Bội thực huy chương
Quy định của Hà Nội, các trường tiểu học không được thi tuyển đầu vào lớp 1. Riêng các trường công lập tuyển sinh theo tuyến. Thế nhưng, một số trường ngoài công lập do có lượng hồ sơ cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh nên hằng năm nghĩ ra phương án tuyển học sinh bằng các phương thức như: một ngày trải nghiệm (Marie Curie); đánh giá năng lực học sinh như Nguyễn Siêu, Archimedes….Trong đó, để chọn học sinh lớp 1, các trường vẫn đặt một số câu hỏi kiểm tra năng lực Tiếng Anh, Tiếng Việt, thậm chí làm toán. Để con vượt điểm các bạn cùng trang lứa, phụ huynh bắt buộc phải đầu tư, cho con học tiền tiểu học từ 5 tuổi. Thậm chí, trên diễn đàn Đồng hành cùng con vào lớp 1, có phụ huynh từng chia sẻ kinh nghiệm khá sốc làm thế nào để 4 tuổi con đã đọc thông, viết thạo, học xong SGK lớp 1.
Đặng Thị Vân Anh có con học lớp 1, một trường tư có tiếng tại Hà Nội cho biết, trước khi vào lớp 1, con đã được học Tiếng Anh cơ bản để hiểu và trả lời các câu hỏi phỏng vấn; biết đọc đề trắc nghiệm…để làm bài.
Ngay cả các trường công lập, dù không tuyển đầu vào nhưng với chương trình GDPT mới một bài học thiết kế nhiều nội dung, hoạt động trong một giờ, nếu trẻ chậm sẽ khó theo kịp. Do đó, phụ huynh cũng truyền tai nhau phải học trước khi vào bậc tiểu học, giúp trẻ tự tin khi đến lớp hay không sợ bị “bỏ lại phía sau”. Thực tế, cũng có những giáo viên đứng lớp 1 ngay từ đầu năm học đã đặt câu hỏi: những ai đã biết chữ giơ tay, khiến những em chưa biết chữ bối rối, hoang mang.
Hiện có hàng chục cuộc thi mang danh quốc gia, quốc tế “tràn” vào trường học thu hút học sinh. Trong một năm học, thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường gửi đường link để cha mẹ học sinh tìm hiểu cho con dự thi như: Olympic Toán học trẻ quốc tế (ITMO), Kỳ thi Toán học quốc tế PhIMO, Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo (IKMC), Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học quốc tế (IMAS), Kỳ thi Olympic Toán tiếng Anh (SEAMO), Cuộc thi Toán quốc tế IMC, Kỳ thi Olympic Toán học châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS), Kỳ thi Olympic quốc tế Khoa học, Toán và tiếng Anh (ASMO), Olympic Toán học quốc tế TIMO …
Các cuộc thi này thường yêu cầu phụ huynh nộp lệ phí từ 200 đến 500.000 đồng/1 lần thi trực tuyến và 2 - 3 triệu đồng mua gói ôn luyện để dự thi. Nhiều phụ huynh đã háo hức đăng ký cho con dự các cuộc thi này với hi vọng sẽ được rinh huy chương, giải thưởng để được cộng điểm ưu tiên vào hồ sơ khi dự tuyển vào một số trường THCS chất lượng cao hoặc trường tư có tiếng. Nhẩm tính, có trường tiểu học, mỗi năm khuyến khích học sinh dự vài chục cuộc thi có đóng phí các loại.
Chị Trần Thị Thuỳ Dương, có con từng học Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) khoe, suốt 5 năm tiểu học, con giành được 9 huy chương Vàng, Bạc, Đồng… ở nhiều cuộc thi. “Con học nổi trội trong lớp nên cứ có cuộc thi nào giáo viên lại động viên phụ huynh cho tham gia. Khi vào lớp 6 một trường tư có tiếng, tôi bất ngờ hơn khi cả lớp có hàng trăm huy chương, giải thưởng”, chị Dương nói.
Không học thêm, không có điểm cao
Nhiều phụ huynh cho rằng, dù đã cho con học ngày 2 buổi ở trường nhưng giáo viên có nhiều chiêu để buộc học sinh phải đăng ký tự nguyện đi học thêm.
Chị Đỗ Thị Huyên, ở quận Thanh Xuân có con học THCS cho biết, từ bậc tiểu học, con đã học ngày 2 buổi nên chị yên tâm kiến thức mới và bài tập sẽ được cồ trò giải quyết hết từ trên lớp. Thế nhưng, chị sốc khi giáo viên liên tục nhắn tin, gọi điện riêng để trao đổi, phàn nàn vì con học yếu kém, không theo được các bạn trên lớp. Lo lắng, tối nào vợ chồng cũng dành thời gian kèm con học bài và nhận thấy con chỉ viết chậm còn lại các bài tập cơ bản đều làm được. Sau này, một phụ huynh trong lớp mới nhắn tin riêng khuyên, chị nên cho con đi học thêm Toán, Tiếng Việt do cô mở dạy vào cuối tuần. Đúng như lời khuyên, từ khi cho con đi học thêm, cuộc sống gia đình yên ổn vì cô giáo không còn phàn nàn như trước.Một “chiêu” khác phụ huynh cũng truyền tai nhau là giáo viên sẽ dành một phần kiến thức trên lớp để dạy ở lớp học thêm hoặc dạy kỹ, đào sâu những bài khó. Do đó, nếu học sinh nào không đi học thêm, không hiểu bài sẽ khó đạt được điểm cao trong các kỳ kiểm tra, đánh giá.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Quốc Dương nói rằng, nguyên nhân dẫn đến học thêm dạy thêm đầu tiên xuất phát từ kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ đối với con cái. Thứ hai là học sinh các cấp vẫn chịu áp lực từ các kỳ thi. Ví dụ như, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 học sinh cảm thấy còn khó khăn, áp lực hơn thi tuyển vào ĐH.
Theo Hà Linh/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên