Mãi mãi tri ân các nhà báo liệt sỹ

Thứ năm - 10/10/2024 09:06
m1

Mang bút nghiên lên đường chiến đấu
Đất nước giành độc lập chưa được bao ngày thì giặc Pháp gây hấn trên chiến trường Nam Bộ. Trước ngày 19/12/1946, quân Pháp ở Hà Nội đã ba lần gửi “tối hậu thư” cho Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi giải giáp các lực lượng tự vệ của Việt Minh và nắm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố. Đó là giới hạn cuối cùng của sự nhượng bộ! Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đó là mệnh lệnh chiến đấu từ trái tim đối với toàn dân Việt Nam. Đó cũng là lời tuyên chiến với thực dân Pháp bằng ý chí quyết chiến của cả một dân tộc.

Lớp thanh niên trí thức lúc đó, từ những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thôi Hữu, Thâm Tâm, Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Mai Ninh... đến những anh Vệ quốc quân: Hoàng Lộc, Trần Đăng, Hồng Nguyên... đã xung phong vào đội quân báo chí. Từ những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức khi được lý tưởng cách mạng rọi chiếu, họ đã có sự thay đổi lớn lao trong ngòi bút và cả cách sống, thái độ sống. Không còn là những trí thức tiểu tư sản yếu đuối, ủy mị, thậm chí chỉ thấy cuộc đời là “Sống mòn” (tên tiểu thuyết của nhà văn Nam Cao), là màn đêm “tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị” (câu cuối trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố), giờ đây, từ chiến khu Việt Bắc tới khắp các chiến trường, các nhà văn, nhà thơ đã tự nguyện dấn thân, viết tin, viết bài rồi lại tự viết chữ trên các bản in đá, làm thợ xếp chữ và kiêm luôn công việc phát hành đến tay người đọc những tờ báo khổ nhỏ, in trên giấy xấu nhưng nóng hổi tin chiến sự, tin tăng gia sản xuất và những tấm gương đánh giặc của chiến sĩ, đồng bào. Nhà báo Trần Kim Xuyến, phụ trách Thông tấn xã Việt Nam là một trong những nhà báo đầu tiên hy sinh anh dũng trên chiến trường (năm 1947). Nhà báo - nhà văn nổi tiếng Nguyễn Văn Nguyễn đã ngã xuống khi phụ trách Đài Tiếng nói Nam Bộ, trên đường ra chiến khu Việt Bắc, theo lệnh điều động của Trung ương. Nhà văn Nam Cao lên chiến khu phụ trách thư ký toà soạn báo Tiền Phong, báo Cứu Quốc, báo Văn Nghệ, đã hy sinh khi làm công tác thuế nông nghiệp ở vùng địch hậu Ninh Bình. Các anh là hình ảnh tiêu biểu của các nhà báo thuộc thế hệ đầu tiên đến với cách mạng và đã ngã xuống trong tư thế “người chiến sĩ cầm bút”.

Những dấu son trong ánh chớp lửa đạn

Sau Hiệp định Genève (21/7/1954), công cuộc bảo vệ nền độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với những khó khăn, thử thách lớn hơn gấp bội. Với tinh thần “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, đồng bào hai miền Nam Bắc đã anh dũng, kiên cường 21 năm kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do và thống nhất nước nhà, để “Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam ta là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà” như lời Bác dạy.

Trong cuộc trường chinh lịch sử ấy, cùng với đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", cùng với những chiến sĩ giải phóng dày dạn trong phong trào đồng khởi, trong các chiến khu: U Minh, Tây Ninh, Tây Nguyên, Trị - Thiên - Huế..., hàng nghìn thanh niên nam, nữ làm công tác báo chí đã chiến đấu anh dũng bằng ngòi bút, máy ảnh, máy quay phim, điện đài, dưới bom đạn, chất độc hoá học, các cuộc bố ráp, vây cần của địch. Họ là những học sinh, sinh viên được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ là những du kích từng tham gia diệt ác ôn, phá ấp chiến lược, tập kích đồn bốt, phục kích xe tăng Mỹ... cầm súng quen hơn cầm bút, mang lựu đạn thuận hơn đeo máy ảnh, ngoéo cò súng thạo hơn gõ ma-níp máy thông tin nhưng khi Đảng cần, đã xung phong vào đội quân báo chí, không chút đắn đo. Hàng trăm người trong số họ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Có người bị địch bắt, tra tấn cực hình rồi thủ tiêu; có người bị thương nặng vì trúng đạn địch, đã hủy tài liệu và bắn tới viên đạn súng ngắn cuối cùng trước khi hy sinh; có người đã chiến đấu thực thụ như một người lính, trước khi ngã xuống đã kịp bắn cháy 2 xe bọc thép của địch...

Tuy ngã xuống mà tác phẩm và tên tuổi các anh chị còn lưu mãi sau này. Còn biết bao tác phẩm đã được đổi bằng cả cuộc đời, còn biết bao dòng tin, bản tin phát dở, cuốn phim chụp dở, đoạn phim còn trong máy quay, mà cho đến tận bây giờ và không biết đến bao giờ mới biết được tên tác giả, người phát. Và cũng còn bao chiến công âm thầm của những đồng chí làm công tác chiến dịch, của những anh chị làm công tác hậu cần, in ấn, phát hành, chưa được biết đến, thậm chí nhiều hài cốt của những liệt sĩ cũng chưa tìm được!

Suốt 30 năm đồng hành bền bỉ, dẻo dai, kiên cường cùng dân tộc đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, rồi giúp nước bạn Lào giành độc lập, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam đánh đổi, tổn thất xương máu của hơn 500 nhà báo. Đối mặt trực diện với kẻ thù, đói rét, bệnh tật, các nhà báo hy sinh rải rác khắp các chiến trường. Có người buông bút khi đang tác nghiệp. Có người gục ngã khi trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Có người nằm xuống khi đang vận chuyển máy móc, điện đài, lương thực giữa 14 Người làm báo Hưng Yên Số 93 - Quý III năm 2024 mưa bom bão đạn. Có một căn hầm trúng bom, có 5 nhà báo hy sinh. Có gia đình vợ chồng, con cái đều là liệt sĩ. Có hai anh em ruột cùng làm báo đều hy sinh...

Nhắc mãi lời tri ân

Không chỉ được thờ phụng, quy tập tại nghĩa trang liệt sỹ, nhiều nhà báo, liệt sỹ còn được cơ quan, đơn vị lập bàn thờ tại trụ sở cơ quan, tiêu biểu như Thông tấn xã Việt Nam - cơ quan có nhiều nhà báo, cán bộ, kỹ thuật viên hi sinh nhất, với hơn 260 liệt sĩ đã lập Ban thờ với bảng ghi danh các liệt sĩ TTXVN qua các thời kỳ ngay tại trụ sở cơ quan số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đặc biệt, tại chùa Âu Lạc (Vinh, Nghệ An) còn có một ban thờ tự của 511 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau khi rước các anh linh về thờ tự tại chùa, năm 2020, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức nghi lễ cầu siêu cho các liệt sĩ là phóng viên, nhà báo đã hi sinh. Đây là sự ghi nhận, cũng là sự tưởng nhớ tới công đức, sự hi sinh cao cả của nhiều thế hệ phóng viên, nhà báo là những chiến sĩ cầm bút trên trận chiến với quân thù.

Với tình cảm “Uống nước nhớ nguồn” đối với các đồng nghiệp đã hy sinh vì nền độc lập và tự do của Tổ quốc, cách đây gần 30 năm, vào tháng 3/1995, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam đối với các nhà báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp đó, các cấp Hội, các cơ quan báo chí và nhiều nhà báo, đặc biệt là nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, đã phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và xã hội, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân để tập hợp danh sách, cử người trở lại các chiến trường xưa tìm mộ, quy tập hài cốt các nhà báo, liệt sỹ về nghĩa trang liệt sỹ tại quê hương.

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 19/6/2000, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên và đón khách tham quan. Sau gần ¼ thế kỷ đi vào hoạt động, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trở thành một điểm hẹn của công chúng báo chí cả nước, để tìm hiểu, chia sẻ về những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí nói riêng, lịch sử dân tộc, đời sống xã hội nói chung.

Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày 19/7/2024, Liên Chi hội Nhà báo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề “Màu ký ức”. Trong cảm xúc tri ân và tưởng nhớ, các đại biểu đã cùng sẻ chia những kỷ niệm, câu chuyện và thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay. “Màu ký ức” có sắc đỏ của máu cha ông đã hy sinh và cống hiến. “Màu ký ức” là màu xanh hy vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại. Trong mảng màu ký ức có hình hài nỗi đau chiến tranh, có gương mặt tinh thần của quá khứ cao đẹp, có hình ảnh ngời sáng và yêu dấu của những đồng nghiệp - nhà báo, liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc, cho nền báo chí nước nhà, những người mà cái chết của họ chính là sự gieo mầm sống cho hôm nay và mai sau. Dù chưa có câu trả lời chính xác họ là những ai, bởi giờ phút này, danh sách các nhà báo liệt sỹ còn để mở, ngõ hầu và chờ đợi ngày điền được đủ đầy tên tuổi.

Điều chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm không chỉ để tri ân người đi trước, mà để định hình lại nhân cách của chính mình, sống sao cho tử tế, viết và đọc sao cho xứng đáng với tiền nhân - người đã dùng cả cuộc đời và máu của chính mình để viết lên dáng hình dân tộc trong những khoảnh khắc lịch sử vĩ đại. Không một ai và không có gì bị lãng quên trong hành trang đi tới của dân tộc, đi tới tương lai của nền báo chí nước nhà!

 
Hoàng Duy

Nguồn: Đặc san Người làm báo Hưng Yên, số 93 - Quý III năm 2024

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây