Trong lũ lụt, nghĩ về “quy hoạch”

Thứ hai - 31/10/2022 11:40

Những ngày này, các địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… đang tích cực khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua. Người dân ở một vài nơi có thể đã quen với lũ lụt, nhưng với người dân Đà Nẵng, đặc biệt khu vực “Thành phố bên sông Hàn” thì chắc ám ảnh còn kéo dài. Mưa liên tục hơn 6 giờ, ngập kinh hoàng ở Đà Nẵng đêm 14/10, gây tổn thất không nhỏ về hạ tầng, tài sản cá nhân và cả tính mạng cho người dân của “thành phố đáng sống”. Người ta vẫn bàn về trận mưa “dị thường” và tìm nguyên nhân của nó. Các nhà khoa học cho biết: Mưa 600mm trong 6 giờ liên tục là “loại mưa” 500 năm mới xuất hiện một lần.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai, thì năng lực thoát nước ở các đô thị loại 1 ở Việt Nam nói chung đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70mm trong 2 giờ liền, nghĩa là với 6 giờ thì có thể đáp ứng được lượng mưa tổng là 210mm. Đó là về mặt lý thuyết. Về mặt thực tế thì hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó rất nhiều do các nguyên nhân, như: tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố triều cường v.v... Đấy là chưa nói đến việc thi công ẩu và hiện tượng “xà xẻo”... Trong trường hợp của Đà Nẵng, dù là đô thị ven biển, có nhiều dòng sông, nhưng để đáp ứng thoát được lượng nước mưa như vừa rồi, phải cần hạ tầng thoát nước lớn gấp 3 lần hạ tầng hiện tại. Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn kém. Với các đô thị của Việt Nam lại càng khó vì chi phí khổng lồ cho giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới v.v...

Điều đáng nói là tần suất mưa cực đoan trên đây chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng nói riêng và hầu hết các đô thị của Việt Nam nói chung. Ngay như Hà Nội, nơi được đánh giá là được đầu tư nhiều tiền nhất và “bài bản” nhất, thì cũng chưa lường đến những trận mưa “cỡ” như ở Đà Nẵng vừa rồi. Và cũng xin nói thêm là tần suất mưa cực đoan gần đây đã xuất hiện dày hơn. Các hệ thống sông ngòi ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn báo động 3 mỗi khi có lũ. Vì vậy đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ lớn với tần suất cao hơn hiện nay.

Ngoài nguyên nhân khách quan mà chủ yếu là “mưa cực đoan”, không thể thiếu nguyên nhân chủ quan mà chủ yếu là nạn phá rừng và tầm nhìn quy hoạch, ít nhất là quy hoạch thủy điện và quy hoạch thoát lũ. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là con người đang ở đỉnh điểm của lối sống “chụp giật”, nên đã và đang góp phần hủy hoại không gian sống của con người. Chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước đô thị. Đáng tiếc, chúng ta đang làm ngược lại những điều trên đây. Kỹ sư Lê Sỹ Thục, một nhà đa dạng sinh học, nguyên giám đốc Vườn thú Hà Nội, đã từng phải “đấm ngực” kêu lên cách đây 30 năm, khi Hà Nội bắt đầu bê tông hóa các nhánh của các con sông như Tô Lịch, Kim Ngưu... chảy trong nội đô. Ông đau đớn vì vừa mất đi vẻ đẹp tự nhiên của đô thị, vừa triệt tiêu công năng ngấm nước khi mưa và thoát lũ.

Thực trạng năng lực thoát nước của các đô thị ở nước ta hiện nay, suy cho cùng là do quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. “Quy hoạch” là việc phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống trên một địa bàn lãnh thổ (quốc gia, vùng, tỉnh, huyện…) cho một mục đích nhất định trong một thời kì trung hạn hay dài hạn, để cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, từng khu vực lãnh thổ theo thời gian và là cơ sở để lập các kế hoạch phát triển. Chính vì tầm quan trọng của quy hoạch, Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) vừa qua đã bàn về “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch tổng thể quốc gia được Trung ương nhìn nhận là nhiệm vụ chính trị quan trọng; có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.

Thật vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia có chất lượng và tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra; đòi hỏi phải hội tụ những điều đặc biệt. Theo đó, tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng lãnh thổ, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa hệ thống đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng vùng trời; tham gia có hiệu quả vào các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực và quốc tế; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Đây cũng là vấn đề yếu kém lâu nay của chúng ta, từ tổng thể đến từng ngành và lĩnh vực. Điều này rất dễ nhận ra, nếu cần tham chiếu thì thử tìm ở các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng… để thấy  đã có được bao nhiêu “đầu tàu” lôi cuốn sự phát triển của quốc gia? Trong khi những vấn đề “hội chứng” như sân bay, cảng biển... thì vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân được nhìn nhận ở tư duy bó hẹp trong phạm vi tỉnh, thành, thiếu hạ tầng kết nối.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong việc quy hoạch lần này, cần tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các “đầu tàu” lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng”.

Lâu nay chúng ta đã quen thuộc với hạ tầng “cứng” như giao thông, hạ tầng đô thị...; thời chuyển đổi số thì phải làm quen ngay với hạ tầng số. Hạ tầng vật chất và công nghệ này phải đi cùng với “hạ tầng mềm” là tri thức, văn hóa ứng xử (thói quen, lối sống...) của con người – với tư cách là chủ thể, mục tiêu và động lực của phát triển. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nguyên nhân của biến đổi khí hậu lại chủ yếu do hoạt động của con người gây nên, chủ yếu trong đó khu vực đô thị. Một trong vô số vấn đề “thất bại” của quy hoạch vừa qua là xác định cốt nền và quản lý cốt nền xây dựng đảm bảo thoát nước đô thị theo hướng chảy tự nhiên, tránh ngập úng. Thực tế ngập lụt ở các khu đô thị mới ở phía Tây Hà Nội (như quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) cho thấy vấn đề cốt nền quan trọng như thế nào. Công tác quản lý xây dựng hiện nay cũng như tính toán quy hoạch san nền còn đang hạn chế, là nguyên nhân gây ra hiện tượng úng ngập trên diện rộng tại nhiều đô thị lớn. Mưa lớn như vừa qua làm cho thành phố bên sông, sát biển như Đà Nẵng ở vào thế “vỡ trận” cũng là điều dễ hiểu.

Những hiện tượng như mưa lũ ở miền Trung vừa qua phản ánh hậu quả của biến đổi khí hậu, và cần coi đó là cơ hội để xem xét lại cách làm quy hoạch hiện nay đã thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững chưa? Trong đó có cơ hội để minh bạch hóa quá trình lập quy hoạch, đòi hỏi có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, chứ “quy hoạch” không phải chỉ là sản phẩm của một “nhóm lợi ích” nào.

 
Tác giả: Nhà thơ Ngô Đức Hành
Nguồn Văn nghệ số 44/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây