Thanh tra xây dựng vẫn “ăn tiền” số 1, nhưng khi có đến 90% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh kiểm tra xây dựng thì không còn là “ăn” nữa, mà gần như là tống tiền.
73% doanh nghiệp (DN) cho biết, chi trả hoa hồng là “cần thiết”, là để có cơ hội thắng thầu. 69% cho hay có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN. Và, thật kinh khủng - có tới 90% DN nói rằng, phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra xây dựng. Những con số trên là từ kết quả khảo sát các doanh nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu được công khai trong buổi công bố chỉ số PCI.
Lót tay, chi trả hoa hồng, chi phí không chính thức, làm luật, bôi trơn, phong bì... chúng ta có rất nhiều “ngoặc kép”. Nhưng bản chất, đó là cách nói giảm, nói tránh cho tình trạng nhũng nhiễu hạch sách, tham nhũng.
Còn nhớ trong báo cáo PCI 2021, hoạt động thanh tra xây dựng đứng ở vị trí quán quân, vị trí số 1 về “làm tiền” khi có tới 67,22% DN cho biết phải trả các chi phí không chính thức.
Nhưng ở một địa phương như Bạc Liêu, tỉ lệ chi trả không chính thức lên tới 90% thì đó thật sự là một kỷ lục.
90%, tuyệt đại đa số, như thế là gần như tất cả phải mất tiền. Như thế, không chỉ là vòi vĩnh ăn tiền nữa mà có khác gì tống tiền đâu.
Tháng 4.2021, trước kết quả đứng bét bảng với chỉ số PCI thấp nhất nước, ông Lữ Văn Hùng - Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu đã nói đây không chỉ là câu chuyện buồn mà còn thấy “mắc cỡ”.
“Thủ tục đầu tư kinh doanh, đất đai có những trường hợp chậm đến 90 ngày, có cái 2 năm chưa xong. Có dư luận đi làm thủ tục đất đai phải nhờ "cò" làm thì nhanh, dân đi làm trực tiếp thì chậm... Một số cán bộ, công chức, viên chức còn nhũng nhiễu gây phiền hà cho DN và người dân, nói chưa đi đôi với làm, nói nhiều làm ít... Doanh nghiệp, người dân đến làm việc (phải) có cái này thì cái kia... vậy sao mà tiến bộ được, các chỉ số sao cao được”.
Và Bí thư Tỉnh uỷ đặt vấn đề: “Đối với cán bộ, công, viên chức tiêu cực, vòi vĩnh đã xử lý được bao nhiêu. Tôi nói đơn vị chuyên môn làm nhiệm vụ đi kiểm tra, giám sát coi có việc đó hay không, phải "giả dạng thường dân Nam bộ" đi mới hiệu quả, chứ thành lập đoàn mà đi rùm rụp thì thôi...”.
Thêm một năm nữa, không biết Bạc Liêu đã “giả dạng thường dân Nam Bộ” được bao nhiêu lần, đã xử lý được bao nhiêu trường hợp tiêu cực, vòi vĩnh, đã biết... “mắc cỡ”? Để giờ, 69%; 70%... thậm chí 90%.
Theo Anh Đào/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên