Tìm nhạc trưởng

Thứ năm - 03/11/2022 15:32
Ngày 26/8/2022, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên triệu tập cuộc họp đầu tiên với hơn 30 doanh nghiệp đầu mối và đại diện Hiệp hội Xăng dầu với lời tuyên bố: “Nguồn cung thế giới và trong nước đều không thiếu nên thông tin thị trường khan hiếm xăng dầu là vô lý”.

Cuộc họp không quá dài nhưng vấn đề quan trọng nhất, bên cạnh việc thiếu vốn, rút giấy phép, thiếu nguồn cung.., được các doanh nghiệp đưa ra chính là chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước chưa được tính đủ, chưa phản ánh đúng chi phí thực tế trong cơ cấu giá bán lẻ.
111
Hơn 3 tháng đã trôi qua và cũng kịp có thêm 2 cuộc họp khác được Bộ Công Thương tổ chức với nội dung tương tự. Bộ Công Thương cũng có các động thái hỗ trợ doanh nghiệp ‘kêu’ với Bộ Tài chính. Sau một hồi văn bản qua đi, đáp trả lại giữa hai cơ quan cùng phụ trách việc điều hành xăng dầu, một số vướng mắc được giải tỏa một phần sau đó, Bộ Công Thương phải thừa nhận có tình trạng thiếu nguồn cung.

Nhưng tình cảnh thị trường xăng dầu giờ đã rất khác. Gánh nặng cung ứng cả thị trường dồn lên 10 doanh nghiệp lớn nhất khi các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu liên tục phản ánh nhập hàng khó khăn và lỗ nặng vì bị cắt chiết khấu.

Chiều 1/11, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu thẳng thắn nói với PV Tiền Phong: “Sắp tới, không ít cửa hàng bán lẻ sẽ phá sản. Chưa từng thấy giai đoạn nào khó khăn như lúc này trong suốt cuộc đời làm xăng dầu của tôi. Các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, dịch COVID-19 cũng không đến như vậy”.

Cũng rất cầu thị, đích thân Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đi tới 2 tổng kho xăng dầu lớn của Petrolimex ở phía Bắc và TPHCM để nắm tình hình. Nhưng cuộc thị sát chỉ dừng ở đó. Kỳ vọng của các doanh nghiệp bán lẻ về việc được đích thân người đứng đầu ngành công thương ‘ghé thăm’ để được nói về những ‘ẩn ức’ của người bán xăng dầu đã không thành hiện thực.

Cũng là đáng tiếc khi người đứng đầu ngành Công Thương không dành thêm thời gian để tới những cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở những vùng ‘nóng’ nhất phía Nam để trực tiếp nghe về những ‘điều tiếng không có thật’ mà họ đang phải chịu như: Găm hàng, đầu cơ và vì sao doanh nghiệp đang chết dần, vì sao người dân ở TPHCM và nhiều địa phương phải chịu cảnh chỉ được mua 20.000 đồng, 30.000 đồng hay 50.000 đồng/lần đổ xăng.

Với người trong ngành xăng dầu lúc này, cảm giác việc điều hành xăng dầu của liên Bộ Công Thương – Tài chính, nhìn từ góc độ trao qua, đổi lại của 2 đơn vị thời gian qua, cho thấy việc đang thiếu một “Nhạc trưởng” dám đứng ra chịu trách nhiệm.

Thực tế, người dân chưa từng mặc cả giá mua xăng dầu, nên câu hỏi: Vì sao lại để thiếu nguồn cung? Việc thiếu xăng dầu ảnh hưởng nào đến tăng trưởng kinh tế quốc gia, ảnh hưởng ra sao tới đời sống người dân, doanh nghiệp?... đang chờ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giải đáp.
 

Tác giả Phạm Tuyên/Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây