"Con sẽ bị cô lập nếu tôi lên tiếng"
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm của con gái chị Thu Minh (Thanh Hóa), ngay sau khi cô giáo chiếu danh mục các khoản thu đầu năm, bên dưới lớp học bắt đầu xuất hiện các tiếng xì xào, bàn tán.
Thế nhưng khi được hỏi, có ai có ý kiến gì không, mặc nhiên các bậc phụ huynh không dám lên tiếng.
"Nhà trường đã quy định, chúng tôi không dám thắc mắc vì sợ con sẽ bị để ý, trù úm. Ai cũng đành nhịn bụng, cố đóng cho xong chuyện để con học hành được yên ổn" - chị Thu Minh nói.
Trên đường trở về nhà, người mẹ trẻ liên tục thở dài khi nghĩ đến số tiền sắp phải đóng. Với 2 con trong độ tuổi đến trường, tổng số tiền gia đình chị phải xoay xở lên đến gần 10 triệu đồng.
"Đủ các loại tiền mà phụ huynh chúng tôi không rõ được sử dụng với mục đích gì. Chỉ biết, sau thông báo của cô giáo, Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ đứng ra thu hộ nhà trường" - chị Thu Minh kể lại.
Nhà trường không đồng ý, phụ huynh nào dám thu
Không chỉ chị Minh, tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh là bất bình trước các khoản thu thêm nhưng lại không đủ dũng cảm để lên tiếng. Bởi theo phụ huynh, các khoản thu này không phải do Ban đại diện cha mẹ học sinh tự "vẽ" nên, mà chắc chắn có sự liên quan mật thiết đến nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng.
"Chính nhà trường đã "gợi ý", thậm chí yêu cầu Hội cha mẹ học sinh thu thêm các khoản thu ngoài quy định chứ làm sao cha mẹ học sinh biết mà đề xuất.
Đây là hình thức phủi trách nhiệm từ phía nhà trường và chắc chắn, người đứng đầu là hiệu trưởng" - chị Kim Dung (Quảng Ninh) nói và đưa ra đề xuất, nếu phát hiện trường nào xảy ra tình trạng lạm thu, cần xử lý nghiêm hiệu trưởng để làm gương cho những nơi khác.
Còn theo quan điểm của chị Trần Thanh Ngân (Thanh Hóa), tình trạng lạm thu xảy ra, cũng một phần đến từ phụ huynh.
"Đầu năm học, rất nhiều phụ huynh, thậm chí cả thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh thắc mắc về những khoản thu vô lý. Nhưng không một ai dám lên tiếng vì sợ con bị trù úm. Phụ huynh không dám lên tiếng, cộng thêm sự chỉ đạo từ trên xuống nên tình trạng lạm thu xảy ra suốt nhiều năm khiến dư luận bức xúc" - chị Ngân nói.
Anh Nguyễn Minh Phong (Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 4 cũng bày tỏ sự bức xúc: "Tivi, quạt, rèm cửa, bóng đèn... năm nào cũng kêu gọi đóng góp. Các khoản tiền cơ sở vật chất, xã hội hóa thu không thiếu một cháu nào nhưng thực tế, khi đến trường, các con vẫn phải chịu cảnh nhà vệ sinh hôi hám, không thể sử dụng. Vậy tiền đó đi về đâu?".
Theo Trà My/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên