nam đang tiến hành việc “vận động đại hội nghị toàn quốc văn hóa”, Người đồng ý ngay và nói: “Tôi mong rằng các ngài cố gắng làm được như thế, tổ chức mau chóng cuộc đại hội nghị văn hóa toàn quốc, gây được mối liên lạc mật thiết của quốc dân và văn hóa. Chính phủ sẽ giúp đỡ các ngài những phương tiện để thực hành công việc đó".

Hồi ký Những năm tháng ấy của nhà văn Vũ Ngọc Phan có đoạn: “Tổ chức một Hội nghị Văn hóa toàn quốc đối với chúng tôi thật là một  việc mới. Về thành phần hội nghị, chúng tôi có thể dự kiến được đôi chút, nhưng nội dung nó như thế nào, cần mời những ai là quan khách, chúng tôi chưa biết một cách cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết chúng tôi tổ chức hội nghị này là lần đầu tiên nên Người dặn chúng tôi sau khi đã suy nghĩ thật chín và vạch  ra kế hoạch thì Người sẽ cho phép lên trình bày với Người và Người sẽ góp ý cho. Chúng tôi rất lấy làm mừng. Thế là nhiều lần chúng tôi được gặp Người ở Bắc Bộ phủ”.
111
111

Báo Cứu quốc (số 416 ra ngày thứ Hai 25.11.1946) đăng tin về Hội nghị Văn hóa toàn quốc như sau: “Hà Nội 24.11.1946 - Hội nghị Văn  hóa toàn quốc họp phiên khai mạc sáng hôm nay vào hồi 9h tại Nhà hát Lớn”. Trong bài diễn văn khai mạc 40 phút, Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Người nói tiếp đến việc văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta học. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau đồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Người nói thêm rằng, văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tỉnh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Bài tường thuật về Hội  nghị đăng trên Báo Tiền phong số 24, ra ngày 1.12.1946 cũng viết: “Thật là xứng đáng một cuộc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhất là khi Hồ Chủ tịch bước lên đọc diễn văn khai mạc... Cụ đã tỏ ra rất thiết tha với văn hóa, trong khi nhắc lại ảnh hưởng của hai nền văn hóa Trung Hoa và Âu Tây ở nước ta và vạch một con đường văn hóa mới cho nước nhà”.

Như vậy, trong lần đầu tiên phát biểu trước hội nghị các nhà văn hóa đến từ khắp cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những luận điểm quan trọng xuyên suốt trong tư tưởng của Người về văn hóa. Đặc biệt, câu nói “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Người đã chạm đến trái tim của tất thảy những người công tác trong lĩnh vực văn hóa, cho thấy vai trò lớn lao của sự nghiệp văn hóa, cũng như trọng trách của các nhà văn hóa trong đời sống xã hội.

Hai năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, khi cả nước đang trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai điễn ra từ ngày 16 - 2O.7.1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Dù không đến dự, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và ngày 15.7.1948, Người đã gửi thư chúc mừng Hội nghị.
111

..„đến hai Đại hội Văn nghệ toàn quốc

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve, đất nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trong bối cảnh đó, giới văn nghệ sĩ đã nhiều lần tổ chức đại hội tại Hà Nội, trong đó Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (2o - 28.2.1957) và lần thứ ba (26.11 - 1.12.1962) vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tối ngày 28.2.1957, nói chuyện tại phiên bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lân thứ hai, Chủ tịch Hô Chí Minh khiêm tốn chỉ nhận
là “một người yêu  chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ”. Người biểu dương những đóng góp của giới văn nghệ vào sự nghiệp cách mạng, kháng chiến và xây dựng hòa bình. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của toàn dân nói chung và giới văn nghệ nói riêng... là đấu tranh để củng cố miền Bắc, đấu tranh để thống nhất nước nhà. Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, văn nghệ sĩ phải trau đồi tư tưởng và nghệ thuật, đi sâu  vào quần chúng; phải đi sát sự thực; phải trau dồi đạo đức cách mạng, trước hết là đức khiêm tốn, đoàn kết, khắc phục khó khăn. Kết thúc bài phát biểu, Người nói: “Bấy giờ đứng về địa vị một người chính trị, tôi xin hứa rằng Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ cố gắng trong khả năng của mình, giúp đỡ văn nghệ tiến lên”. Ngày 1.12.1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba. Nói về nhiệm vụ của văn nghệ trước những biến đổi lớn lao hiện nay của đất nước, Người nhấn mạnh: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới, chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”. Ñgười căn dặn: “Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân... làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân”.

Trước yêu cầu mới của thời đại, ngày 24.11.2021, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nhằm chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Đây là sự tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa để phù hợp với tình hình mới hiện nay.
 

Có chữ “phải” là hoàn toàn hợp lý

Vì không có bút tích, nên lâu nay khi trích câu nói này của Bác Hồ, nhiều văn bản  “tam sao, thất bản”. Có người trích: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”, nhưng có người trích: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, thậm chí chỉ ngắn gọn: “Văn hoá soi đường quốc dân đi”.

Lần này, chúng tôi đã tìm được Báo Cứu quốc số ra ngày 25.11.1946 ở cơ sở dữ liệu của Thư viện Quốc gia bài tường thuật về Hội nghị. Tờ báo đã ố vàng, nhưng may thay rất rõ câu nói của Bác: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”.

 Như thế là đã rõ, tuy không tìm được bút tích của Bác hay băng ghi âm, song đây là bài báo tường thuật ngay sau sự kiện một ngày và xét về văn phạm thì đây mới là một câu hoàn chỉnh. Bởi lẽ, theo mạch văn của bài phát biểu, ở trên Bác đã nêu vai trò mở đường của văn hoá, vai trò tiên phong của những người hoạt động văn hóa, thì đây chính là câu chốt về vai trò, sứ mệnh của văn hoá đối với sự phát triển của dân tộc. Có chữ “phải” là hoàn toàn hợp lý.     


 
TS Chu Đức Tính
ThS Nguyễn Hà Hạnh
Theo Văn hóa Xuân Nhâm Dần 2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây