Nói không với quảng cáo sai sự thật: Quyết liệt dọn rác trên không gian mạng
Chủ nhật - 20/07/2025 09:12
Trong bối cảnh không gian mạng phát triển bùng nổ, quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là quảng cáo bởi người nổi tiếng và người có ảnh hưởng (KOLs), đang ngày càng đóng vai trò then chốt trong quyết định tiêu dùng của công chúng. Tuy nhiên, khi lợi nhuận trở thành mục tiêu hàng đầu, không ít nghệ sĩ, KOLs bất chấp đạo đức nghề nghiệp và quy định pháp luật, tham gia quảng bá các sản phẩm kém chất lượng, sai sự thật hoặc thậm chí là vi phạm pháp luật. Theo Báo cáo 6 tháng đầu năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho thấy một thực trạng đáng lo ngại, nhưng đồng thời cũng khẳng định nỗ lực quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc lập lại trật tự và “dọn rác” trên không gian mạng.
Người tiêu dùng đã đặt niềm tin vào các nghệ sĩ quảng cáo các sản phẩm sữa tăng trưởng chiều cao để mua sản phẩm sữa không đảm bảo cho con
(Ảnh minh họa)
Nghệ sĩ - KOLs quảng cáo sai sự thật: Hệ lụy khôn lường
Hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội, từ các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube đến Instagram. Điều đáng nói là nhiều quảng cáo được phát ngôn với những lời lẽ “có cánh”, gán cho sản phẩm công dụng như “thần dược”, chữa bách bệnh, mà không có bất kỳ kiểm chứng khoa học nào.
Điển hình, trong nửa đầu năm 2025, người sáng tạo nội dung - ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) đã bị xử phạt hành chính vì quảng cáo sai sự thật cho kẹo rau củ Kera và yến sào LoiNest. Các nội dung quảng cáo này gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chất lượng và công dụng thực tế của sản phẩm. Hay với nghệ sĩ Mai Huyền Linh (MC Quyền Linh) cũng bị nhắc nhở vì quảng bá thực phẩm chức năng bằng cách mô tả công dụng không phù hợp với hồ sơ sản phẩm được cơ quan quản lý phê duyệt. Trường hợp diễn viên Doãn Quốc Đam còn bị phát hiện quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi – một nhóm sản phẩm bị cấm quảng cáo theo luật hiện hành.
Những hành vi quảng cáo sai lệch như trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe và tài chính của người dân, nhất là các nhóm yếu thế như người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Cơ quan quản lý vào cuộc: Không còn vùng cấm
Hằng "Du Mục" bị bắt tạm giam với cáo buộc lừa dối khách hàng. Khi livestream bán hàng, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo kẹo "có thể thay cho rau xanh trong bữa ăn"
- hành vi quảng cáo sai sự thật về sản phẩm
Trước thực trạng trên, Bộ VHTT&DL đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn khác triển khai loạt biện pháp xử lý vi phạm. 6 tháng đầu năm 2025, Bộ đã xử phạt hành chính các cá nhân vi phạm, đồng thời đưa ra biện pháp nhắc nhở công khai đối với những trường hợp chưa đủ điều kiện xử phạt do hết thời hiệu pháp lý.
Ngoài xử lý cá nhân, cơ quan chức năng cũng đã gỡ bỏ 02 website và 04 đường link trên Facebook chuyên quảng bá các nội dung vi phạm an toàn thực phẩm. Đây là minh chứng cho thấy cơ quan quản lý không chỉ xử lý người nổi tiếng mà còn xử lý cả các nền tảng, tổ chức đứng sau các chiến dịch quảng bá thiếu minh bạch.
Đáng chú ý, chiến dịch “làm sạch” không gian mạng của Bộ VHTT&DL đã mở rộng ra cả các nền tảng xuyên biên giới. Cụ thể, hơn 3.000 bài viết trên Facebook, 913 video cùng 7 kênh YouTube (với tổng cộng khoảng 12.000 video) vi phạm đã bị gỡ bỏ. Trên TikTok – nền tảng có sức ảnh hưởng sâu rộng đến giới trẻ, Bộ VHTT&DL đã xử lý 1.284 nội dung vi phạm, gồm hơn 5.600 video, 9 bản ghi âm và 724 tài khoản liên quan đến hơn 35.500 video.
Sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung xấu, độc vẫn tràn lan trên mạng. Ảnh minh họa.
Không dừng lại ở đó, 148/219 trò chơi điện tử không phép phát hành trên Apple Store và Google Play đã bị chặn, cho thấy nỗ lực của Bộ VHTT&DL trong việc bảo vệ người dùng trước nguy cơ tiếp xúc với các sản phẩm giải trí có nội dung độc hại, phản cảm.
Hiện nay, hoạt động quảng cáo được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp lý như Luật Quảng cáo 2012, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vào không gian mạng vẫn gặp nhiều khó khăn do tốc độ phát tán thông tin quá nhanh, sự đa dạng về nền tảng và rào cản quản lý đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Một trong những lỗ hổng lớn nhất là việc nghệ sĩ, KOLs thường hoạt động dưới dạng cá nhân hoặc hợp đồng cộng tác viên, khiến cơ quan chức năng khó xác định trách nhiệm pháp lý. Ngoài ra, việc phân định giữa “chia sẻ trải nghiệm cá nhân” và “quảng cáo” chưa rõ ràng khiến không ít trường hợp lợi dụng điều này để lách luật.
Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật hiện vẫn chưa đủ sức răn đe. Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức phạt tối đa đối với hành vi quảng cáo sai sự thật là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, con số không đáng kể so với lợi nhuận hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mà một bài quảng cáo có thể mang lại cho nghệ sĩ hay đơn vị sản xuất.
Cần luật hóa trách nhiệm và tăng cường phối hợp
Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức phạt tối đa đối với hành vi quảng cáo sai sự thật là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức,
con số không đáng kể so với lợi nhuận hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mà một bài quảng cáo có thể mang lại cho nghệ sĩ hay đơn vị sản xuất.
Trước những thách thức nói trên, việc xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp với đặc thù của môi trường số là yêu cầu cấp thiết. Một số định hướng và giải pháp cần được xem xét trong thời gian tới, gồm: Luật hóa trách nhiệm của nghệ sĩ và KOLs, cần bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân khi tham gia quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo liên quan đến sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Những cá nhân có ảnh hưởng lớn phải chịu trách nhiệm như một bên liên quan trong chuỗi cung ứng thông tin; Xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho người nổi tiếng, Bộ VHTT&DL có thể phối hợp với các hiệp hội truyền thông và giới nghệ sĩ để xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử khi tham gia quảng cáo, trên tinh thần đạo đức nghề nghiệp và tôn trọng pháp luật; Tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và Bộ Công an là yếu tố then chốt trong việc chia sẻ thông tin, giám sát và xử lý vi phạm; Áp dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn (Big Data), cơ quan quản lý cần đầu tư vào các công cụ giám sát thông minh, có khả năng phát hiện sớm và tự động hóa quá trình rà soát nội dung vi phạm trên mạng xã hội; Siết chặt nền tảng xuyên biên giới, đối với các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, cần có cam kết ràng buộc về mặt pháp lý, yêu cầu đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam và tuân thủ quy định pháp luật trong nước; Giáo dục người tiêu dùng, song song với việc xử lý vi phạm, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, giúp họ trở thành người tiêu dùng thông minh, có khả năng phân biệt quảng cáo đúng sai, từ đó góp phần làm lành mạnh hóa thị trường.
Chiến dịch “nói không với quảng cáo sai sự thật” và nỗ lực “quét sạch rác mạng” của Bộ VHTT&DL không chỉ là biện pháp tức thời mà là bước đi lâu dài nhằm xây dựng một môi trường truyền thông số lành mạnh, an toàn, đáng tin cậy. Trong cuộc chiến chống lại những hành vi phi đạo đức và phi pháp trên không gian mạng, sự vào cuộc đồng bộ của nhà nước, nghệ sĩ, doanh nghiệp và cộng đồng chính là chìa khóa để hướng tới một xã hội thông tin minh bạch, văn minh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.