Đại biểu Nguyễn Thị Hằng Nga (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nâng cao chất lượng xây dựng văn bản?
Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu): Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc tinh giản biên chế thời gian qua có tác động thế nào về việc tăng tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lai Châu, Bộ trưởng Thanh Trà cho rằng việc tinh giảm biên chế tác động đến cải cách tiền lương, giảm đơn vị hành chính, giảm tổ chức hành chính, cơ cấu lại mục tiêu để cải cách đội ngũ cán bộ công chức, tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ công chức, viên chức.
Từ 2019 đến nay, việc tinh giản đã giúp tiết kiệm trên 25.600 tỷ đồng để làm nguồn tăng lương.
Tới đây sẽ tiếp tục tinh giản công chức, viên chức để cơ quan hành chính tinh gọn hơn, làm nguồn lực tăng lương, cải thiện đời sống cho công chức, viên chức.
Đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua, Bộ Nội vụ báo cáo công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực.
Số liệu thống kê cho thấy, biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015. Như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
Quy định về định mức biên chế công chức, viên chức; về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập... để làm cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2025.
Đổi mới việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động và chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.
Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn): Việc đánh giá xếp loại cán bộ công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng. Thực tế việc này chưa thực chất, có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hoà vi quý. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để việc đánh giá thực chất thời gian tới?
Trả lời đại biểu Huân, Bộ trưởng Trà cho biết thời gian qua Đảng và Chính phủ đã quan tâm tới đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đánh giá những năm gần đây có chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, năm 2021, số cán bộ công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 22%, trước đó là 30%; số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ 1,72%, những năm trước tỷ lệ này chỉ có 0,56-0,64%.
Bộ trưởng khẳng định, đã có sự chuyển biến tích cực hơn. Nhìn một cách tổng thế thấy việc đánh giá chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vì vậy có việc như đại biểu nêu.
Thời gian tới việc đánh giá cán bộ tốt hơn thì phải tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ, liên thông với quy định của Đảng, có tiêu chí bằng sản phẩm cụ thể.
Hơn nữa, cố gắng tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, là cơ sở đánh giá cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Các bộ quản lý, ngành, địa phương phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, Chính phủ, cụ thể hoá quy định ở đơn vị để đánh giá công khai, công bằng, chính xác, mới là cơ sở động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đương nhiên trong bối cảnh hiện nay phải có công cụ cụ thể đánh giá đội ngũ cán bộ công chức viên chức.
31 phút trước
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bắt đầu từ 14h45 chiều 4/11. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn.
Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định phía trước ngành Nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân cả nước.
“Đây là cơ hội để chúng tôi được lắng nghe, giải trình và tiếp thu những vấn đề lớn mà đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm” - bà Trà nói.
Chiều nay 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội với 4 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.
Thứ ba, nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.
Thứ tư, giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo báo cáo giải trình trước phiên chất vấn được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi tới các đại biểu Quốc hội, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó, ở Bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%); ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Về sắp xếp theo trình độ đào tạo, báo cáo nêu có 653 tiến sĩ, chiếm 1,65%; 4.018 Thạc sĩ (chiếm 10,16%); Bác sĩ Chuyên khoa I có 1.066 người (chiếm 2,70%); 133 Bác sỹ chuyên khoa II (chiếm 0,33%); Đại học có 19.637 người (chiếm 49,65%); Cao đẳng có 6.027 người (chiếm 15,24%); Trung cấp có 6.972 người (chiếm 17,63%); Sơ cấp có 1.046 người (chiếm 2,64%).
Ngoài những nguyên nhân khách quan như chuyển việc để phù hợp với chuyên môn được đào tạo hoặc muốn thay đổi môi trường làm việc, thì tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới "làn sóng" nghỉ việc.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và của pháp luật, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn (như lĩnh vực giáo dục và y tế).
Đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là một thành tựu và là một kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua.
Tính đến 30/6/2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm 22,6% so với giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.
Số liệu thống kê cho thấy, biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015. Như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ thừa nhận, việc quản lý, sử dụng biên chế vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định như sử dụng biên chế viên chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính. Định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 89,4% số biên chế sự nghiệp)…
Về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ cho biết đã được tập trung triển khai thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và các quy định của Quốc hội và Chính phủ. Tính đến 30/9/2022, các Bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm được 90% phòng trong Vụ.
Các địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc Sở và thuộc UBND cấp huyện.
Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành, địa phương đến nay có 47.744 đơn vị (giảm 7.469 đơn vị, đạt 13,5%).
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên