Thời gian gần đây trên nhiều báo, tạp chí, diễn đàn giáo dục, nhất là trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài viết bàn về những tồn tại, bất cập của các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nội dung Giáo dục địa phương,…
Người viết cũng như nhiều giáo viên xin được kiến nghị Đoàn giám sát làm rõ những nội dung về chương trình, sách giáo khoa, tính hiệu quả,… của việc tích hợp ở các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở đang gây bức xúc dư luận và “làm khổ” giáo viên và học sinh hiện nay như sau:
Thứ nhất, tính hiệu quả, khả thi khi sáp nhập, tích hợp
Chương trình mới, từ 3 môn ở chương trình trung học cơ sở hiện hành gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được “tích hợp” thành một môn mới lần đầu xuất hiện đó là môn Khoa học tự nhiên, sẽ do 1 giáo viên đảm nhận.
Từ 2 môn Lịch sử và Địa lý sẽ tích hợp thành 1 môn Lịch sử và Địa lý.
Từ khi xây dựng, công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới xuất hiện 2 môn tích hợp dự định sẽ do 1 giáo viên giảng dạy đã nhận được sự phản ứng gay gắt của đội ngũ chuyên gia, nhà giáo dục cả nước về tính khả thi, hiệu quả của nó.
Bỏ qua những phản ứng, phản biện của dư luận, lấy lý do một số nước có “tích hợp” nên ta cũng phải có “tích hợp”, chương trình 2 môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vẫn được ban hành vào năm 2018.
Chương trình các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thực tế vẫn gồm các chủ đề thuộc các phân môn như trước đây (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý), được từng nhóm biên soạn khác nhau thực hiện và tổng hợp thành chương trình gọi là “tích hợp”.
Người viết không thể hiểu tích hợp kiểu gì khi nhóm biên soạn môn Vật lý soạn phần Vật lý, nhóm biên soạn môn Hóa học soạn phần Hóa học,…và đưa vào chương trình biến thành “tích hợp”.
Khi giới thiệu chương trình thì chuyên đề thuộc phân môn nào sẽ do nhóm biên soạn môn đó trình bày.
Đến khi ban hành sách giáo khoa thì giáo viên “mắt tròn mắt dẹt” với cách bố trí sách giáo khoa, môn Lịch sử và Địa lý được bố trí phần I Lịch sử, phần II Địa lý chung 1 quyển sách; môn Khoa học tự nhiên không chia ra các phần nhưng lại chia thành các chủ đề, ví dụ chủ đề 1-2 thuộc phân môn Hóa học; chủ đề 3-6 thuộc phân môn Vật lý; chủ đề 7 – 11 thuộc phân môn Sinh học,…
Khi ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo các mô đun 1-9 thì khi tập huấn, thuộc phân môn nào thì giảng viên, giáo viên môn đó trình bày.
Năm học 2022-2023 này việc triển khai tiếp tục gặp vô số bất cập rắc rối phát sinh ở các môn tích hợp, khi giáo viên chưa bồi dưỡng chứng chỉ Khoa học tự nhiên không thể dạy được 2, 3 phân môn và ngay cả những giáo viên có chứng chỉ vẫn không thể dạy được tốt vì nhiều giáo viên đã nhiều năm không còn nhớ gì đến kiến thức các phân môn còn lại.
Giáo viên học 4 năm đại học, học chuyên sâu 1 môn, đi dạy chỉ tiếp cận kiến thức chỉ một môn suốt thời gian dài, nay vừa dạy vừa học trong thời gian ngắn (dự kiến 3 tháng) thì cho dù học kiểu gì cũng không đủ kiến thức để dạy được cả 2, 3 phân môn theo nguyên tắc dạy học biết 10 dạy 1.
Theo người viết, thời gian qua, chỉ mới triển khai dạy học 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở lớp 6, 7 nhưng đã bộc lộ vô số bất cập, không hiệu quả, nếu tiếp tục triển khai với tình hình hiện nay đến lớp 8, 9, người viết e sẽ “vỡ trận”, khó khả thi.
Thứ hai, tính hiệu quả khi xây dựng 2 Quyết định 2454, 2455 bồi dưỡng giáo viên để dạy 2, 3 phân môn
Trải qua quá trình xây dựng chương trình, đến khi ban hành chương trình vào năm 2018, đến năm học này đã có thời gian ban hành gần 5 năm vẫn chỉ có một số ít giáo viên có chứng chỉ tích hợp để dạy được các môn trên, còn hiện nay đa số giáo viên vẫn chưa được đào tạo.
Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được thực hiện theo 2 Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Việc đào tạo giáo viên tích hợp tại các trường trung học cơ sở đến nay gần 5 năm vẫn chưa được thực hiện, điều đó do nhiều nguyên nhân như tốn quá nhiều kinh phí, giáo viên không thể sắp xếp thời gian khi vừa dạy vừa bồi dưỡng và quan trọng là sau đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn không đủ kiến thức dạy đủ 2, 3 phân môn.
Thực tế, thời gian qua có một số giáo viên ở các địa phương đã bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhưng sau khi có chứng chỉ họ vẫn không đủ kiến thức để dạy được cả 2, 3 phân môn. Nhiều ý kiến người trong cuộc là giáo viên đánh giá, việc học chứng chỉ tích hợp với giáo trình giảng dạy giống như của sinh viên sư phạm nhưng chỉ với 20-36 tín chỉ, việc học giống như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thống kê, tổng kết sau khi đào tạo bồi dưỡng thì được bao nhiêu % giáo viên đáp ứng đủ kiến thức theo nguyên tắc biết 10 dạy 1 các môn tích hợp chưa?
Người viết đã trao đổi với những người đã có chứng chỉ Khoa học tự nhiên, họ nói việc học có chứng chỉ là thật nhưng kiến thức thì vẫn không thay đổi, khó có thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy 3 phân môn vì không đủ trình độ để tiếp thu, không đủ tự tin để giảng dạy cho học sinh,…
Hay nói đúng hơn, hiện nay dù giáo viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên hay chưa, người viết khó thấy ai có đủ bản lĩnh, tự tin, kiến thức để dạy được cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở lớp 7.
Đến với lớp 8, 9, kiến thức các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã có nhiều kiến thức khó, phân hóa, nhiều bài tập khó nên để 1 giáo viên dạy tốt được cả 3 phân môn trên là điều bất khả thi.
Giáo viên Sinh học dạy nhiều năm, đào tạo kiểu gì để giải được những bài toán Vật lý, Hóa học khó, giải thích cặn kẽ những kiến thức về môn Vật lý, Hóa học rất khó ở lớp 8, 9.
Liệu việc điều cả trăm ngàn giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý đi học để được cấp chứng chỉ nhưng họ không đáp ứng, không đạt đủ kiến thức để dạy được cả 2, 3 phân môn thì sẽ bố trí họ dạy môn gì khi không còn các môn trên?
Nếu họ bồi dưỡng không hiệu quả thì hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng do bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp sẽ đi về đâu?
Thực tế tại cơ sở, giáo viên lúc còn học phổ thông vẫn có người giỏi môn Vật lý, học trung bình các môn Hóa học, Sinh học, những giáo viên này làm sao có thể bồi dưỡng để giảng dạy được cả 3 phân môn.
Học sinh sẽ có học sinh thích học môn này, không thích môn khác, cớ sao lại gò ép để bắt buộc các em trở thành “thiên tài” khi phải giỏi cả 2, 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới rất hay ở việc hình thành năng lực và phẩm chất cho các em, về năng lực thì mỗi học sinh có thể có năng lực này, không có năng lực khác, ví dụ có em có năng lực về phân môn Hóa học, không có năng lực về môn Sinh học, việc gom 3 phân môn thành 1 môn học sẽ đánh giá năng lực từng phân môn như thế nào, các em sẽ định hướng năng lực ra sao khi bước vào lớp 10, sẽ học các đơn môn Vật lý, Hóa học,…
Người viết rất mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ về tính hiệu quả của việc dự định điều hàng trăm ngàn giáo viên học cấp tốc 3 tháng để có chứng chỉ tích hợp và dạy.
Thứ ba, làm rõ trách nhiệm cá nhân sau 2 năm thực hiện chương trình mới về tích hợp
Việc triển khai dạy và học tích hợp đến thời điểm hiện nay rắc rối, phức tạp và cho thấy khó có hiệu quả nếu tiếp tục triển khai tiếp tục ở lớp 8, 9 trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, học sinh học lớp 8, 9 chỉ học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý không được học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì học sinh sao có thể lựa chọn các môn đó ở lớp 10.
Tại sao gom 2, 3 phân môn thành 1 môn ở cấp trung học cơ sở, đến cấp trung học phổ lại tách ra thông cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa được giải thích thấu đáo.
Đến thời điểm này, những bất cập, rắc rối chưa thể có hướng giải quyết, điều đó cho thấy phải có phần trách nhiệm của những cá nhân trong ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa, không lắng nghe phản biện, tâm tư các chuyên gia, nhà giáo.
Xuất hiện môn tích hợp nhưng khi tập huấn, giảng viên phân môn nào trình bày phân môn đó, ngay cả đợt tập huấn ma trận đề kiểm tra vừa qua, đối với môn Lịch sử, giáo viên cốt cán môn Lịch sử tập huấn phần Lịch sử ở phòng riêng, tập huấn môn Địa lý ở phòng riêng, đối với môn Khoa học tự nhiên cũng do 3 giáo viên cốt cán Vật lý, Hóa học, Sinh học tập huấn.
Người viết mong muốn Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này cũng làm rõ chương trình mới tích hợp ở những nội dung nào?
Thứ tư, làm rõ việc biên soạn sách giáo khoa tích hợp
Khi mới hình thành và xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, những mĩ từ như môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý để giúp những vấn đề trong cuộc sống, dựa vào kiến thức liên môn giải quyết những vấn đề thực tiễn chung do đó phải tích hợp các môn trên thành một môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới,…
Tuy nhiên, khi ban hành sách giáo khoa các môn tích hợp thì phần nào ra phần đó, chỉ gom vào chung 1 sách, mất đi ý nghĩa của việc tích hợp.
Nếu môn Lịch sử và Địa lý chia sách giáo khoa thành 2 phần riêng biệt Lịch sử, Địa lý riêng thì tích hợp ở phần nào, sao không để giáo viên Lịch sử dạy Lịch sử.
Việc 1 giáo viên Lịch sử phải dạy cả môn Lịch sử và bắt buộc bồi dưỡng kiến thức về Địa lý để dạy thêm phần Địa lý là vô cùng khiên cưỡng, phản khoa học.
Đối với môn Khoa học tự nhiên, cả sách giáo khoa lớp 6, 7 hiện nay đều chia làm các chủ đề thuộc các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học riêng, rất khó tìm được phần tích hợp chung.
Tại sao việc xuất hiện môn tích hợp nhưng sách giáo khoa lại chia thành các phần, các chủ đề tách bạch, do nhóm giáo sư, tiến sĩ biên soạn khác nhau, tích hợp ở chỗ nào trong sách giáo khoa, người viết cũng như nhiều người chưa thể tìm ra.
Ban biên soạn sách giáo khoa cũng nên cho biết cơ sở khoa học, căn cứ nào để biên soạn các chủ đề thuộc các phân môn khác nhau và nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của học sinh lớp 6, 7 như thế nào?
Ví dụ, môn Khoa học tự nhiên 7, phân môn Hóa học dạy trong chủ đề 1, 2 khoảng 30 tiết, sau đó bỏ hẳn 9, 10 tháng khi đến lớp 8 mới được học tiếp phân môn Hóa học thì liệu học sinh còn nhớ gì không? Học sinh lớp 6, 7 học một chủ đề xong, bỏ cả năm mới học lại thì việc tiếp thu ra sao, có khoa học không?
Vì vậy, người viết, kiến nghị đoàn giám sát làm rõ trách nhiệm của việc biên soạn sách giáo khoa các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ việc ban hành chương trình đến sách giáo khoa, thực nghiệm, tập huấn, giảng dạy, kiểm tra đánh giá, nhận xét,… ra sao để khi triển khai nảy sinh các bất cập như hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Theo Mỹ Tiên/GDVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên