Ăn tiết canh, coi chừng rước họa: Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh liên cầu lợn tại Hưng Yên

Thứ sáu - 18/07/2025 16:43
Hưng Yên vừa ghi nhận chùm ca bệnh liên cầu lợn khiến 2 người tử vong, nguyên nhân đều xuất phát từ thói quen ăn tiết canh. Bộ Y tế đã có văn bản khẩn yêu cầu triển khai ngay các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Đây là hồi chuông cảnh báo về một căn bệnh nguy hiểm nhưng vẫn bị nhiều người chủ quan.
vien cau lon 1
Các bác sĩ Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai hội chẩn ca bệnh nghi mắc liên cầu lợn.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm và Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 tuần đầu tháng 7/2025, đã ghi nhận 3 trường hợp nghi mắc bệnh liên cầu lợn ở người, trong đó có 2 ca tử vong. Đáng lo ngại, tất cả các trường hợp này đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên, nơi một nhóm người đã cùng nhau ăn tiết canh lợn.

Biểu hiện ban đầu ở các bệnh nhân là sốt cao, đi ngoài phân lỏng, sau đó chuyển biến nhanh sang các triệu chứng nặng như viêm màng não, sốc nhiễm khuẩn. Một số trường hợp rơi vào tình trạng suy đa tạng và không qua khỏi dù được chuyển tuyến điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thông tin về chùm ca bệnh khiến người dân không khỏi bàng hoàng. Một bữa ăn tiết canh tưởng như “vô hại” đã cướp đi sinh mạng của 2 người chỉ trong thời gian ngắn.

Bệnh liên cầu lợn, hiểm họa từ thói quen ăn uống

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Vi khuẩn này thường có sẵn trong đường hô hấp, tiêu hóa của lợn mang bệnh hoặc mang trùng. Khi con người tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, giết mổ lợn không an toàn, hoặc ăn phải thực phẩm chế biến từ thịt lợn sống, chưa chín kỹ (như tiết canh, lòng trần tái…), vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bệnh.
Liên cầu lợn có thể gây ra 2 thể bệnh chính:

Thể viêm màng não: Người bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, cứng gáy, có thể để lại di chứng điếc vĩnh viễn dù đã được điều trị.

Thể nhiễm khuẩn huyết – sốc nhiễm khuẩn: Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất, bệnh nhân có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng suy đa tạng và tử vong chỉ sau vài ngày phát bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tỷ lệ tử vong của bệnh liên cầu lợn dao động từ 5% đến 20%, trong đó những người có bệnh nền hoặc phát hiện muộn càng dễ gặp nguy cơ tử vong cao.

Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, ngày 17/7/2025, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản số 783/PB-BTN gửi Sở Y tế Hưng Yên, yêu cầu khẩn trương triển khai 5 nhóm biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn ở người. Điều tra và xử lý triệt để ổ dịch tại xã Quỳnh An; mở rộng giám sát các cơ sở y tế trong khu vực nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ; lấy mẫu xét nghiệm và điều trị kịp thời. Phối hợp với cơ quan thú y giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt là các bệnh dễ làm phát sinh liên cầu lợn như dịch tai xanh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đầy đủ biện pháp bảo hộ khi chăm sóc, giết mổ lợn. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền đến từng hộ gia đình, khuyến cáo không ăn tiết canh, không giết mổ lợn bệnh, lựa chọn thịt sạch đã qua kiểm dịch, nấu chín kỹ thực phẩm. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư y tế, hóa chất phòng dịch, tập huấn cho cán bộ y tế về các biện pháp giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch bệnh, kịp thời cập nhật tình hình và phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý các ca bệnh mới.
vien cau lon 2
Ăn tiết canh đã đi vào “văn hóa ẩm thực truyền thống” của nhiều làng quê Việt Nam.
Ngay sau khi ghi nhận chùm ca bệnh liên cầu lợn, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch đến cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đến tận hộ dân vận động người dân từ bỏ thói quen ăn tiết canh, sử dụng thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp sau:

Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn đã chết.

Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt sống, lòng trần tái; không ăn thực phẩm chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín kỹ.

Chỉ sử dụng thịt lợn đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng.

Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với lợn, sau khi chế biến thực phẩm sống.

Người có vết thương hở tuyệt đối không giết mổ lợn hoặc chế biến thực phẩm tươi sống.


Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đặc biệt sau khi ăn thịt lợn hoặc tiếp xúc với lợn, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
“Đừng để thói quen gây họa”

Dù đã nhiều lần được cảnh báo, nhưng thực tế tại một số vùng quê, thói quen ăn tiết canh, ăn lòng trần vẫn tồn tại dai dẳng. Không ít người chủ quan cho rằng chỉ cần chọn lợn “sạch”, lợn nhà nuôi thì sẽ không sao. Tuy nhiên, theo chuyên gia dịch tễ, bản thân lợn mang mầm bệnh liên cầu lợn không có biểu hiện rõ rệt. Ngay cả khi lợn khỏe mạnh ngoài da, vẫn có nguy cơ mang vi khuẩn trong máu, tiết canh chính là đường lây truyền trực tiếp và nhanh nhất.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Cường, một cán bộ y tế tuyến xã cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần đi vận động, cảnh báo, nhưng nhiều người dân vẫn cho rằng ăn tiết canh là “văn hóa ẩm thực truyền thống”. Sau vụ việc lần này, mong rằng bà con sẽ nhìn nhận nghiêm túc hơn về hiểm họa từ món ăn này.

Hưng Yên vừa trải qua đợt sáp nhập địa giới hành chính, công tác y tế dự phòng càng cần được siết chặt. Chính quyền địa phương cùng ngành y tế, thú y đang tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát, xử lý ổ dịch, khẩn trương khoanh vùng, điều tra dịch tễ để tránh nguy cơ lan rộng. Sự an toàn của mỗi người phụ thuộc vào chính thói quen ăn uống và bảo vệ sức khỏe của bản thân. Một bát tiết canh có thể mang lại hứng thú trong phút chốc, nhưng hậu quả để lại có khi là tính mạng.

Đã đến lúc người dân cần nói lời từ biệt với tiết canh và những món ăn tiềm ẩn rủi ro cao. Hãy ăn chín, uống sôi, đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là nguyên tắc sống an toàn.

 
NLBHY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây