Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy

Thứ năm - 10/07/2025 16:13
Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, đổi mới tổ chức chính quyền 2 cấp đang được Đảng, Nhà nước chỉ đạo triển khai một cách bài bản, khoa học và thận trọng. Đây là chủ trương lớn mang tính chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả – điều kiện tiên quyết để đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển mới. Tuy nhiên, lợi dụng quá trình này, các thế lực thù địch, phản động đã và đang gia tăng các hoạt động chống phá, tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc nhằm gây hoài nghi, chia rẽ niềm tin nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Trước thực trạng đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nhận diện rõ bản chất, mục tiêu của các luận điệu sai trái, đồng thời kiên định, tin tưởng và đồng hành cùng Đảng trong công cuộc đổi mới toàn diện vì lợi ích quốc gia – dân tộc.

Chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn phát triển đất nước

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ta đã xác định rõ yêu cầu: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết: số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 và số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trong giai đoạn 2023–2030. Các quyết sách này không chỉ dựa trên yêu cầu thực tiễn về tinh gọn bộ máy mà còn đặt ra mục tiêu dài hạn: xây dựng chính quyền hiện đại, gần dân, phục vụ dân, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, phát triển đô thị và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong giai đoạn 2019-2021, cả nước giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; tiết kiệm ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm từ giảm chi cho bộ máy, trụ sở, hội họp, đoàn thể… Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ qua sàng lọc, bố trí lại vị trí việc làm phù hợp, tránh tình trạng cồng kềnh, chồng chéo.

Giai đoạn 2023–2030, việc sáp nhập tiếp tục được triển khai với lộ trình khoa học hơn, đặc biệt là ở những địa phương có nhiều đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Chủ trương này không phải là hành động mang tính cơ học, hành chính, mà là bước đi có tính cải cách, hướng tới nền quản trị công hiệu quả, tạo nền tảng cho đổi mới mô hình phát triển quốc gia.
canh giac 1
Ảnh minh họa
Luận điệu xuyên tạc – hiểm họa không thể xem thường

Lợi dụng tính phức tạp, nhạy cảm và sức ảnh hưởng rộng lớn của việc sáp nhập đơn vị hành chính, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông bẩn nhằm gieo rắc hoang mang trong xã hội. Trên mạng xã hội và cá nhân thù địch, phản động đăng tải những bài viết, ý kiến xuyên tạc, chống phá. Chúng cho rằng, sáp nhập là do “ý chí chủ quan” của cá nhân nhằm “ghi điểm, tạo dấu ấn” hoặc “triệt hạ đối thủ”; “sáp nhập một thời gian rồi sẽ tách ra vì lợi ích cá nhân”; “sáp nhập, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức cũng chỉ vì lợi ích nhóm”... Chúng rêu rao, tinh gọn bộ máy đã vi phạm dân chủ, “tập trung hóa quyền lực về tay một nhóm lãnh đạo”; việc sáp nhập các đơn vị, hợp nhất bộ máy chỉ là hình thức bề ngoài, tốn kém ngân sách, tiền của của nhân dân; ngụy biện “Việt Nam không có tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy”…

Không chỉ vậy, các đối tượng phản động còn cố tình khoét sâu vào những khó khăn nhất thời của người dân khi thay đổi địa giới, mã hành chính, giấy tờ tùy thân... để kích động tâm lý bất bình, nghi ngờ, từ đó gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là chiêu bài quen thuộc, nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” – âm mưu phá hoại từ bên trong bằng cách làm suy yếu niềm tin vào chế độ, vào Đảng.

Nếu không tỉnh táo, một bộ phận người dân có thể bị lôi kéo bởi những thông tin thiếu kiểm chứng, dẫn đến hoang mang, dao động, thậm chí phản ứng cực đoan. Điều này đe dọa nghiêm trọng tới sự ổn định xã hội, ảnh hưởng đến tiến trình cải cách bộ máy Nhà nước, một trong những nội dung then chốt trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Khẳng định quyết tâm chính trị vì tương lai phát triển bền vững

Trước những thách thức đó, Đảng và Nhà nước luôn kiên định lập trường: việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ nhằm tinh giản bộ máy, tiết kiệm ngân sách, mà còn hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân tốt hơn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn.

Ngay trong quá trình triển khai, các địa phương đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến nhân dân, cán bộ, đảng viên; thực hiện công khai, minh bạch, từng bước thuyết phục, tạo sự đồng thuận xã hội. Các vấn đề như đổi tên địa danh, tổ chức lại bộ máy cán bộ, điều chỉnh tài sản công, bảo tồn di sản văn hóa… đều được giải quyết thận trọng, có lộ trình và phù hợp với đặc điểm từng vùng miền.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh là một bước đi chiến lược trong tiến trình cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 34 tỉnh, thành; từ 10.035 xã, phường, thị trấn xuống còn 3.321 xã, phường, đặc khu. Đây không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về mặt địa giới hành chính, mà còn tạo ra những chuyển động sâu sắc trong cấu trúc kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tại nhiều địa phương, sau sáp nhập, mô hình chính quyền hai cấp ở cấp tỉnh và cấp xã đã bước đầu phát huy hiệu quả. Hệ thống hành chính trở nên linh hoạt hơn, giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, đồng thời khơi dậy nguồn lực đất đai, hạ tầng, nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, một bộ máy tinh gọn là điều kiện bắt buộc để tiếp cận các mô hình quản trị thông minh, phục vụ người dân mọi lúc, mọi nơi.

Theo các chuyên gia, việc sáp nhập còn góp phần quan trọng trong hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một bộ máy hành chính tinh gọn, hiện đại sẽ là bàn đạp để đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (GCI), đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu.

Cảnh giác, đấu tranh, lan tỏa niềm tin

Trước làn sóng xuyên tạc ngày càng tinh vi, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phản bác các thông tin sai lệch. Không chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng; tích cực tương tác, chia sẻ các nội dung chính thống, các bài viết phân tích rõ chủ trương, lợi ích của sáp nhập đơn vị hành chính.
canh giac 2
Trang Việt Tân đăng bài đả kích việc sáp nhập tỉnh, thành, phường, xã mới rồi rêu rao rằng, tình hình hiện tại “rối như canh hẹ”,
cán bộ đón chào việc sáp nhập bằng cách... “hối hả đốt tài liệu”.
Cùng với đó, báo chí, hệ thống truyền thông, đội ngũ người làm công tác tuyên giáo cần tiếp tục đi đầu trong công tác định hướng dư luận, giải thích cặn kẽ các chính sách, mô hình mới để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu, từ đó vững tin đồng hành cùng Đảng, cùng Nhà nước.

Mỗi địa phương cần phát huy dân chủ, kịp thời lắng nghe ý kiến người dân, chủ động đối thoại, giải quyết các khó khăn phát sinh trong quá trình sáp nhập. Khi người dân được lắng nghe, được phục vụ tốt hơn, tự thân họ sẽ trở thành “lá chắn” vững vàng trước mọi luận điệu xuyên tạc.

Sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy là một trong những bước đi mạnh mẽ trong tiến trình đổi mới thể chế, điều chỉnh mô hình quản trị quốc gia cho phù hợp với yêu cầu thời đại. Đây không chỉ là việc sắp xếp lại địa giới hay giảm biên chế đơn thuần, mà là chiến lược dài hạn để kiến tạo một nền hành chính phục vụ, vì dân, hướng đến phát triển bền vững.

Trước những tác động từ bên ngoài, việc mỗi người dân giữ vững niềm tin, đồng lòng, đồng thuận cùng Đảng, cùng Nhà nước chính là nền tảng vững chắc để chúng ta vượt qua mọi trở lực, đưa đất nước tiếp tục vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hội nhập, sáng tạo và thịnh vượng.

 
NLBHY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây