Khi 100 trạm thu phí - lưới bủa vây Thủ đô lên đến Quốc hội

Thứ tư - 26/10/2022 11:23
Lưới bủa vây là từ dùng của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân khi ông nói về Đề án 100 trạm thu phí của Hà Nội. Và bài học, là việc phải bù lỗ cho việc thu phí dừng đỗ ở TPHCM, là BRT Hà Nội.
111
Việc thu phí dừng đỗ ở TP HCM chỉ thu được 2 tỉ, trong khi chi phí lên đến 10 tỉ. Đó chính là một bài học cho Đề án 100 trạm thu phí nội đô của Hà Nội Ảnh: Minh Quân

“Bài học” ở TPHCM là như thế nào?

Là chẳng hạn năm 2021, TPHCM chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng tiền phí dừng đỗ. Trong khi chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm mất đến hơn 10 tỉ đồng.

Còn BRT Kim Mã - Yên Nghĩa 17km trị giá 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỉ đồng) là một thử nghiệm thất bại thảm hại. Với lượng khách bình quân chỉ đạt chưa nổi 50% công suất thiết kế. Với việc có riêng một làn đường, chiếm 1/3 mặt cắt ngang của trục huyết mạch đông đúc nhất thủ đô, nhưng tốc độ chạy trung bình của buýt nhanh chỉ 20km/h.

Với dự án 100 trạm thu phí vào nội đô, ông Lê Thanh Vân đặt vấn đề rất chuẩn xác: Các trạm thu phí còn cần có nhân lực để quản lý, vận hành với chi phí khá lớn trong khi chưa biết sẽ thu được bao nhiêu tiền.

Cũng cần phải nói thêm rằng ngay cả mục tiêu của Đề án là giảm ùn tắc cũng chưa có gì đảm bảo là sẽ thực hiện được cả. Bởi, nói như đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Cường, với điều kiện, cơ sở hạ tầng của Hà Nội hiện nay, thì còn cần thêm nhiều tuyến đường như Cát Linh - Hà Đông mới đảm bảo điều kiện để người dân lựa chọn phương tiện công cộng. Vị đại biểu quốc hội của chính Hà Nội nhấn mạnh một nguyên tắc, rằng: “Đề xuất thu phí để giảm ùn tắc giao thông là một cách để người dân lựa chọn phương tiện tham gia giao thông chứ không phải cấm người dân vào nội đô bằng phương tiện cá nhân.

Vì thế, muốn thu phí để hạn chế và thay đổi hành vi của người dân thì phải tăng các phương tiện công cộng, có sẵn điều kiện cho người dân lựa chọn”.

Có lẽ, với những “bài học BRT” rất tốn kém nhưng thất bại thảm hại vì duy ý chí, vì áp dụng một cách máy móc, vì lạc quan thái quá về hiệu quả, vì không hề lường hết hậu quả, Đề án 100 trạm thu phí nội đô cần đánh giá tác động một cách hết sức cẩn trọng.

Ông Lê Thanh Vân hôm qua đề xuất là phải “lấy ý kiến người dân một cách rộng rãi qua một tổ chức độc lập theo Luật Trưng cầu ý dân”.

Trước một chính sách gây ảnh hưởng đến cả chục triệu dân, rõ ràng, không thể lấy một kết quả khảo sát nào đó để bảo đó là dân ý. Bởi kết quả chỉ 27% người khảo sát không đồng ý thu phí nội đô vừa được công bố đó đang bị chính người dân Thủ đô phản đối.
 

Theo Đào Tuấn/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây