Để chính quyền hai cấp ở Hưng Yên vận hành trơn tru: Những nút thắt cần sớm tháo gỡ
Thứ ba - 22/07/2025 11:04
Ngày 1/7/2025, cùng với cả nước tỉnh Hưng Yên chính thức đưa vào vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, với 104 xã, phường đồng loạt triển khai theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy. Đây là bước chuyển quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, sau gần một tháng đi vào thực tiễn, bên cạnh những kết quả bước đầu, nhiều khó khăn, vướng mắc đang đặt ra cho chính quyền cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề này đòi hỏi các cấp, các ngành cần sớm tháo gỡ để đảm bảo việc vận hành mô hình mới đạt hiệu quả, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Những vướng mắc từ thực tế
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án nhân sự, tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc HĐND, UBND cấp xã, với tổng số 4.672 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nhìn chung, các đơn vị đã cơ bản ổn định tổ chức, bảo đảm vận hành hoạt động ngay từ ngày đầu thực hiện mô hình mới.
Tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công, sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, số lượng người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính gia tăng,
gây áp lực không nhỏ cho công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Tuy nhiên, thực tế vận hành cũng bộc lộ không ít hạn chế, có thể chia thành 4 nhóm chính:
Cơ sở vật chất còn thiếu và yếu: Một trong những khó khăn lớn nhất của chính quyền cơ sở hiện nay là tình trạng thiếu trụ sở làm việc tập trung. Tỷ lệ các xã mới được "thừa hưởng" trụ sở huyện cũ không nhiều (khoảng trên 20%). Nhiều địa phương, các bộ phận như Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn phải hoạt động ở các địa điểm khác nhau, dẫn tới việc trao đổi thông tin, phối hợp công việc gặp nhiều bất tiện.
Đặc biệt, các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, nơi trực tiếp tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho người dân, đang chịu áp lực lớn về diện tích, trang thiết bị. Nhiều nơi vẫn phải sử dụng cơ sở vật chất cũ, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ mô hình chính quyền hai cấp vận hành theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch.
Công tác cán bộ còn nhiều bất cập: Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay vẫn chưa đồng đều về trình độ, kỹ năng nghiệp vụ. Việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp đòi hỏi những yêu cầu mới về chuyên môn, quản trị hành chính, nhưng không phải cán bộ nào cũng kịp thời thích ứng.
Một số cán bộ còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ mới, đặc biệt là những nhiệm vụ từ cấp huyện chuyển về. Do chưa được phân định rõ ràng, cụ thể, nên có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chậm tiến độ giải quyết công việc, gây phiền hà cho người dân. Việc phân công nhiệm vụ cũng chưa thực sự phù hợp với năng lực cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn là yêu cầu cấp thiết, nhưng hiện vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.
Thiếu trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin: Mô hình chính quyền hai cấp đòi hỏi chính quyền cấp xã phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Tuy nhiên, hệ thống trang thiết bị, hạ tầng công nghệ ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiếu máy tính cấu hình đủ mạnh, thiếu phần mềm quản lý đồng bộ, mạng internet yếu, đường truyền chưa ổn định… là những bất cập đang cản trở quá trình xử lý thủ tục hành chính trực tuyến, kết nối thông tin giữa các cấp, ngành. Điều này khiến việc xây dựng chính quyền số ở cơ sở chưa thể triển khai hiệu quả như kỳ vọng.
Thủ tục hành chính còn bất cập: Việc cải cách thủ tục hành chính tại các xã, phường vẫn còn chậm. Một số thủ tục, nhất là liên quan đến đất đai, xây dựng, hộ tịch chưa được rà soát, sửa đổi phù hợp với mô hình mới. Điều này dẫn tới tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần hoặc vẫn phải lên cấp trên để hoàn thiện hồ sơ, gây lãng phí thời gian, công sức.
Việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương còn thiếu cán bộ am hiểu công nghệ, không có bộ phận chuyên trách về tiếp nhận và giải quyết vướng mắc phát sinh.
Chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một bước đi tất yếu trong tiến trình cải cách hành chính.
Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận đã thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” cần sớm tháo gỡ. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là bước chuyển lớn về tổ chức bộ máy hành chính, đòi hỏi phải nhanh chóng ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, không để gián đoạn việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để tháo gỡ những khó khăn, các địa phương trong tỉnh cần tập trung vào các giải pháp sau:
Hoàn thiện cơ sở vật chất: Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc tập trung, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cần thiết, đặc biệt cho các Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cấp xã, bảo đảm mỗi cán bộ đều nắm vững nhiệm vụ được giao.
Nâng cấp hạ tầng công nghệ: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; bảo đảm hệ thống phần mềm hành chính công được kết nối liên thông, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như đất đai, hộ tịch, xây dựng. Ban hành danh mục thủ tục hành chính phù hợp với mô hình mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một bước đi tất yếu trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình vận hành mô hình mới cũng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Việc giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc hiện nay sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, đưa chính quyền đến gần dân hơn, thực chất hơn, đúng với tinh thần “chính quyền phục vụ” mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.