Tác nghiệp trong bão lũ: Không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự sẻ chia

Thứ sáu - 13/09/2024 15:48

Sau cơn bão số 3, miền Bắc mưa lũ diễn biến phức tạp, cơn cuồng phong của thiên tai đã càn quét, nhấn chìm và để lại không ít đau thương. Trong mưa lũ đầy nguy hiểm đó vẫn có không ít người làm báo không ngại gian khó. Họ sẵn sàng dấn thân, xông pha, đồng hành cùng với người dân và các cán bộ chiến sĩ trong cuộc đối đầu lịch sử.

 
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ những ngày qua, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã tích cực tuyên truyền góp phần cảnh báo để nhân dân chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở. Trên làn sóng phát thanh, báo điện tử,…đội ngũ phóng viên, nhà báo VOV đã về các địa phương vẫn duy trì cập nhật thông tin nhanh nhất tình hình phòng chống thiên tai, đặc biệt tại các vùng bị chia cắt, cô lập do bão lũ, các vùng miền núi.
tac nghiep trong bao lu khong chi la trach nhiem ma con la su se chia hinh 1
Dù mưa to, lũ lớn đường giao thông đi lại khó khăn, nhưng đội ngũ nhà báo phóng viên tại VOV vẫn lên đường làm nhiệm vụ.
Ảnh: NVCC
Nhà báo Lưu Văn Luận - Phóng viên Đài TNVN (VOV) thường trú khu vực Đông Bắc trong những ngày này tất bật hơn bao giờ hết. Anh được giao phụ trách thông tin tuyên truyền tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng là hai trong những địa phương miền núi thường xuyên bị ảnh hưởng khi có mưa to, bão lũ. Giống như trước đây, trong đời mưa bão lần này như đã thành phản xạ nghề nghiệp, luôn dỏng tai nghe ngóng thông tin từ cơ sở, từ đồng nghiệp và các nền tảng mạng xã hội.

Nhà báo Lưu Văn Luận chia sẻ: "Từ sáng 9/9, ban đầu khi nhận được tin về mưa lũ và sạt lở đúng là có hơi “hoảng” vì thông tin quá nhiều trên zalo, facebook…thậm chí các khu vực có báo cáo về vụ việc tai nạn do sạt lở, sóng yếu nên xác minh rất khó xác nhận thông tin. Có quá nhiều thông tin về mưa lũ, sạt lở đến cùng lúc. Toàn những thông tin quan trọng, chúng tôi xác định thông tin trên mạng xã hội chỉ là ban đầu. Bài toán đặt ra là làm sao phải cập nhật liên tục để mọi người thấy sự cấp bách của vấn đề, nhưng đồng thời thông tin làm sao không để người dân hoang mang, lo lắng là điều cần thiết".

Anh may mắn phụ trách địa bàn thời gian nên có các đầu mối để liên hệ với chính quyền địa phương, nơi trực tiếp quản lý địa bàn, từ đó xác minh thêm thông tin, coi đây một trong những nguồn tin tin cậy chính xác. Đồng thời ghi nhận thực tế hiện trường, ghi lại những hình ảnh, phỏng vấn. Anh luôn có phương châm “đã là tin thời sự phải làm nhanh, kịp thời nhưng phải đầy đủ và chính xác”.

Giống với nhà báo Lưu Văn Luận, nhà báo Ngô Việt Trung (Báo Quân đội nhân dân) là một trong những phóng viên có mặt ở nhiều điểm chịu thiệt hại trong mùa mưa lũ. Trong những ngày vừa qua, anh luôn có mặt tại những điểm “nóng” về mưa bão và sạt lở. Tại tỉnh Yên Bái, sau nhiều ngày thực hiện nhiệm vụ tại đây, đến đêm ngày 10/9 anh được giao nhiệm vụ di chuyển sang xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nơi có trận lũ quét vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ nơi có 35 hộ dân, 128 người cư trú.
tac nghiep trong bao lu khong chi la trach nhiem ma con la su se chia hinh 2
Công an xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng hỗ trợ người dân di dời tài sản. Ảnh: nhà báo Văn Luận
Đối với anh và nhiều đồng nghiệp tại Báo Quân đội nhân dân, trong những ngày mưa lũ cần luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, bất cứ khi nào ở đâu. Mưa lũ, sạt lở liên tiếp, trong quãng đường di chuyển hàng trăm km đến điểm xảy ra sạt lở, anh và đồng nghiệp phải liên tục chuyển phương tiện và đi bộ vì xe cơ giới không thể tiếp cận.

Không ít lần anh chứng kiến và ghi nhận những cảnh sạt lở, có những khoảnh khắc ngôi nhà bị đất đá phá hủy. Bằng tinh thần trách nhiệm của người chiến sỹ làm báo, qua mỗi bức ảnh, mỗi dòng tin anh còn hòa mình vào cuộc tìm kiếm của các lực lượng, gắn cảm xúc của mình vào từng bức ảnh để mong muốn chia sẻ một phần nào đó những mất mát của người dân.

Nhà báo Ngô Việt Trung chia sẻ: “Tác nghiệp trong mưa bão, công tác chuẩn bị của phóng viên là quan trọng nhất, điều đó giúp vừa đảm bảo an toàn vừa có thông tin sớm nhất về cho cơ quan. Bên cạnh đó, mưa bão xảy ra cũng nên chú ý đến những thông tin thiệt hại, đặc biệt là đời sống khó khăn của người dân, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng… rủi ro và bất trắc đều có thể xảy ra, nhưng đã làm phóng viên thời sự vẫn phải đi thực tế. Tuy nhiên có được thông hình ảnh đã khó, việc gửi về tòa soạn còn khó hơn, nhiều khu vực miền núi mất điện, sóng điện thoại chập chờn, nhiều khi phải đi tìm khu vực có sóng 3G, 4G mới có thể gửi tin bài, ảnh về tòa soạn”.
tac nghiep trong bao lu khong chi la trach nhiem ma con la su se chia hinh 3
Nhà báo Ngô Việt Trung (Báo Quân đội nhân dân) tác nghiệp tại khu vực ngập lụt tỉnh Yên Bái. Ảnh: NVCC
Có thể nói tác nghiệp ở vùng mưa lũ, chúng ta sẽ khó nói hết những khó khăn, thử thách mà mỗi phóng viên gặp phải. Nhưng trong cuộc trò chuyện với họ, chúng tôi vẫn cảm nhận được phần nào sự dấn thân, sẵn sàng lao vào điểm nóng và mong được đóng góp một phần nhỏ bé vào công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Và nhìn ở góc độ nào đó chính thử thách từ thiên tai cũng giúp người làm báo tôi luyện thêm kiến thức kinh nghiệm, vượt qua giới hạn bản thân và trưởng thành hơn.
 
nguồn: https://www.congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây