Nhân 75 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, ôn lại lời dạy của Người:“KHIẾN CHO CÁN BỘ CẢ GAN NÓI, CẢ GAN ĐỀ RA Ý KIẾN” (Bài 3)

Thứ tư - 26/10/2022 11:41
Trong chương bốn và chương năm của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về huấn luyện, sử dụng cán bộ và bàn về phương pháp lãnh đạo của Đảng.

Về sử dụng cán bộ, Người viết: “ a) Hiểu biết cán bộ- Biết người cố nhiên là khó. Tự biết mình cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì cũng khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng phải trái của người ta, thì trước hết phải biết đúng sự phải trái của mình. Đã không biết phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Người ta thường phạm những chứng bệnh sau này:

1. Tự cao tự đại,
2. Ưa người ta nịnh mình,
3. Do lòng yêu và ghét của mình mà đối với người
4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người.

Phạm vào một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ mặt thật của những cái mình trông.

Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn với các hạng người, trước hết phải sửa chữa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì xem xét cán bộ càng đúng”. (Sửa đổi lối làm viêc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 sách đã dẫn). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thực tế và rất khoan dung trong đánh giá cán bộ, Người viết: “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. ( Hồ Chí Minh toàn tập, sách đã dẫn).

Và Người đã chỉ thẳng ra những sai phạm trong cách dùng cán bộ: “Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh sau đây:

1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người không hợp với mình.

Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cố bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người cán bộ”. (Hồ Chí Minh toàn tập, sách đã dẫn).

Lời dạy của Bác Hồ 75 năm trước như “Ham dùng người nhà”, “ham dùng người nịnh hót”, “chán ghét người chính trực” vẫn đang là vấn đề thời sự trong công tác cán bộ hiện nay. Ở không ít nơi, con em cán bộ thường được tuyển dụng và được cất nhắc rất nhanh so với đồng nghiệp. Đã xuất hiện tình trạng “cả họ làm quan” như ở các tỉnh Hà Giang với Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, hay ở tỉnh Bắc Ninh với Bí thư Nguyễn Nhân Chiến, hay Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Lan đề bạt con gái mới 31 tuổi làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư...

Rất mừng là một số vụ đề bạt con em người nhà vào chức vụ lãnh đạo đã được Trung ương chỉ đạo khắc phục và thu hồi quyết định. Nhưng dư luận vẫn lo lắng khi tình trạng “ham dùng người nhà” như Bác Hồ từng phê phán vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả để bộ máy chính quyền thực sự chọn được những cán bộ có đức có tài.

Mặt khác, về sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng cần làm cho cán bộ mạnh dạn đề xuất ý tưởng - sáng kiến, không được để cấp dưới nịnh hót mình: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu... Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà trở nên oán ghét chán nản” (Hồ Chí Minh toàn tập, sách đã dẫn).

Về cách lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của nhân dân. Người chỉ ra rằng: Một quyết định đúng thì cần dựa vào dân chúng, phải để dân chúng giám sát... Và Người  nhấn mạnh cần kịp thời thay thế “Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc phải thải đi”. Đồng thời Người còn cảnh báo cần chữa bệnh cho cán bộ mắc bệnh công thần và cán bộ nói suông bằng cách “khép họ vào kỉ luật” và kiểm tra, khiểm soát có hệ thống những cán bộ nói suông. Người dạy: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm việc, ai làm qua truyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát.

Kiểm soát khéo, khuyết điểm sẽ lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi.

Song muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là những người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín.” (Hồ Chí Minh toàn tập, sách đã dẫn).

 
(còn tiếp)
Nguyễn Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây