Đề xuất cách tính giá điện mới: Người dân lo lắng vì phát sinh chi phí

Thứ sáu - 07/10/2022 17:26
Trước đề xuất cách tính giá điện mới của Bộ Công Thương, nhiều người dân cho rằng, tính theo cách nào thì khung giá mới cũng sẽ khiến tiền điện của mỗi hộ gia đình tăng lên.
111
Quay cuồng vì giá điện là cảnh ngộ chung của những lao động có thu nhập thấp. Ảnh: Sơn Tùng

Bộ Công Thương có đề xuất cách tính giá điện mới. Theo đó, giá điện sinh hoạt dự kiến rút gọn còn 5 hoặc thậm chí 4 bậc thay vì 6; bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước.

Theo Bộ Công Thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại.

Tiếp nhận thông tin này, nhiều người dân cho rằng, tính theo cách nào thì khung giá mới cũng sẽ khiến tiền điện của mỗi hộ gia đình tăng lên, bởi hiếm nhà nào dùng dưới 100 kWh/tháng.

Anh Dương Văn Thành (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nhiều hộ gia đình ở nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, phải chi tiêu tằn tiện, thậm chí chỉ dám dùng dưới 50 số điện/tháng để tiết kiệm nhất có thể. Đề xuất điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt đã vô tình gây khó cho nhiều hộ gia đình.

"Những nhà trước nay chỉ dám dùng dưới 50 số điện sẽ phải nộp thêm tiền, trong khi đây phải là những đối tượng được hỗ trợ. Điều chỉnh đúng đắn nhất là mức dưới 50kWh hoặc 100kWh giá thật rẻ để giảm khó khăn cho người nghèo. Đồng thời, mức từ 700kWh đắt lên, bởi những gia đình sử dụng tới mức này thường có điều kiện tài chính. Việc tăng giá cũng khuyến khích họ tiết kiệm điện" - anh Thành nêu quan điểm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - thuê trọ tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, ở một thành phố lớn, một hộ gia đình cần sử dụng các thiết bị điện như: Ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt điện, các thiết bị chiếu sáng..., vậy muốn tiết kiệm điện, dùng dưới 100 kWh/tháng để được tính giá rẻ nhất cũng khó.

"Những người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội mưu sinh, những sinh viên rời quê lên thành phố học tập có quá nhiều vất vả, thậm chí, giá điện nước cũng bị chủ nhà tăng lên, không được hưởng giá nhà nước quy định. Vì vậy, chúng tôi rất mong giá điện giữ ổn định, có tính nhân văn đối với tất cả đối tượng" - chị Hà mong mỏi.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Văn Quyết (Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng, giá điện nên tính dựa trên nhiều yếu tố như: Theo địa phương, mục đích sử dụng, tính theo đầu người, mức tiêu thụ tối thiểu/ngày/người. Ngoài ra, giá điện dùng cho sinh hoạt cuộc sống cũng khác với điện kinh doanh (bao gồm tất cả các ngành nghề kinh doanh: dịch vụ giải trí, giáo dục, y tế...).

"Trong bối cảnh tất cả mọi thứ đều tăng thì việc giá điện tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên cần tính toán hợp lý, thể hiện tính nhân văn, hỗ trợ người dân ở mức cao nhất" - anh Quyết bày tỏ.
 

Theo Trang Hà/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây