Chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành trên toàn quốc

Thứ ba - 01/07/2025 14:15
Hôm nay, ngày 1/7/2025, cả nước chính thức bước vào một giai đoạn phát triển mới khi hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai đồng loạt tại 34 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo từ Trung ương đến địa phương, đánh dấu một dấu mốc lịch sử trong tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia, hướng tới một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Thiết lập nền hành chính hiện đại

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 35 ngày vừa qua, các đại biểu đã thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, cùng nhiều luật và nghị quyết quan trọng khác, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương. Theo đó, số lượng tỉnh, thành phố được điều chỉnh từ 63 xuống còn 34, và số đơn vị hành chính cấp xã giảm từ hơn 10.000 còn 3.321, giảm mạnh hơn 6.700 đơn vị.
tthcc 1
Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Yên Châu, tỉnh Sơn La phục vụ nhân dân.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã không chỉ đơn thuần là tái cơ cấu, mà là bước đi chiến lược trong quản trị quốc gia, tập trung nguồn lực, phát huy tối đa lợi thế về đất đai, dân số, kinh tế - xã hội để mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương và cả nước.

Các địa phương sẵn sàng vận hành mô hình mới

Từ nhiều ngày qua, các tỉnh, thành phố đã khẩn trương chuẩn bị điều kiện về nhân sự, trụ sở, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm dùng chung, chữ ký số... để đảm bảo không gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước. Đến hết ngày 30/6, công tác bàn giao, kiện toàn bộ máy được hoàn tất tại tất cả địa phương.

Tại Hà Nội, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã được vận hành thử nghiệm thành công. Kỳ họp thứ 24 của HĐND thành phố khóa XVI đã thông qua 11 nghị quyết quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình mới. Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo sát sao, không để gián đoạn hoạt động xã hội, đặc biệt là các dịch vụ công thiết yếu. Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ”, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.

Tại TP Hồ Chí Minh, 168 phường, xã đều đã hoàn tất chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Theo đánh giá, thành phố sẵn sàng cho ngày đầu tiên vận hành chính quyền hai cấp, đảm bảo mọi hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Với tỉnh Hưng Yên, từ ngày 18/6 đến ngày 26/6, toàn tỉnh triển khai vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm các nội dung: tổ chức hội nghị Đảng ủy, kỳ họp HĐND, phiên họp UBND xã; kiện toàn tổ chức bộ máy, vận hành trung tâm hành chính công, hệ thống điều hành văn bản, thư điện tử công vụ và hội nghị trực tuyến. Ngày 27/6, Hưng Yên tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm toàn tỉnh về mô hình chính quyền 2 cấp và để chính thức hoạt động theo mô hình mới từ ngày 01/7/2025.
tthcc 2
Người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Tại các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Đà Nẵng… lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, các quyết định của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về nhân sự và đơn vị hành chính mới.

Dấu mốc lịch sử - bước chuyển chiến lược

Phát biểu tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Quyết định sắp xếp lại giang sơn là bước đi lịch sử, có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước.” Tổng Bí thư khẳng định đây là cơ hội quý báu để đổi mới tư duy lãnh đạo, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả phục vụ nhân dân. Đồng thời kêu gọi đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở chuyển mình mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì một nền hành chính minh bạch, hiện đại, của dân, do dân và vì dân.

Tại điểm cầu TP Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng việc hợp nhất tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng tạo nên một cực tăng trưởng mới cho vùng đồng bằng sông Hồng, mở ra triển vọng phát triển toàn diện về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, logistics… Thủ tướng yêu cầu các địa phương bắt tay ngay vào công việc, tận dụng tối đa thời cơ để khẳng định vai trò, vị thế mới.

Còn tại TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là “ngày hội lớn của toàn dân”, mở ra một giai đoạn lịch sử mới, là bước đệm chiến lược để Cần Thơ phát triển thành cực tăng trưởng quốc gia, trung tâm khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thiết lập chỉnh thể hành chính mới cho tương lai

Việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp vào ngày 1/7/2025 là một chỉnh thể hành chính mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không chỉ là bước đi cơ học trong tái cấu trúc địa giới, sự kiện này thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng của Đảng, Nhà nước về một mô hình quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn. Cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển, thịnh vượng, vững bền.”

NLBHY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây