Đại học hàng đầu Hà Lan hoàn trả tiền tài trợ từ Trung Quốc

Thứ ba - 25/01/2022 04:34

Quyết định của Trường Vrije Universiteit (VU) ở Amsterdam làm dấy lên lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại các cơ sở giáo dục châu Âu.

111
Châu Âu đang lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc lên các cơ sở giáo dục - Ảnh: GETTY
Trường Vrije Universiteit ở Amsterdam là trường đại học lớn thứ tư ở Hà Lan. Họ cho biết sẽ không nhận thêm tiền tài trợ từ Trường đại học Chính Pháp Tây Nam (SWUPL) ở Trùng Khánh (Trung Quốc) và hoàn trả các khoản tài trợ trước đó.

Tuần trước, Đài truyền hình NOS của Hà Lan tiết lộ Trung tâm Nhân quyền đa văn hóa (CCHRC) của Trường VU đã nhận từ 250.000 - 300.000 euro mỗi năm từ Trường SWUPL.

Theo Đài NOS, trung tâm CCHRC đã sử dụng tiền của Trường SWUPL cho việc đăng các bản tin định kỳ, tổ chức hội thảo và duy trì trang web. Trang web của CCHRC là nơi đăng một số bài viết bác bỏ chỉ trích của phương Tây về chính sách nhân quyền của Trung Quốc.

Tháng 10-2020, trang web của CCHRC cho biết các học giả liên kết với họ đã đến thăm 4 thành phố ở Tân Cương (Trung Quốc) và kết luận rằng "chắc chắn không có sự phân biệt đối xử giữa người Duy Ngô Nhĩ hay các dân tộc thiểu số khác trong khu vực".

Đài NOS dẫn lời của Tom Zwart - giáo sư nhân quyền của Đại học Leiden và là chủ tịch của CCHRC - khi ông nói với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc rằng vấn đề nhân quyền ở nước này "phải được nhìn nhận trong bối cảnh trong nước và không thể sao chép phương Tây".

Một học giả khác cộng tác với CCHRC là Peter Peverelli cũng cho rằng các báo cáo về trại lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là "tin đồn".

"Tân Cương thật đáng yêu - ông Peverelli nói - Những con người đáng yêu, thiên nhiên ngoạn mục, thức ăn tuyệt vời. Và không có lao động cưỡng bức, không có tội ác diệt chủng, hay bất cứ điều gì khác mà các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin".

Theo báo Guardian, CCHRC gồm các học giả từ các viện ở Hà Lan, Trung Quốc và các quốc gia khác. Trung tâm tự mô tả mình là viện nghiên cứu độc lập khuyến khích các cuộc tranh luận mở đa văn hóa về các khái niệm và vấn đề nhân quyền.

Quay lại Trường VU, sau khi Đài NOS tung thông tin điều tra, họ nói "ngay cả việc xuất hiện nghiên cứu không độc lập cũng không thể chấp nhận được". Trường VU do đó sẽ không nhận thêm tiền tài trợ từ Trung Quốc, trả lại tiền đã nhận năm ngoái và khởi động một cuộc điều tra.

Giáo sư nhân quyền Tom Zwart nói với Đài NOS rằng trang web của CCHRC là diễn đàn học thuật tự do ngôn luận và bài đăng không nhất thiết phản ánh kết quả nghiên cứu của trung tâm. Hơn nữa, một số quan điểm trên trang web ủng hộ Chính phủ Trung Quốc cũng không phải là sự ủng hộ chính thức của CCHRC.

Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf cho biết ông "rất sốc" trước thông tin này. Ông Robbert Dijkgraaf cho rằng quyền tự do học thuật, tính toàn vẹn và độc lập của nghiên cứu phải được đảm bảo, đồng thời cảnh báo các cơ sở giáo dục Hà Lan phải cảnh giác trước các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước ngoài.

Tháng 3-2021, một báo cáo của Anh cho thấy sự gia tăng đáng kể nguồn tài trợ của Trung Quốc trong 20 năm qua dành cho nghiên cứu đại học, bao gồm cả các lĩnh vực như tự động hóa, khoa học vật liệu và viễn thông...

Tháng 5-2021, Hungary công bố kế hoạch mở chi nhánh của Đại học Phúc Đán nổi tiếng ở Thượng Hải (Trung Quốc) tại thủ đô Budapest. Dự án được cho là sẽ nâng cao tiêu chuẩn giáo dục đại học và đón đầu tư và nghiên cứu của Trung Quốc.

Tháng 7-2021, cựu bộ trưởng giáo dục Đức Anja Karliczek kêu gọi các trường đại học xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc. Bà Karliczek nói ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các trường đại học Đức là “không thể chấp nhận được”, đồng thời cáo buộc khoảng 200 Viện Khổng Tử do Trung Quốc tài trợ ở châu Âu “tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

 

Theo Minh Khôi/Tuổi trẻ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây