Nghề báo - đi để có tác phẩm hay

Thứ năm - 10/10/2024 10:18
p1 2

Thời gian - một khái niệm chưa bao giờ "dễ chịu” đối với bất kỳ ai, nó cứ vùn vụt trôi qua không thể níu giữ. Tưởng như mới đó mà cũng đã hơn 13 năm tôi gắn bó với nghề báo, gắn bó với Đài PT&TH Hưng Yên.

13 năm được nhắc đến với chức danh “phóng viên”, câu nói mà tôi được nghe nhiều nhất có lẽ là “làm phóng viên thích nhỉ, được đi nhiều, biết nhiều”. Vâng, nghề báo đã cho tôi thỏa sức đam mê, rong ruổi trong những năm tháng tuổi trẻ. Đi để tìm tòi, khám phá, đi để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống, dù vẫn biết rằng, chuyến đi nào cũng có những nhọc nhằn, thậm chí cả nguy hiểm. Và một lần hiểm nguy rình rập mà có lẽ trong cuộc đời làm báo của mình tôi sẽ nhớ mãi.

Đó là vào năm 2019, thời tiết đã vào thu, nắng rất vàng và trời rất xanh, trong cái sự đẹp đẽ của đất trời thì một tin tức đã trở thành hot seach lúc bấy giờ “Học sinh tử vong trên xe đưa đón”. Vụ việc đã làm chấn động dư luận khi đó. Người người, nhà nhà đi tìm lý do tại sao lại có thể bỏ quên một học sinh trên xe suốt nhiều tiếng đồng hồ dưới thời tiết 36 - 370C? Và vấn đề an toàn trong việc đưa đón học sinh trở lên đáng báo động.

Trước tiên, xuất phát từ tâm lý của một phụ huynh, tôi rất phẫn nộ với hành vi “bỏ quên” học sinh trên xe. Đó là một con người bằng xương bằng thịt chứ đâu phải một món đồ mà có thể dễ dàng bỏ quên đến vậy. Thứ hai, xuất phát từ tư duy của một người làm báo, qua theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông và kinh nghiệm thực tế tại địa phương, tôi nhận thấy một bộ phận các xe đưa đón học sinh thực sự có vấn đề. Và ngay tại Hưng Yên cũng đang diễn ra thực trạng đó. Vậy là tôi bắt tay vào tìm hiểu.

 Không có ô tô, tôi di chuyển bằng xe máy, rong ruổi khắp các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Ân Thi, Mỹ Hào… để tìm hiểu vấn đề xe đưa đón ở các trường học. Thời điểm đưa đón học sinh diễn ra rất nhanh chủ yếu vào sáng sớm và buổi trưa. Khi đó, vì con còn nhỏ, phải cho con đi học mẫu giáo xong tôi mới có thể di chuyển về các địa phương để theo đuổi đề tài. Do vậy, phải mất nhiều ngày mới có thể tìm hiểu được ở các trường khác nhau với cùng một đề tài. Tại những trường có xe đưa đón học sinh, tôi nhập vai là phụ huynh đi đón con để trò chuyện với các phụ huynh khác xem họ đánh giá như thế nào về chất lượng xe đưa đón. Đồng thời, trò chuyện với lái xe xem việc họ thực hiện hoán cải xe ra sao, quy định được chở bao nhiêu học sinh, thực tế họ chở bao nhiêu học sinh, niên hạn sử dụng của xe như thế nào…? Đặc thù của làm truyền hình là phải vừa có hình vừa có tiếng nên trong lúc nói chuyện với các nhân vật, tôi vừa phải ghi hình, ghi âm những hình ảnh và lời nói liên quan. Cảm giác “tim đập, chân run” khi một thân một mình vừa ghi hình vừa phỏng vấn bằng camera dấu kín thực sự khó có thể quên.

 Sau nhiều ngày thu thập hình ảnh, thông tin liên quan, tôi đã liên hệ với các phòng giáo dục và đào tạo, UBND các xã có dịch vụ xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, ý kiến mà tôi nhận lại được chủ yếu là: việc đưa đón học sinh là do chủ xe và phụ huynh học sinh tự làm việc, tự thỏa thuận với nhau, cái này chúng tôi không nắm được. Đơn vị quản lý nhưng lại không nắm được, nhiều phụ huynh vì tiện lợi mà giao phó sự an toàn của con em mình cho tài xế, trong khi nhiều tài xế bỏ ngoài tai những quy định về an toàn khi thực hiện đưa đón học sinh. Chính vì thế tôi đã quyết tâm hoàn thiện phóng sự và gửi dự thi Liên hoan Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hưng Yên năm 2019. Phóng sự đã đạt giải B thể loại phóng sự ngắn (không có tác phẩm đạt giải A) và được phát sóng trong Bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam. Sau khi phóng sự được phát sóng, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn đối với xe đưa đón học sinh. Một thời gian sau, quay lại những ngôi trường mà chúng tôi phản ánh trước đó, dịch vụ xe đưa đón học sinh đã trở nên an toàn hơn.

Tôi tin rằng “báo chí tốt và truyền thông tốt có thể làm cho thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn”. Những chuyến đi đã cho ra đời những tác phẩm có hiệu ứng xã hội tốt, từ đó, tôi vừa có thêm kinh nghiệm, “lửa lòng” lại càng thôi thúc tôi đi nhiều hơn, viết nhiều hơn. Với nghề báo, đã chấp nhận dấn thân thì cũng đồng nghĩa với chấp nhận nhiều khó khăn, vất vả thậm chí cả những hiểm nguy. Nhưng “vì muốn tự mình tìm hiểu sự việc, chứ không phải chỉ là những bản tin được đăng trên báo” nên tôi đã, đang và sẽ còn gắn bó với nghề báo, nghề của đam mê, bản lĩnh và trách nhiệm.
 
Hoàng Hạnh
Nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên, số 93 - Quý III năm 2024

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây