Bài học từ công tác giải phóng mặt bằng ở Hưng Yên

Thứ ba - 06/08/2024 11:07
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 08/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận tỉnh Hưng Yên quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả quan trọng, đồng thời đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý trong công tác giải phóng mặt bằng là “nút thắt”, là 1 khâu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Và mới đây ngày 07/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 489/QĐ-TTg, ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2024; đây là niềm vinh dự, tự hào về mảnh đất, con người Hưng Yên được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tin tưởng phê duyệt quy hoạch tỉnh Hưng Yên với quy hoạch quốc gia. Điều đó, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận tỉnh Hưng Yên tiếp tục phải nỗ lực rất lớn để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và xây dựng các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên ở các nhiệm kỳ tiếp theo nhằm đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch và các Nghị quyết đã đề ra.
Bài học
Đ/c Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá
thực hiện dự án trọng điểm của tỉnh
Từ khóa bài viết: Công tác dân vận tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng

Để thực hiện được thành công, hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 08/11/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh và xác định công tác GPMB trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 15-CT/TU) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những nút thắt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên.

Xác định mục tiêu về giải phóng mặt bằng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước” và “Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại – dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển” là hai trong ba khâu đột phá để góp phần xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Hơn 2 năm qua thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận tỉnh Hưng Yên đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động GPMB thực hiện các công trình dự án trọng điểm của tỉnh giải quyết những nút thắt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên chỉ đạo sát sao, quyết liệt và ban hành nhiều văn bản để triển khai, đôn đốc thực Chỉ thị số 15-CT/TU, cụ thể như: Kết luận số 232-KL/TU ngày 15/10/2021 về phát triển các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 321-TB/TU ngày 05/01/2022 về thực hiện Kết luận số 232-KL/TU ngày 15/10/2021 phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư; Các Quyết định: Số 409-QĐ/TU ngày 11/3/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025; số 825-QĐ/TU ngày 17/5/2023 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025; Thông báo số 920-TB/TU ngày 30/12/2022 về việc Thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 1091-TB/TU ngày 31/3/2023 về việc Thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiến độ triển khai các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo tỉnh) do đồng Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TU đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, hằng tháng đều họp kiểm điểm, đánh giá tiến độ; đồng thời ban hành 12 Thông báo để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc tiến độ triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án trọng điểm.

Kết quả nổi bật trong công tác giải phóng mặt bằng

Kết quả trong 2 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, tổng số dự án cần GPMB trên địa bàn tỉnh là 569 dự án, công trình với diện tích cần GPMB là 5.087,47 ha, kết quả GPMB: Năm 2022, toàn tỉnh có 343 dự án cần GPMB với diện tích là 2.633,27 ha. Kết quả GPMB toàn tỉnh được 1.362,66 ha, đạt 51,7% (số lượng dự án hoàn thành GPMB là 149 dự án). Số dự án cần GPMB chuyển sang năm 2023 là 194 dự án với diện tích cần GPMB là 1.270,61 ha; năm 2023, toàn có 420 dự án cần GPMB với diện tích là 3.724,81 ha. Kết quả GPMB toàn tỉnh được 2.417,32 ha, đạt 64,9% (số lượng các dự án hoàn thành GPMB là 173 dự án). Số dự án cần GPMB chuyển sang năm 2024 là 236 dự án với diện tích cần GPMB là 1.307,49 ha. Trong các dự án nêu trên, có 15 dự án được Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025 đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo thường xuyên, trong đó: 02 dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông; 06 dự án khu công nghiệp; 07 dự án cụm công nghiệp. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2023 tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 10,05%, đứng thứ 7/63 tỉnh thành cả nước, thu hút đầu tư được 1,05 tỷ USD vốn FDI và khoảng 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tạo việc làm mới cho hơn 2,5 vạn người lao động; Hưng Yên xếp thứ 4/63, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số xanh cấp tỉnh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023. Trong đó, công tác GPMB đã đóng góp không nhỏ vào thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Sau 02 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân và sự nỗ lực của các chủ đầu tư, công tác GPMB đã thu được những kết quả tích cực, như: Năm 2022, kết quả GPMB toàn tỉnh được 1.362,66 ha, đạt 51,7%; sang năm 2023, kết quả GPMB toàn tỉnh đã tăng cao rõ rệt, cả tỉnh đã GPMB được 2.417,32 ha (GPMB nhiều hơn so với năm 2022 1.054,66 ha), đạt 64,9% diện tích cần GPMB, cao gấp 1,8 lần so với năm 2022. 

Công tác dân vận tham gia GPMB đi trước một bước
Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Thông báo số 254 - TB/TU, ngày 13/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác Dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp”; ban hành Kế hoạch số 11- KH/BDVTU, ngày 20/7/2021 về thực hiện Đề án số 02 - ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác Dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp, giai đoạn 2021 – 2025. Ban Dân vận Tỉnh ủy, cơ quan thường trực của các Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Công tác Tôn giáo đã tích cực tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ tỉnh triển khai kế hoạch hoạt động hằng năm, tập trung cho công tác vận động, tuyên truyền GPMB

Đồng chí Quách Thị Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tọa đàm thực hiện Chỉ thị số 15 -CT/TU; tổ chức cho Ban dân vận các huyện, thị, thành phố ký giao ước thi đua; phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội ký chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động GPMB đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đường Tân Phúc – Võng Phan, đường kết nối di sản… hướng dẫn hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia BCĐ, Tổ tuyên truyền, vận động các cấp; tích cực tuyên truyền vận động bám cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; bảo đảm vận hành hiệu quả các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho nhân dân, dành đất cho các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội…

Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh tổ chức 05 cuộc giám sát, khảo sát trong đó: Thường trực HĐND tỉnh đã trực tiếp thực hiện giám sát 02 nội dung gồm: Giám sát quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất tại Nghị quyết của Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Hưng Yên; việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất thực hiện dự án giai đoạn 2016-2021; Giám sát việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức Khảo sát 01 nội dung về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư của một số dự án thực hiện thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Ban Kinh tế - Ngân sách tiến hành giám sát 02 nội dung về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2021-2025 và tiến độ giải ngân các dự án trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh đã kiến nghị nhiều nội dung đối với UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương liên quan nhằm đẩy nhanh công tác GPMB và tiến độ thực hiện dự án. Kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các dự án trong 02 năm 2022 và 2023 đều vượt kế hoạch đầu tư Thủ tướng Chính phủ giao và đạt kết quả cao so với địa phương giao; nhiều dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2023 được đẩy mạnh công tác GPMB để triển khai thực hiện dự án, trong đó có các dự án lớn như: dự án Khu, Cụm công nghiệp, dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, dự án đường Tân Phúc - Võng Phan, đường kết nối di sản…

Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định đầu tiên phải tập trung thu hút đầu tư, thứ hai phát triển hạ tầng, trong đó có hạ giao thông, thứ ba phát triển nguồn nhân lực. Trước hết tập trung thu hút đầu tư, công tác GPMB là khâu mấu chốt, then chốt, là nút thắt của khó khăn, nếu như tất cả các dự án chỉ là dự án hô hào thì toàn bộ dự án trên giấy không có tác dụng, xác định công tác GPMB là nút thắt, đó là 1 khâu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược”

Ban cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả trong công tác GPMB để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh” tại Quyết định số 3022/QĐ-UBND ngày 28/12/2021. Đề án đã nêu thực trạng công tác GPMB, dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; những tồn tại hạn chế trong công tác GPMB và nguyên nhân; đã đánh giá nhu cầu thực hiện GPMB trong thời gian tới, đồng thời đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác GPMB cũng như giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã và thành phố, trong đó: Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dồn thửa đổi ruộng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm vi phạm về đất đai; Chỉ đạo các sở, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách của tỉnh về GPMB, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát, hoàn thành đo đạc và lập hồ sơ đất đai; hoàn thành lập quy hoạch đất đai giai đoạn 2021 - 2030 và quản lý thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt; Chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, nắm tình hình tại cơ sở; ngăn ngừa, xử lý các biểu hiện tiêu cực và những vướng mắc phát sinh trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của tổ chức, cá nhân 

Bài học kinh nghiệm

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU và Quyết định số 3022/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 về việc phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả trong công tác GPMB để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh" với việc phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc là yếu tố then chốt dẫn tới sự thành công cho thấy: Nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo quan tâm, sát sao, quyết liệt và có phương pháp khoa học, đúng đắn, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo, lãnh đạo UBND các cấp chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ thì đạt kết quả cao, đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra.
Công tác tuyên truyền tốt, dân vận khéo, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể các cấp, tổ chức tôn giáo là điểm sáng trong công tác GPMB đường Vành đai 4 và một số dự án trọng điểm. Thực hiện tốt công tác dân chủ ở cơ sở, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, tham mưu cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, giải thích, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát sinh từ thực tiễn. Thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương, đơn vị. Ban Chỉ đạo đã thường xuyên gặp gỡ, động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác GPMB, kịp thời khích lệ, tạo không khí phấn khởi thi đua giữa các đơn vị, địa phương, cá nhân.

Công tác chuyên môn, phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo các dự án công trình trọng điểm, UBND tỉnh và Tổ giúp việc đã quan tâm, thường xuyên tổ chức họp để kiểm điểm tiến độ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB cho các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện từ thực tiễn. Kịp thời báo cáo, đề xuất với cơ quan Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách chưa quy định rõ hoặc chưa phù hợp trong quá trình áp dụng thực tiễn. Sự phối hợp giữa một số sở, ngành với địa phương và giữa các địa phương với nhau ngày càng chặt chẽ, thường xuyên hơn. Tăng cường cử cán bộ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh cho các địa phương để hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, công trình.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp và các bước trong quá trình thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án, công trình nhằm giúp rút ngắn thời gian. Chủ động trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác GPMB nhằm đưa ra giải pháp, cách làm mới, hiệu quả hơn. Thường xuyên họp, tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình GPMB đối với các dự án thực hiện trước, áp dụng thực hiện tốt hơn cho các dự án sau. Ví dụ: Từ kinh nghiệm GPMB dự án đường Vành đai 4, dự án đường Tân Phúc – Võng Phan triển khai GPMB nhanh và hiệu quả hơn...
Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Hưng Yên đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục lập, trình thẩm định, quyết định đầu tư các dự án để bảo đảm điều kiện phân bổ vốn theo quy định. Trên cơ sở dự toán số thu ngân sách năm 2024 được giao, các sở, ngành, địa phương tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, đáp ứng đủ nguồn vốn để đầu tư các chương trình, dự án theo dự kiến kế hoạch được giao. Các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn của dự án; theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngay từ những ngày đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn của các cơ quan, đơn vị; kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm triển khai sang các dự án có tiến độ triển khai nhanh; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt công tác GPMB…

Với những kết quả và bài học kinh nghiệm trong 2 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, đã khẳng định sự nỗ lực quyết tâm cao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, sát sao, quyết liệt và có phương pháp khoa học, đúng đắn, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo, lãnh đạo UBND các cấp chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ thì đạt kết quả cao, đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, Cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo 35 cấp ủy các cấp tỉnh Hưng Yên thường xuyên chủ động, kịp thời tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, nhất là trong lĩnh vực công tác GPMB khi triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Hưng Yên.
Bùi Thanh Bình






































 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây