Xử lý loạt kiến nghị của tỉnh Ninh Bình sau buổi làm việc với Tổng Bí thư
Thứ sáu - 11/07/2025 10:41
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 6379/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc xử lý các kiến nghị của tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, trên cơ sở Thông báo số 240-TB/VPTW ngày 28/6/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình (trước đó là cụm 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình), Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển và tạo đột phá kinh tế - xã hội cho địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Ảnh: TTXVN
Liên quan đến đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch sử dụng đất để triển khai nhanh các dự án, sau đó cập nhật vào quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị trong quá trình sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, yêu cầu hai bộ sớm có văn bản hướng dẫn, trả lời tỉnh trước ngày 30/7/2025, bảo đảm đúng tinh thần phân cấp, phân quyền cho địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không qua đấu giá đối với các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình xây dựng, sửa đổi Luật Địa chất và Khoáng sản. Bộ này có trách nhiệm báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.
Đối với kiến nghị cho phép tỉnh quy hoạch và thu hút đầu tư vào một số dự án du lịch, sân golf tại vùng chiêm trũng (đất lúa một vụ) sản xuất không hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình rà soát, lập điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch, để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư phù hợp.
Về nhóm kiến nghị lớn liên quan đến hạ tầng chiến lược như nhà máy điện khí hóa lỏng, điện gió, cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu, cảng biển du lịch và 9 cây cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu nội dung quy hoạch và thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, Bộ Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu quy hoạch các cảng biển và phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có phản hồi cho tỉnh trước ngày 30/7/2025.
Riêng đối với quy hoạch cảng hàng không quốc tế và các cầu vượt sông, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 6227/BXD-KHTC ngày 3/7/2025 báo cáo lãnh đạo Chính phủ, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cùng các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các bước tiếp theo ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo chính thức.
Đối với kiến nghị xin hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10%), Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, cân đối trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đảm bảo phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến đề xuất ủy quyền cho tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt và vùng đệm di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xử lý và có văn bản trả lời địa phương trước ngày 30/7/2025.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình cùng các bộ, ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương thực hiện đầy đủ kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm theo Thông báo số 240-TB/VPTW và các nội dung nêu tại văn bản chỉ đạo này. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.