Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – Từ tinh thần đổi mới đến khát vọng hội nhập của Hưng Yên hôm nay
Thứ ba - 01/07/2025 10:39
“Những việc cần làm ngay”, cụm từ từng gây chấn động đời sống chính trị - xã hội Việt Nam vào cuối những năm 1980, là kết tinh của một tư duy cải cách dũng cảm, một tinh thần hành động không chậm trễ, không né tránh, không chờ đợi. Nó không chỉ là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim một người cộng sản bản lĩnh, kiên định và đầy trách nhiệm – Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Hơn ba thập kỷ trôi qua, tinh thần ấy vẫn là kim chỉ nam, truyền cảm hứng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, cho mỗi địa phương trên hành trình phát triển, trong đó có quê hương ông – tỉnh Hưng Yên.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. (Ảnh tư liệu)
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2025), người con ưu tú của mảnh đất Giai Phạm (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cũ) giàu truyền thống cách mạng, khi Hưng Yên đang bước vào một chặng đường phát triển mới với việc hợp nhất cùng Thái Bình thành tỉnh Hưng Yên mới, chúng ta càng thêm thấm thía giá trị thời sự và thực tiễn của tư tưởng đổi mới mà ông để lại. Đó không chỉ là cải cách kinh tế, mà còn là tầm nhìn chiến lược về cải cách thể chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân, đúng như tinh thần đang được kế thừa và vận dụng hôm nay.
Từ ký ức thời bao cấp đến tầm vóc người khai mở
Một đồng nghiệp của tôi kể lại rằng, thuở nhỏ trong căn nhà tập thể đơn sơ thời bao cấp, cha anh – một cán bộ kỹ thuật, hàng ngày đều đặn mở tờ báo Nhân Dân, chăm chú đọc chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Khi ấy, cậu bé chưa hiểu hết nội dung, chỉ thấy ánh mắt cha sáng lên mỗi lần giảng giải điều đúng, điều sai, sự chính trực của người cán bộ. Lớn lên, anh mới hiểu: đằng sau những dòng chữ ngắn gọn ấy là cả một tấm lòng vì nước, vì dân, là tư tưởng sắc sảo, là bản lĩnh của người đứng đầu Đảng, đang chèo lái con thuyền đất nước qua những ngày gian khó.
Khi sớm thấy những căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc Đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn”, là lực cản đối với sự nghiệp phát triển đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã công khai trước công luận “Những việc cần làm ngay” với 31 bài báo từ số đầu tiên ngày 25/5/1987 đến số cuối cùng ngày 28/9/1990 trên báo Nhân Dân. Mỗi bài là một tiếng nói dũng cảm, thẳng thắn chỉ ra tiêu cực, phê phán những biểu hiện trì trệ, cửa quyền, tham nhũng trong bộ máy công quyền. Nhưng hơn thế, đó còn là sự cổ vũ cho những tấm gương đổi mới sáng tạo, những con người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chúc Tết tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng (cũ). (Ảnh tư liệu)
Thời điểm đó, khi đất nước còn lúng túng trước ngã rẽ chuyển mình từ cơ chế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, những bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh không chỉ truyền đi một luồng sinh khí cải cách, mà còn giúp củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, điều vô cùng quý giá sau nhiều năm khó khăn, khủng hoảng.
Người mở lối tư duy cải cách toàn diện
Được coi là kiến trúc sư trưởng của công cuộc đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh,Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, không chỉ đổi mới về kinh tế, mà sâu xa hơn, ông đã khơi thông tư duy cải cách toàn diện: từ tư duy bao cấp sang thị trường; từ hành chính mệnh lệnh sang phục vụ nhân dân; từ trì trệ, sợ trách nhiệm sang hành động quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tư tưởng ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính: xây dựng chính quyền 2 cấp, nhằm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian, khai thông nguồn lực. Chính việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên – Thái Bình thành tỉnh Hưng Yên mới là bước đi cụ thể của tư tưởng đổi mới ấy.
Đây không đơn thuần là sự kiện hành chính, mà là một cuộc tái cấu trúc toàn diện, đòi hỏi tầm nhìn, bản lĩnh và cả sự đồng thuận của hệ thống chính trị và người dân. Nó phản ánh đúng tinh thần mà đồng chí Nguyễn Văn Linh từng nhấn mạnh: “Phải dám làm, dám thay đổi vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển đất nước”.
Tinh thần đổi mới, nền tảng cho hội nhập và phát triển
Ngược lại dòng lịch sử, chính nhờ đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng khởi xướng, mà người đề xuất, thực thi nổi bật là đồng chí Nguyễn Văn Linh: Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển, ổn định và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tư tưởng đổi mới ấy không dừng lại ở cải cách thể chế kinh tế mà còn mở ra những cánh cửa về tư duy hội nhập, học hỏi tinh hoa thế giới, trên nền tảng giữ vững độc lập, chủ quyền và định hướng XHCN. Có thể nói, nếu không có “Những việc cần làm ngay” năm ấy, sẽ khó có được những “việc lớn cần làm” hôm nay: từ ký các hiệp định thương mại tự do mới được hình thành đến xây dựng chính phủ số, xã hội số, hay tổ chức lại không gian hành chính 2 cấp Đảng và Nhà nước đang triển khai như hiện nay.
Hưng Yên hôm nay – tiếp nối tư tưởng cải cách
Là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Hưng Yên luôn tự hào là cái nôi của tinh thần đổi mới, nơi ươm mầm cho những tư tưởng dám nghĩ, dám làm. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực về thu hút đầu tư, cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Quảng trường Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên.
Việc hợp nhất với Thái Bình thành tỉnh Hưng Yên mới không chỉ là bước chuyển về địa giới hành chính, mà còn là sự hội tụ của hai dòng chảy đổi mới và phát triển, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bứt phá trong thời kỳ mới.
Trong thời điểm lịch sử này, việc học tập và vận dụng tinh thần đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc. Đó là thái độ không trì hoãn trước cái mới, không chấp nhận sự dễ dãi, bằng lòng, mà luôn khát khao vươn lên, kiến tạo những giá trị bền vững vì lợi ích chung.
Quê hương Hưng Yên không chỉ tự hào vì có người con ưu tú Nguyễn Văn Linh - một vị Tổng Bí thư xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, mà còn nhận được di sản tinh thần quý giá: bản lĩnh cải cách, tư duy đổi mới, tinh thần phụng sự nhân dân. Đó là di sản không chỉ cần được gìn giữ, mà còn phải được vận dụng linh hoạt, sáng tạo để trả lời những bài toán mới của thời đại hội nhập, của chính quyền số, công dân số, nền kinh tế số.
Khi tỉnh Hưng Yên mới chính thức thành lập, giữa bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, việc tiếp nối tư tưởng cải cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh chính là cách tốt nhất để kết nối di sản với tương lai, để “việc cần làm ngay” hôm nay trở thành nền tảng cho những việc lớn cần làm tiếp theo trên hành trình phát triển vì dân giàu, nước mạnh.