Nhân 75 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, ôn lại lời dạy của Người: “TỰ PHÊ BÌNH, TỰ SỬA CHỮA NHƯ MỖI NGÀY PHẢI RỬA MẶT.” (Bài 1)

Thứ ba - 18/10/2022 15:07
Tháng 10 năm 1947, trong lúc phải dành nhiều thời gian và công sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người chỉ ra những trì trệ yếu kém của bộ máy chính quyền non trẻ lúc đó, đồng thời nêu biện pháp khắc phục nhằm huấn luyện cán bộ, đảm bảo cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thành công.

“Sửa đổi lối làm việc” là 1 trong 2 tác phẩm dài nhất trong các bài viết của Người lúc sinh thời. Trong cuộc đời hoạt động, Người đã viết tổng cộng 2700 bài báo, diễn văn, thư tín, điện mừng. Tác phẩm dài nhất của Người là “Bản án chế độ thực dân” với 100 trang khổ 22x15, Tác phẩm dài thứ hai là “Sửa đổi lối làm việc” với 75 trang khổ 22x15. Tác phẩm dài thứ ba là “Đường cách mệnh” 56 trang.

Hầu hết các tác phẩm khác, Người thường viết ngắn, chỉ  một vài trang. Những tác phẩm quan trong như: “Tuyên ngôn độc lập”, “Di chúc” cũng chỉ dài 3 đến 4 trang, còn lại Người thường viết 1 đến 2 trang cho mỗi tác phẩm.

Nêu lại số trang của một số tác phẩm để có thể nhận biết sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người viết dài là có chủ ý, bởi đấy là những vấn đề cốt lõi quan trọng: Công tác cán bộ, tư cách người cán bộ, cách làm việc của cán bộ, sửa đổi lối làm việc thế nào? Tại sao phải sửa đổi khi chính quyền non trẻ mới tồn tại được hơn hai năm kể từ ngày thành lập nước - 2/9/1945? 

Và nếu tính từ ngày đứng đầu Chính phủ, cho đến lúc từ giã cõi đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 24 năm đảm đương vai trò là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và của nhà nước (Người làm Chủ tịch nước từ 1945 đến 1969), thì tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm dài nhất trong suốt mấy chục năm hoạt động công khai của Người.

Trở lại với bối cảnh ra đời của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”  75 năm về trước, khi đó, cả nước đang ở vào thời kỳ phòng ngự chống cự lại quân Pháp, tức là quân ta yếu hơn quân Pháp, Chính phủ Trung ương phải sơ tán lên Việt Bắc, và chính quyền non trẻ mới có hơn 2 năm hoạt động kể từ ngày thành lập nước 2/9/1945. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy đội ngũ cán bộ lúc đó đã bộc lộ những căn bệnh như chủ quan kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa giấy tờ xa rời quần chúng...

Trong tác phẩm của mình, Người dành chương đầu tiên để nói về sự cần thiết phải thực hiện phê bình và sửa chữa các sai phạm. Trong chương một, Người nhấn mạnh: “Từ nay, chúng ta phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch các khuyết điểm, công việc mới tiến bộ”. (“Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. trang 231, nxb Chính trị quốc gia).

Về cách phê bình, Người dặn: “Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”. (Sách đã dẫn, trang 232). Về những căn bệnh của cán bộ lúc đó, Người chỉ rõ: “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỉ, bệnh hẹp hòi,v.v. mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó” (Sách đã dẫn trang 239). Và Người kết luận : “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”. ( Sách đã dẫn trang 239)

Chương 2, Người nêu 6 kinh nghiệm trong lãnh đạo quần chúng bao gồm lựa chọn cán bộ tốt, không tham làm nhiều việc một lúc, nghiên cứu hiểu rõ gốc rễ vấn đề, mở rộng dân chủ, phân công phụ trách công việc và sâu sát quần chúng.
                   (còn tiếp)
                   Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây