"Không biết về truyền thống thì đừng nói tương lai đi đâu"

Thứ tư - 04/09/2024 09:48

Coi trọng những giá trị lịch sử và luôn đặt nhiệm vụ giáo dục truyền thống là thường xuyên chứ không chỉ là chuyện “xuân thu nhị kì”… báo Đại Đoàn kết - tiền thân là báo Cứu Quốc đã có những cách triển khai hoạt động “hướng về nguồn cội” rất riêng, tạo nên một nếp văn hoá của người làm báo Đại đoàn kết. Và từ việc soi chiếu lịch sử, nhà báo Lê Anh Đạt – Phó Tổng biên tập Thường trực chia sẻ: “Những gì khó khăn của hiện tại, những gì vất vả của hiện tại không là gì so với một chặng đường phát triển đồng hành cùng với dân tộc, đặc biệt là trong những năm tháng chiến tranh”.

Truyền thống 82 năm đầy tự hào của tờ báo mang sứ mệnh đoàn kết toàn dân

Chia sẻ về truyền thống 82 năm, nhà báo Lê Anh Đạt – Phó Tổng biên tập Thường trực cho biết, báo Đại đoàn kết là một trong những tờ báo hiếm có, là 1 trong 2 tờ báo cách mạng ra đời trước Cách Mạng Tháng Tám, đồng hành cùng với dân tộc mà đến bây giờ còn phát triển.

Ra đời năm 1942 giữa lúc cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, Báo Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) với sứ mệnh kêu gọi, hiệu triệu đồng bào hợp sức, đồng lòng đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do.

Chặng đường hình thành và phát triển đầy gian khổ và vinh quang, Báo Cứu Quốc (1942-1977) đã đồng hành cùng vận mệnh đất nước và in dấu ấn sâu đậm giữa lòng nhân dân. Đặc biệt, là cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), song Báo Cứu quốc lại do Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng trực tiếp phụ trách từ năm 1942 đến năm 1944 và từ năm 1944 do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.
khong biet ve truyen thong thi dung noi tuong lai di dau hinh 1
Báo Đại Đoàn Kết đã phối hợp với địa phương làm Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết
– nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống các thế hệ.
Báo Đại đoàn kết dù trải qua nhiều giai đoạn nhưng sứ mệnh chưa bao giờ thay đổi. Tên gọi đầu tiên của tờ báo là Cứu Quốc - Tờ báo không có một giây phút ngơi nghỉ, mang theo sứ mệnh tuyên truyền Cứu quốc, hiệu triệu nhân dân đi theo cách mạng, đoàn kết để kháng chiến đến thành công. Rồi đến thời điểm ra đời Báo Giải phóng - tập hợp mọi lực lượng để giải phóng ách xâm lược ở Miền Nam Việt Nam.

Đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Cứu Quốc hợp nhất với Báo Giải Phóng, lấy tên là Đại đoàn kết. Tiếp nối truyền thống hết sức vẻ vang của 2 tờ báo, Đại đoàn kết vẫn là tờ báo gắn bó sâu sắc với nhân dân, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, cùng dân tộc, cùng đất nước. Đại đoàn kết là nơi tập hợp và chuyển tải những ý kiến tham vấn, phản biện về các vấn đề lớn của đất nước.

 

Thêm động lực tiếp tục cố gắng

Chạm vào cảm xúc ấy, vừa rất đỗi tự hào nhưng ông cũng trăn trở rằng, trong quá trình phát triển của báo chí hôm nay, có một lớp thế hệ nhà báo chỉ biết về nghề báo đơn thuần là một nghề - nghề chỉ để kiếm tiền như bao thứ nghề khác mà không hiểu nghề báo, không hiểu báo chí cách mạng là gì, đặc biệt là thế hệ trẻ 9X, 2K rất nhiều người không quan tâm đến truyền thống lịch sử.

Trước thực tế ấy, “Quan điểm quản lý của tôi và cũng là của Chi ủy và Ban biên tập là nếu không biết về truyền thống thì đừng nói tương lai đi đâu. Đây không phải lý thuyết mà cái đó là thực tế, thực tiễn khách quan. Trong các cuộc nói chuyện nhân dịp kỷ niệm Thành lập báo, kỷ niệm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì ngoài việc Chi ủy, Ban biên tập tổ chức “về nguồn” cho toàn bộ cơ quan để mọi người biết về nơi mà tờ báo mình sinh ra, nơi mà cha ông ta đã làm báo như thế nào và là nơi mà các bản tin được viết bằng máu, nơi mà các thế hệ tiền bối làm cách mạng bằng tuyên truyền truyền thông giỏi thế nào… Từ đó mới thấy rằng, những gì khó khăn của hiện tại, những gì vất vả của hiện tại không là gì so với một chặng đường phát triển đồng hành cùng với dân tộc, đặc biệt là trong những năm tháng chiến tranh…” – nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định.

Đặc biệt, nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ thêm rằng, Báo Đại đoàn kết luôn coi việc giáo dục truyền thống là một công việc không thể xem nhẹ. Ông bảo, công việc ấy được làm thường xuyên chứ không phải chỉ là xuân thu nhị kì trong dịp kỷ niệm. Trong các buổi họp cơ quan, người đứng đầu cơ quan vẫn trao đổi thêm về truyền thống, về giá trị của nghề nghiệp và yêu cầu chi hội nhà báo tổ chức nói chuyện, trao đổi với các bạn phóng viên mới, các bạn phóng viên từ báo khác chuyển về hoặc là những bạn chưa hiểu về lịch sử tờ báo… Quan điểm của Báo là: Hiểu đã rồi hãy làm!
khong biet ve truyen thong thi dung noi tuong lai di dau hinh 2
Nhà báo Lê Anh Đạt – Phó Tổng biên tập thường trực Báo Đại đoàn kết trao quà cho bà con tại Sóc Sơn, nơi Báo Cứu Quốc,
tiền thân Báo Đại Đoàn Kết ra số báo đầu tiên.
Bên cạnh đó, trong câu chuyện với nhà báo Lê Anh Đạt cũng được biết thêm, tờ báo còn có những cách làm khá thú vị khi tạo nên sợi dây kết nối bền chặt với địa phương “vừa là bạn đọc, vừa là đối tác”, thông qua việc phát hành báo hay tổ chức sinh hoạt chi bộ về nguồn... Để làm được việc đó, Báo đã tìm lại tất cả những nơi ra đời và hoạt động để ưu tiên tổ chức các chương trình hợp tác, sau đó lan toả trên mọi địa bàn. Chẳng hạn như Tuyên Quang được biết đến là Thủ đô kháng chiến, tại nơi đây, di tích Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại đoàn kết ngày nay, đã trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng. Khi Báo tìm được cột mốc ra đời, Báo đã phối hợp với địa phương làm Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại đoàn kết. Tấm bia là lời gợi nhắc cho thế hệ những người làm Báo Đại đoàn kết về truyền thống cách mạng hào hùng của những người đi trước, cũng như là điểm tựa vững chắc cho những bước tiến lớn của tờ báo trong tương lai.

Ngoài ra, Báo cũng phối hợp với Mặt trận Việt Nam huyện, tỉnh tổ chức ký kết phát hành báo và đặc biệt là cùng phối hợp tổ chức sinh hoạt chi bộ về nguồn. Tức là hai cơ quan cùng sinh hoạt chi bộ, chia sẻ về truyền thống và từ đó thảo luận các nội dung hợp tác, phát hành. Với cách làm này, Báo Đại đoàn kết hiện phát hành rất rộng, từ Tây Nguyên đến Mù Cang Chải…và luôn ưu tiên nơi nào có dấu tích và hoạt động của Báo. Sắp tới đây, Báo cũng dự định sẽ triển khai tổ chức về nguồn, sinh hoạt chuyên đề tại Tây Ninh – nơi báo Giải phóng ra đời, cùng nhiều hoạt động về nguồn ý nghĩa và hiệu quả ở các địa danh khác…

Trong dòng chảy của báo chí hiện đại, dù phát triển đến đâu thì đều cần phải giáo dục thế hệ hôm nay để không thể quên quá khứ và luôn nhắc nhớ về sứ mệnh của mình. Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, nhớ về truyền thống không chỉ để hiểu hơn mà còn để “soi chiếu” và thêm động lực tiếp tục cố gắng. Báo Đại đoàn kết đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình làm báo mới để tương thích với công nghệ 4.0 và tương thích với làm báo tại Việt Nam và trên thế giới.

Để hòa nhập với thời đại, Báo Đại đoàn kết chuyển mình để đón nhận bạn đọc được sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin. Báo Đại đoàn kết sẽ hoạt động và vận hành theo mô hình tòa soạn tích hợp, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Tuy nhiên, dù đứng dưới góc độ nào, thời đại nào, Báo Đại đoàn kết luôn là tờ báo chính thống với thông tin tin cậy, đa chiều, khách quan. Nối tiếp truyền thống lịch sử hào hùng của Cứu Quốc, Giải Phóng, Báo Đại đoàn kết sẽ tiếp tục phát huy tiếng nói của mình, tiếng nói của đoàn kết, tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của sự đồng lòng để cùng dân tộc hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường”- nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định.

 
nguồn: https://www.congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây