Cùng với chỉ ra phải chống các căn bệnh như “bệnh hẹp hòi”, “bệnh chủ quan”, “bệnh ham dùng người nhà”, “bệnh ưa nịnh hót”, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải chống bệnh ba hoa trong đội ngũ cán bộ khi đó. Người lên án bệnh viết dài: “Chỉ làm tốn giấy mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”. “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 299, sách đã dẫn.)
"Đã thối lại dài”, đây là những từ ngữ rất gay gắt được Bác Hồ dùng. Rất có thể bệnh viết dài khi đó đã phổ biến trên mặt báo. Nên Bác Hồ giải thích: “Trong lúc kháng chiến này, chiến sĩ trước mặt trận phải đánh giặc, đồng bào ở hậu phương phải tăng gia sản xuất. Ai có thời giờ đâu mà xem những bài dài quá”.
Và Người đặt câu hỏi để cảnh tỉnh những ai hay viết dài: “Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời là quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết”. Về chống thói viết dài viêt rỗng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng phải chống cả thói viết ngắn mà rỗng: “Viết dài mà rỗng thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả thói rỗng tuếch”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phê bình những báo cáo khuôn sáo, thậm chí Người gọi đấy là những “báo cáo giả dối”: “Một là báo cáo giả dối. Thành công ít thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến...” Và Người nêu tình trạng báo cáo chung chung, không có vấn đề: “... trong báo cáo chỉ thấy 1,2,3,4 hoặc a,b,c,v.v... Không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tích, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối”.
Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, đều phải kinh qua ba bước: đề ra nó, phân tích nó (điều tra, nghiên cứu, sắp đặt), giải quyết nó”. Và Người nhấn mạnh: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa, vô ích thì bỏ đi. Rửa mặt phải kì xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy.”
Trở lại với bệnh “báo cáo lông bông”- “báo cáo giả dối”, “không nêu rõ vấn đề”... như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và liên hệ với những báo cáo tại các hội nghị hiện nay, dường như căn bệnh được Bác Hồ chỉ ra 75 năm trước vẫn chưa được sửa chữa căn bản, mà căn bệnh thành tích đang phủ dày lên các báo cáo. Tình trạng báo cáo không có vấn đề mới, không có cách giải quyết hiệu quả, không đánh giá việc đó là đúng sai tốt xấu thế nào, mà sa vào chung chung, đơn vị A na ná đơn vị B, chỉ cần thay đổi một vài số liệu... Nội dung trong báo cáo thường là “biết rồi”. Nên tại các hội nghị, người đọc báo cáo cứ đọc, người nghe thường lơ đãng mơ màng, hoặc nói chuyện, hoặc xem điện thoại, cũng có khi là làm việc riêng... Hoặc giả vấn đề này đã nói từ năm trước, thậm chí đã nêu ra vài năm rồi mà vẫn chưa thấy chuyển biến. Do đó các đại biểu nhiễm thói quen trì trệ chậm chạp, rồi né tránh “đấy là công việc của sở A ngành B, bàn làm gì cho rách việc... nói ra chẳng phải đầu lại phải tai... “Cứ thế, phần nhiều các hội nghị xuôi chiều và đều nhất trí cao mà trì trệ khó khăn vẫn còn, vấn đề bức xúc chưa được giải quyết cũng lắm.
Trước thói ba hoa rỗng tuếch, cùng những báo cáo lông bông giả dối của cán bộ khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Sau đây là liều thuốc chữa thói ba hoa, mọi người phải hiểu, phải nhớ, phải thực hành:
1. Phải học cách nói quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng mong ước của quần chúng.
2. Phải luôn dùng những lời lẽ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.
3. ...Bao giờ cũng tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Ta nói cho ai nghe”?
4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chưa nói, chưa viết.
5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “Chó 3 quanh mới nằm. Người 3 năm mới nói”.
Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba bốn lần. Nếu là tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.
Làm được như thế - đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế - thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm" (Hồ Chí Minh toàn tập, sách đã dẫn)
Công Đán