Chính sách từ phòng lạnh

Thứ năm - 13/10/2022 09:59
“Cơ quan quản lý đừng ngồi trong phòng máy điều hoà để xây dựng luật, quy định”, “Bộ trưởng Công Thương đừng ngồi nghe báo cáo của cấp dưới, hãy đi vi hành cùng báo chí để trực tiếp nghe doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu”, “Cơ quan quản lý cần tránh việc lấy thành tích khi hạ giá xăng dầu mà không biết diễn biến thị trường ra sao”…

Liên tiếp những ý kiến trực diện như vậy được doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu gửi tới Bộ Công Thương những ngày này.

Cũng đến mức cùng cực, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung ứng mới lần đầu tiên dám lên tiếng thẳng thắn như vậy với cơ quan quản lý. Với người trong ngành xăng dầu, việc rút giấy phép nghĩa là sạt nghiệp, đối mặt cả án tù nếu như doanh nghiệp có vi phạm bị phát hiện.

Cũng gần 1 tháng rưỡi kể từ ngày Bộ trưởng Công Thương lập 3 đoàn công tác tỏa đi khắp các vùng miền điều tra việc có hay không các cây xăng găm hàng trục lợi. Thế nhưng những ngày này, tại khu vực Hà Nội và nhiều địa phương phía Bắc rồi TPHCM, Bình Dương, nhiều tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số cửa hàng thông báo hết xăng, treo biển nghỉ bán cũng được ghi nhận nhiều hơn. Lực lượng quản lý thị trường, các sở công thương cũng một phen bận túi bụi với các hoạt động kiểm tra và báo cáo tình hình thực tế về Bộ Công Thương. Phản hồi của thị trường khá rõ ràng khi doanh nghiệp lên tiếng: Không phục cách điều hành từ Bộ Công Thương.

Việc buông lỏng quản lý nhập khẩu xăng dầu, xử lý kịp thời các diễn biến của thị trường khi có dấu hiệu thiếu nguồn cung, theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, xuất phát từ chính việc điều hành của Bộ Công Thương. Thậm chí có người đặt câu hỏi: “Cách điều hành đang khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp nhượng quyền chết vì thua lỗ, ai sẽ chịu thiệt và ai sẽ được lợi lúc này nếu tìm cách thâu tóm các cây xăng đã hết vốn kinh doanh?

Một văn bản dài 4 trang của Bộ Tài chính đưa ra cuối tuần qua cho thấy, dù Bộ trưởng Công Thương đã nhiều lần tuyên bố và có chỉ đạo giao các doanh nghiệp đầu mối và cơ quan thuộc bộ đảm bảo việc cung ứng cho thị trường đến cuối năm nhưng thực tế diễn ra khác với những báo cáo của Bộ Công Thương.

Theo các con số đưa ra, sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý 3/2022 của các doanh nghiệp đã giảm nhiều so với với quý 2/2022. Chưa kể một số thương nhân đầu mối thường nhập khẩu số lượng lớn nhưng trong quý 3/2022 không nhập khẩu như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Có 2 thương nhân đầu mối dừng nhập khẩu quý 3/2022 gồm: Công ty CP thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Là tiếng nói trung gian, nhưng trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận vào hệ thống và trách nhiệm của mình cũng như với doanh nghiệp thì mới giải quyết tận gốc được vấn đề. Còn để chính sách không thực sự rõ ràng, không có chế tài nào hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ thì hệ luỵ sẽ rất lớn, tránh để xăng dầu sẽ là mối lo kéo dài, ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế.
 

Nguồn Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây