Nhân 75 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, ôn lại lời dạy của Người: “ĐẢNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TỔ CHỨC LÀM QUAN PHÁT TÀI” (Bài 2))

Thứ sáu - 21/10/2022 17:07
Chương 3 bàn về tư cách và đạo đức cách mạng, mở đầu, Người nhấn mạnh:“Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Sách đã dẫn, trang 249). Lời mở đầu của Người như là lời giải thích , đồng thời là một mệnh lệnh cho cán bộ đảng viên: Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài.

Bàn về đạo đức của người đảng viên, Người nói:“Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng tăng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

* NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.

* NGHĨA là ngay thẳng không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng không có lợi ích riêng phải lo toan. Thấy việc phải thì làm. Thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

* TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt... Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

* DŨNG là dũng cảm gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại sự vinh hoa phú quý, không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc mà không bao giờ rụt rè nhút nhát.

* LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không tham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa" (Sách đã dẫn, trang 252).

Người chỉ ra một số bệnh của cán bộ đảng viên khi đó như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh xu nịnh... Về bệnh tham lam của cán bộ, Người đặt câu hỏi:“Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu...”. Về bệnh bè phái, Người chỉ rõ: “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống” (Sách đã dẫn, trang 257)

Trong chương ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa, đã phân tích và chỉ ra việc phê bình cần dũng cảm công khai, không giấu diếm. Người viết: “Lại nói: Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng, của Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến một ngày bệnh càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”.

Và Người khẳng định: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.” (Sách đã dẫn trang 261)
                             (còn tiếp)
                                    
Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây