Lương một giáo viên mới ra trường chỉ 3 triệu đồng/tháng. Còn không bằng tiền hỗ trợ sinh viên. Và có những cô giáo sau 40 năm đứng lớp, đến lúc cầm sổ hưu rơi nước mắt với khoản tiền 1,7 đồng/tháng.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục - đã dùng hai chữ “xót xa” để nói về trường hợp cô giáo Đào Thị Hồng (Yên Thuỷ, Hoà Bình).
Sau 40 năm dạy mầm non, cô Thuỷ về hưu với mức lương chỉ 1,7 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền “chưa đủ mắm muối qua ngày” trong một cuộc sống “giật gấu vá vai, vay trước trả sau”. Và “chẳng biết kêu ai”.
Xót xa quá! Khi mà mức lương hưu ấy chỉ đảm bảo chắc chắn một điều: Đó là đảm bảo nghèo bền vững.
Lương hưu 1,7 triệu đồng/tháng. Nhưng đó là hậu quả của một chính sách lương giáo viên rất phi thực tế, rất vô lý.
Hãy nhớ là lương giáo viên mầm non mới ra trường hiện chỉ từ 2,7 tới 3,4 triệu đồng/tháng.
Trong clip của Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm bật ra một câu hỏi: Vậy thì họ sống bằng gì?!
Vậy thì họ sống bằng gì!? Đó là câu hỏi đúng, không chỉ đối với những cô giáo về hưu! Đó còn là câu hỏi chung đối với hơn 1,6 triệu thầy cô giáo ở các cấp học trên cả nước.
Vậy thì họ sống bằng gì! Đó là câu hỏi không phải mới đặt ra hôm nay, mà nó đã tồn tại suốt gần 20 năm qua.
Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã làm nức lòng giáo viên cả nước khi ông cam kết: Năm 2010, giáo viên có thể sống được bằng lương.
Trước Quốc hội, hôm đó, đầy lạc quan, bộ trưởng khẳng định, đề án tăng lương cho giáo viên là hoàn toàn khả thi. “20 năm đổi mới, đất nước đã giàu lên, 4 năm nữa xã hội sẽ phát triển hơn nữa. Ai cũng muốn tăng lương để giáo viên yên tâm giảng dạy”.
Theo Đề án tăng lương mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, đến năm 2010, lương giáo viên sẽ tăng 1,7-1,8 lần. Lương sẽ tăng từ từ và từ cấp mầm non, tiểu học đến đại học. Ví dụ, mầm non từ 1,4 triệu đồng sẽ tăng đến 3,2 triệu đồng/tháng, trung học phổ thông từ 1,5 triệu đồng sẽ tăng đến 4,3 triệu đồng/tháng... Tiền lương chi cho giáo viên thời điểm đó, chiếm 34% ngân sách giáo dục. Phép tính rất đơn giản: Nếu thực hiện tăng lương đến năm 2010 thì tiền lương chi cho giáo viên sẽ vào khoảng 41.000 tỉ đồng, chiếm 36,8% ngân sách cho giáo dục.
Nhưng 16 năm kể từ lời hứa hôm đó, 12 năm sau cái mốc “đến năm 2010”, chúng ta vừa được chứng kiến 16.000 thầy cô nghỉ việc vì lương quá thấp.
Có lẽ, trong khi cải cách tiền lương chưa thể tiến hành, chúng ta cần ưu tiên trước cho 2 lĩnh vực là giáo dục và y tế. Chứ lương thế, họ làm sao mà sống!
Theo Đào Tuấn/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên