Hưng Yên công bố nghị quyết, quyết định sáp nhập đơn vị hành chính, chỉ định nhân sự
Thứ hai - 30/06/2025 14:51
Kết nối trực tuyến tới 104 điểm cầu xã, phường trên toàn tỉnh
Sáng nay (30/6), đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam dự Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về hợp nhất, sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình thành tỉnh Hưng Yên (mới); công bố Quyết định của Bộ Chính trị thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên; các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam liên quan đến hoạt động của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên và công bố các quyết định của tỉnh liên quan đến hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các xã, phường.
Các đại biểu dự lễ công bố tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên.
Lễ công bố được kết nối trực tuyến đến 104 điểm cầu tại trụ sở UBND các xã, phường mới thành lập trên địa bàn tỉnh. Tại buổi lễ, đại diện các cơ quan Trung ương đã công bố các văn kiện quan trọng, gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, thành lập tỉnh mới mang tên tỉnh Hưng Yên; Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên; Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhiệm kỳ 2020–2025; Quyết định của Ban Bí thư chỉ định Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng các ban HĐND tỉnh, Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Quyết định của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên mới.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng (Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cũ) được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên mới.
Theo quyết định, Thường trực Tỉnh ủy gồm các đồng chí:
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.
Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Hưng Yên.
Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng công bố các quyết định quan trọng liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự sau sáp nhập ở cấp huyện, xã: Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện (cũ), thành lập các đảng bộ xã, phường mới; Chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phường mới; Chỉ định ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UBKT cấp xã, phường; Chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường mới; Quyết định của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.
Việc công bố đồng bộ các quyết định tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ từ cấp tỉnh đến cơ sở đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về mặt tổ chức bộ máy, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển đồng đều, bền vững của tỉnh Hưng Yên mới trong giai đoạn tới.
Tỉnh Hưng Yên mới – diện mạo mới, kỳ vọng lớn
Theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hưng Yên mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Sau sáp nhập, tỉnh Hưng Yên mới có: Diện tích hơn 2.500 km², dân số trên 3,5 triệu người, gồm 104 xã, phường.
Việc sáp nhập hai tỉnh có truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời, nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc, hệ thống hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ... hứa hẹn mở ra giai đoạn phát triển mới, năng động và hiệu quả hơn. Tỉnh Hưng Yên mới sẽ tận dụng lợi thế tổng hợp về con người, tài nguyên, địa chính trị để tăng tốc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, tinh gọn.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: Việc hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình thành tỉnh Hưng Yên mới mở ra không gian phát triển rộng lớn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cả hai địa phương – vùng biển, kinh tế biển kết hợp với vị trí cận kề Thủ đô để hình thành một cực tăng trưởng mới của vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh Hưng Yên mới sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, kinh tế biển và năng lượng mới, đô thị văn minh, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Đồng thời, việc sáp nhập còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của phố Hiến xưa – Hưng Yên và “quê lúa đất nghề” Thái Bình.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh vai trò then chốt của khối đại đoàn kết toàn dân, đề cao lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đoàn kết là chân lý của mọi thời đại”. Đồng chí yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thích ứng nhanh với mô hình chính quyền hai cấp. Đồng chí cũng lưu ý Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên phải chỉ đạo kịp thời, hiệu quả mọi công việc ngay từ ngày 01/7/2025, không để gián đoạn hay bị động. Cán bộ, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ phải được bảo đảm đầy đủ, phục vụ tốt nhất cho người dân. Chủ tịch MTTQ Việt Nam cũng đề nghị tỉnh chuẩn bị thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025–2030 theo tinh thần Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, với phương châm: “Một địa phương, một tầm nhìn”; xác định rõ mục tiêu, khâu đột phá, cơ chế huy động nguồn lực và phát huy cao độ trí tuệ, khát vọng cống hiến của toàn dân.
Lễ công bố là dấu mốc quan trọng, khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh trong tiến trình “Hợp nhất để phát triển – Sáp nhập để mạnh hơn – Vì tương lai quê hương, đất nước”.