Giáo viên "trắng trợn" yêu cầu đi học thêm ngay, phụ huynh sốc vì con bị trù dập

Thứ tư - 26/10/2022 11:28
Chị Nguyễn Thu Hà vô cùng mệt mỏi vì con không đi học thêm bị cô giáo "trù dập" khiến con luôn ngộ nhận mình là người vô tích sự, cá biệt.

Không đi học thêm bị cô giáo trù dập

Chị Nguyễn Thu Hà là một phụ huynh có con đang học lớp 2 ở ngôi trường tiểu học ở gần nhà. Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Hà cho biết: "Đầu năm học mới, tôi và con vô cùng háo hức đến trường gặp bạn, gặp cô. Thế nhưng học kỳ 1 bắt đầu chưa được bao lâu, con tôi đã gặp cú sốc đầu đời".

Theo lý giải của chị Hà, ngay sau ngày khai giảng 1 tuần, phụ huynh trong nhóm lớp nhận được tin nhắn của cô về việc mở lớp dạy thêm để hoàn thành bài tập và làm thêm một số bài nâng cao. Việc dạy thêm này cũng được sự thống nhất của Ban giám hiệu nhà trường. Điều đáng nói là thời gian học thêm này diễn ra ngay sau khi học sinh tan học. 

"Con mình đi học từ 6h sáng và tan học lúc 16h20. Nếu như học xong mẹ đón con về nhà là 17h30 và cũng đã khá mệt mỏi sau một ngày dài. Bây giờ cô giáo nhắn tin thông báo con ở lại học thêm đến 18h, nghĩa là mẹ cũng phải đi làm từ 6-18h theo con. 
Còn chưa hết, cô cho các bạn học thêm làm bài nâng cao. Hôm sau vào lớp cô gọi các bạn học thêm ấy lên làm bài tập rồi nói: "Các con muốn giải nhanh được như các bạn thì đăng ký học thêm nha". Thế là con mình về nhà đòi đi học. Mình ngồi phân tích cho con mà thực sự "rùng mình" với các chiêu trò của giáo viên", chị Hà cho biết.

111
Học sinh không đi học thêm bị cô giáo trù dập. Ảnh minh họa: Tào Nga

Việc đi học thêm để giỏi hơn không làm chị Hà bận tâm vì con mới học lớp 2 nên chị không hề muốn con gặp áp lực. Chị chỉ cần con vui vẻ đến trường, líu lo mỗi khi đón về là chị thấy hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng, sau 1 tháng học, con chị từ đứa trẻ hồn nhiên đã bị ngộ nhận là vô tích sự, cá biệt và thu mình lại. 

"Khi các bạn khác biết làm bài mà mình không biết làm, dần dần con mất tự tin, chán nản rồi tâm lý thua kém bạn bè, khiến việc học của con bị sụt giảm. Thương con nhưng mình không biết phải làm thế nào. Không cho con học thì con bị "trù dập" thế này. Mà cho học thì khổ mẹ, khổ con. Mình không có sự lựa chọn nào khác vì khu mình ở không có trường để xin chuyển", chị Hà nói. 

Không chỉ có chị Hà, nhiều phụ huynh khác cũng bức xúc khi con bị phân biệt đối xử chỉ vì không đi học thêm với cô giáo. Chị Hoàng Hải Anh, một phụ huynh ở Hà Nội chung tình trạng. Ngay đầu năm học, chị bị cô giáo nhắn tin công khai trong cả nhóm phụ huynh là: "Bạn B. học kém nhất lớp". Ngày nào cô giáo cũng nhận xét con trong nhóm khiến chị mệt mỏi phải cho con đi học thêm mới hết tình trạng này. 

Bản chất dạy thêm có xấu?

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, TP.Thanh Hóa nhận định: "Việc dạy thêm gây nhức nhối dư luận thời gian qua có thể nói đến 2 vấn đề. Thứ nhất, việc dạy thêm và gợi ý cho học sinh đi học thêm diễn ra chủ yếu ở các môn được coi là môn chính và với giáo viên đảm nhiệm giảng dạy của các lớp. Một giáo viên có thể dạy nhiều lớp khác nhau, do vậy số lượng học sinh sẽ khá đông, đem lại một nguồn thu nhập cao cho nhiều giáo viên. 

Thứ hai, do quy định cấm dạy thêm nên để tiếp tục hoạt động này, nhiều giáo viên đã tìm cách lách luật, dạy tại trường hoặc dạy tại nhà, tại các trung tâm. Giáo viên sẽ nói rõ địa chỉ để phụ huynh gửi gắm con cái đến học. Ở các lớp đầu và cuối cấp, tình trạng này càng phổ biến".

Theo thầy Hiển: "Thông thường vào đầu năm học, giáo viên sẽ quảng cáo về lớp dạy thêm của mình trước lớp và cho học sinh đăng ký. Học sinh nào chưa đăng ký thì giáo viên gợi ý, nhiều khi còn điện thoại cho phụ huynh để nói những "hạn chế" của học trò làm cho phụ huynh lo lắng và đăng ký học thêm cho con. 

Những học sinh không đi học thêm cũng có thể được "để ý, chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình lên lớp như kiểm tra, cho điểm, phê vào sổ... khiến các em phải nài nỉ bố mẹ cho đi học thêm. Còn với những em học thêm với mình, giáo viên ứng xử nhân từ, mềm dẻo và linh hoạt cho điểm.

Bản chất của việc dạy thêm không xấu bởi xuất phát từ nhu cầu của học sinh. Song, dạy thêm bằng những chiêu trò thì đó lại là điều đáng lên án bởi nó không phù hợp với đạo đức của người thầy".

 

Theo Tào Nga/Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây