Việc một trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh "vào lò" lại dấy lên lo ngại về việc người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng cấp tỉnh mà không "sạch" thì chống cái gì và xử lý được ai. Quan ngại này của dư luận có cơ sở và rất cần các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp phù hợp.
Song ở chiều ngược lại cần nhìn để thấy qua việc bắt ông Phạm Xuân Thăng liên quan vụ Việt Á là một bài học đắt giá, tấm gương tày liếp để những người đồng cấp, đồng nhiệm soi vào mà tránh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh việc rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, pháp luật, vì niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước nên phải “cắt bỏ một vài cành cây sâu, mọt để cứu cả cây”. Đồng thời, ông cũng không ít lần nêu rõ phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Những người được chọn vào Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải thực sự tiêu biểu, gương mẫu và quan trọng hơn cần có bàn tay “sạch”. Còn cán bộ, nhất là người đứng đầu như trường hợp ông Thăng tham gia ban chỉ đạo mà tư túi, vướng tham nhũng thì sẽ bị “xử trước”.
Việc xử lý ông Thăng thêm một lần thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước đã được Tổng bí thư nhiều lần khẳng định chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Người nào không làm được hay bàn tay đã “nhúng chàm” phải xử lý nghiêm để người xứng đáng, có bàn tay sạch thay thế.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có lý giải vì sao trong kỳ báo cáo năm 2022 tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 33,33%.
Theo ông Trí, việc càng chống tham nhũng càng tăng chính là do chúng ta làm mạnh, quyết liệt, xử lý nghiêm có trọng tâm, trọng điểm chứ không chỉ do một kênh tội phạm này tăng. Quyết tâm của Đảng, Nhà nước đã ngăn chặn được một bước và tâm lý tội phạm có sự run sợ, chùn bước. Nhưng nếu nghĩ tới mức này mà dừng sẽ chưa đủ sự răn đe mà cần tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nhìn nhận bước đầu ngăn chặn các vụ tham nhũng và làm được yếu tố rất quan trọng khi "một việc, một vụ án đã cảnh tỉnh cả một lĩnh vực, cả một vùng". Song ông chỉ rõ tham nhũng càng tinh vi, càng phức tạp để đối phó với cơ quan chức năng và "mình cứ ra cái khiên này thì nó lại có cái mác khác".
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là "cuộc chiến chống nội xâm" lâu dài. Nhưng với các kết quả thời gian qua đã lấy lại niềm tin của nhân dân và quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động của bất cứ tổ chức, cá nhân nào" đã trở thành hiện thực chứ không còn là khẩu hiệu hô hào. Việc làm bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, làm "một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" chính là bước tiến mới để từ đó những ai "muốn" tham nhũng sẽ chùn bước và "không dám".
Quan trọng hơn, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, qua chống tham nhũng không lo không có cán bộ làm việc bởi cán bộ vi phạm pháp luật, sai về đạo lý thì phải xử lý. Do đó, điều cần thiết nhất là phải chọn đúng, thật chính xác cán bộ thay thế và việc này không được vội vàng.
Theo Thành Chung/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên