Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách người có công: Giá trị trường tồn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thứ hai - 14/07/2025 16:48
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc đến những người có công với đất nước. Trong suốt hành trình cách mạng, Người không chỉ trực tiếp chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ mà còn đặt nền móng tư tưởng cho chính sách hậu phương quân đội, chăm lo các gia đình có công. Tư tưởng ấy đến nay vẫn là ngọn đuốc soi đường cho công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, là sợi chỉ đỏ trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
tu tuong ho chi minh 1
Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, ngày 2/9/1955. (Ảnh tư liệu)
Lòng tri ân là đạo lý của dân tộc

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… những câu tục ngữ giản dị mà sâu sắc ấy chính là mạch nguồn chảy xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác chăm lo người có công với cách mạng. Người từng nhiều lần nhấn mạnh: Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho dân tộc. Vì vậy, chúng ta phải biết ơn, phải chăm sóc họ như những người thân yêu trong gia đình mình.

Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là niềm vinh dự, là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền, trong bối cảnh đất nước vừa mới độc lập, còn muôn vàn khó khăn, Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến công tác thương binh, liệt sĩ. Ngày 27/7/1947, theo chỉ thị của Người, Đảng và Nhà nước đã chọn làm ngày Thương binh toàn quốc – tiền thân của Ngày Thương binh - Liệt sĩ ngày nay. Hồ Chí Minh căn dặn: Thương binh là những người đã hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ họ. Giúp đỡ thương binh là một nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta.

Tư tưởng về chính sách người có công của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở sự tri ân mang tính tình cảm hay đạo đức thuần túy, mà là một chủ trương chính trị nhất quán. Người coi việc chăm lo thương binh, liệt sĩ và gia đình có công là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chính vì thế, ngay trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, Người vẫn chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho công tác này.

Từ năm 1947, Đảng và Chính phủ đã ban hành được chính sách đối với thương binh và thân nhân liệt sĩ. Cùng với đó là bộ máy tổ chức đảm nhiệm công tác này được thành lập từ trung ương xuống đến địa phương. Ngày 27- 7 hằng năm trở thành Ngày Thương binh (đến năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ). Đây là ngày để nhân dân cả nước tri ân những đóng góp to lớn của thương binh, liệt sĩ đối với Tổ quốc. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh: Cội nguồn của chính sách người có công

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách người có công không chỉ là hành động thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” mà còn là nền tảng để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Người nhiều lần nhấn mạnh rằng chính sách hậu phương quân đội là một trong những yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Để cuộc kháng chiến thành công, cần có sự đồng lòng và nỗ lực cả ở mặt trận và hậu phương. Ngoài việc chiến đấu anh dũng trên chiến trường, hậu phương cần thi đua tăng gia sản xuất, giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ. Lời dạy này của Bác có ý nghĩa sâu sắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai yếu tố: Mặt trận, nơi diễn ra các hoạt động quân sự, chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, đòi hỏi sự anh dũng, kiên cường của người lính. Hậu phương, nơi cung cấp sức người, sức của, vật chất, tinh thần cho tiền tuyến. Thi đua tăng gia sản xuất là để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo cho bộ đội và nhân dân; giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, tri ân của toàn xã hội đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho cuộc kháng chiến. Chỉ khi cả hai mặt trận và hậu phương cùng chung sức, đồng lòng, cuộc kháng chiến mới có thể giành thắng lợi. Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và là bài học vô giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ở đây, tư tưởng của Người thể hiện tầm nhìn chiến lược về mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương. Người có công không chỉ là thương binh, liệt sĩ mà còn bao gồm cả những người tham gia kháng chiến, người phục vụ cách mạng, những chiến sĩ bị địch bắt tù đày… Công lao ấy cần được ghi nhận, trân trọng và chăm lo đầy đủ.

Đối với Bác Hồ, việc giúp đỡ người có công không phải là ban ơn hay làm từ thiện, mà là thực hiện bổn phận của Nhà nước và nhân dân đối với những người đã hy sinh cho cách mạng. Người nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải làm cho những người có công với nước được ấm no, được hạnh phúc. Đó là trách nhiệm chứ không phải là sự ban phát”.

Và tư tưởng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho quá trình hình thành và phát triển các chính sách về người có công của Nhà nước ta. Từ chính sách thương binh, liệt sĩ những năm đầu kháng chiến đến Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đang thực hiện như hiện nay, tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gieo hạt giống nhân nghĩa, gặt mùa đoàn kết

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của lòng nhân ái và sự đoàn kết trong xây dựng đất nước. Chính sách người có công là một cách để vun đắp, bồi dưỡng những giá trị nhân văn đó. Người dặn dò: Chúng ta phải chăm lo cho người có công như là cách giữ gìn, phát triển sức mạnh đoàn kết dân tộc, để mọi người cùng nhau xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, hạnh phúc.

Đặc biệt, trong các bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi chung chung mà còn cụ thể hóa thành những hành động thiết thực. Người đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể cần: Thăm hỏi, động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; Tạo điều kiện cho thương binh học nghề, có việc làm phù hợp với sức khỏe; Ưu tiên con em các gia đình liệt sĩ, thương binh trong học tập, công tác; Xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” bằng sự đóng góp tự nguyện của toàn dân.

Tinh thần đó đã ăn sâu vào lòng người dân Việt Nam, trở thành phong trào xã hội rộng lớn. Đến nay, việc xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, phụng dưỡng gia đình liệt sĩ, giúp đỡ thương binh nặng… đã trở thành hoạt động thường xuyên của toàn xã hội.
tu tuong ho chi minh 2
Bác Hồ với các Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 28/2/1969. Ảnh: Tư liệu
Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục khẳng định quan điểm kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách người có công. Nghị định 77/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là bước hoàn thiện mới nhất, đảm bảo chính sách ngày càng toàn diện, công bằng, kịp thời và hiệu quả.

Hiện nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sĩ, và hơn 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm ngàn thương binh, bệnh binh, người bị tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Chính sách ưu đãi người có công được triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực: trợ cấp, chăm sóc y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, tín dụng, đào tạo nghề… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Một số đối tượng có công còn thiệt thòi về vật chất, đời sống tinh thần chưa thực sự được bảo đảm. Công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, chính sách đối với người tham gia kháng chiến chưa được công nhận cần tiếp tục được quan tâm, xử lý thấu đáo. Điều đó đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, nhân nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách người có công là di sản tinh thần vô giá, thể hiện sâu sắc đạo lý, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Đó không chỉ là đạo đức truyền thống, mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội nhân ái, đoàn kết, nghĩa tình.

Trong hành trình phát triển đất nước hôm nay và mai sau, việc thực hiện tốt chính sách người có công chính là thước đo thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn, đồng thời khẳng định tính ưu việt của chế độ - chế độ vì con người, vì nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Những chính sách và hành động đền ơn, đáp nghĩa thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần làm vơi đi những đau thương, mất mát đối với các thương binh và thân nhân liệt sĩ.

 
NLBHY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây