Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, sáng nay (22/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án luật này dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới và được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.
Thu hồi đất phải rõ ràng, cụ thể tiêu chí
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 70), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm tuân thủ các trường hợp đã quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013.
Quy định tại điểm h khoản 2 Điều 70 dự thảo Luật về việc Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.
Mặt khác, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp.
Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 69), thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 70), xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ nội hàm của các trường hợp “thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng”; thể hiện rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng của các trường hợp thu hồi đất đối với trường hợp “các dự án tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông để phát triển các khu đô thị, nhà ở thương mại, khu công nghiệp; thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất”; “dự án lấn biển” (điểm d); “các dự án sử dụng đất vào mục đích xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường ngoài công lập”...
Bên cạnh đó cân nhắc trường hợp “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý” (khoản 5 Điều 70).
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 81“Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần được định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
“Luật này cố gắng gấp bội mới đáp ứng được yêu cầu”
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này.
Quá trình xây dựng và kết quả cuối cùng của dự án luật này là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và cơ quan hữu quan; thể hiện năng lực thể chế hoá chủ trương của Đảng vào chính sách pháp luật của Nhà nước; năng lực kiến tạo phát triển, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây, không “đẻ” ra khó khăn vướng mắc mới; công khai, minh bạch, chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rồi, giàu lên từ đất, nghèo đi cũng vì đất; khiếu kiện, khiếu nại tới 70%, “cạn tàu ráo máng”, mất tình làng nghĩa xóm, tham nhũng, tù tội cũng là đất đai” – ông Vương Đình Huệ nói, đồng thời mong muốn các cơ quan thấy rõ trách nhiệm rất lớn, “các luật khác cố gắng rồi thì luật này cố gắng gấp bội mới đáp ứng được yêu cầu”.
Đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị từ rất sớm của cơ quan soạn thảo và các cơ quan tham gia xây dựng dự án luật và đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải làm kỹ lưỡng ngay từ kỳ họp đầu tiên và dù là luật khó nhưng không có nghĩa là không làm được trên nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, dự án luật chỉ cụ thể hoá những gì đủ chín, đủ rõ và đã có quyết sách của Trung ương; còn cái nào chưa thực hiện được, chưa đủ độ chín và chưa có trong nghị quyết thì không đưa vào.
Dẫn ví dụ dự thảo quy định trường hợp thu hồi đất các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý, còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng như vậy là không được.
“Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể cộng vào để làm tiếp thu hồi đất. Quy định mù mờ, chung chung như thế sao đúng tinh thần Hiến pháp được, Trung ương có chủ trương thế đâu. Thoả thuận là thoả thuận, thu hồi là thu hồi” – ông Vương Đình Huệ nói.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định về thu hồi đất chưa cụ thể hoá được tinh thần Nghị quyết 18, cơ bản kế thừa luật hiện hành, vẫn theo hướng liệt kê mà chưa thể hoá được mục đích, điều kiện, chi tiết cụ thể thu hồi như nghị quyết yêu cầu; một số trường hợp lại mở rộng thu hồi đất
Bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, đây là luật mà tiếp xúc cử tri lần nào nhân dân cũng có kiến nghị phản ánh, là dự án luật cả xã hội đang mong đợi. Cần luật hoá tối đa, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.
Nhấn mạnh thu hồi đất là chế định rất quan trọng, bà Lê Thị Nga đề nghị phải quy định chặt chẽ, cụ thể, trong đó làm rõ nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền, phạm vi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
“Rà soát kỹ lưỡng các trường hợp để chính xác, phù hợp, tránh lạm dụng trong thực tiễn. Cân nhắc việc Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại”. Trường hợp này cần áp dụng cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 18, do đó không đưa vào trường hợp thu hồi” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị làm rõ nguyên tắc, tiêu chí của trường hợp thu hồi đất “các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”, gắn với điều kiện diện tích đất thu hồi./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên