Tròn 60 năm lời Bác Hồ dạy các nhà báo: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BÁO CHÍ, PHÊ BÌNH PHẢI CHẮC ChẮN, TRÁNH THỔI PHỒNG THÀNH TÍCH

Thứ năm - 29/09/2022 10:17
Ngày 8 tháng 9 năm 1962, Bác Hồ đã đến nói chuyện với Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Nội dung buổi nói chuyện hôm đó thể hiện sự quan tâm ân cần của Người dành cho báo giới. Sự kiện này đã tròn 60 năm. Những điều Bác dặn ngày ấy cần được ôn lại, để mỗi cơ quan báo chí, cũng như mỗi phóng viên làm tốt hơn công việc của mình.
111
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo năm 1960
Mở đầu, Người nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời chào các đại biểu. Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến sau đây.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 613, NXB Chính trị Quốc gia).

Người nói tiếp: “Từ ngày hòa bình được lập lại, cán bộ báo chí, thông tin và đài phát thanh đã có cố gắng nhiều và tiến bộ. Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều ngành cũng có báo. Hiện nay, đã có 150 tờ báo các loại. Theo ý tôi thì tăng hơi nhiều quá. TỪ NAY, CẦN PHẢI NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG CỦA BÁO CHÍ để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó.”

“Phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí”, đó là nội dung quan trọng đầu tiên mà Bác đã căn dặn báo chí trong buổi nói chuyện. Và Bác nhắc nhở: Báo chí phải phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, tuyên truyền phát triển kinh tế văn hóa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống bọn xâm lược và bọn bán nước tại miền Nam...

Lời Bác dạy: Không cần tăng nhiều về số lượng, mà cần tăng chất lượng của báo chí, đây đang là yêu cầu và đòi hỏi của báo chí, nhất là đối với báo chí các địa phương tỉnh thành. Báo chí có mới mẻ, có hấp dẫn thì mới thu hút được công chúng. Đáng tiếc là trên báo chí vẫn còn những tin bài viết theo kiểu báo cáo, lượng thông tin thấp, chưa thu hút được người xem.

Nội dung quan trọng thứ hai trong bài nói chuyện của Người là báo chí phải thực hiện phê bình và tự phê bình. Người nói: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng,“trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung mà không chịu trách nhiệm... Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo, lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt” (Hồ Chí Minh toàn tập, sách đã dẫn, trang 614).

Vừa nhắc nhở báo chí cần thận trọng chính xác trong đấu tranh phê bình, Bác Hồ đồng thời cũng căn dặn báo chí phải thực hiện tự phê bình. Người nói: “Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”. Như vậy là cách nay 60 năm, Bác Hồ đã yêu cầu báo chí phải thực hiện tự phê bình, phải để quần chúng góp ý phê bình báo. Thực hiện lời dạy của Bác, nhiều cơ quan báo chí luôn lắng nghe góp ý của công chúng, đồng thời mở hội nghị với cộng tác viên và bạn đọc nhằm cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền, nhờ đó tờ báo thêm tiến bộ, thu hút được nhiều độc giả. Nhưng cũng còn có cơ quan báo chí làm việc này cho có, thường là “đóng cửa bảo nhau”, hoặc “ăn cây nào rào cây đó” mà ít chịu mở mang học hỏi, nên chất lượng báo chí hạn chế, nội dung sơ sài, trình bày khuôn cứng...

Nội dung quan trọng thứ ba trong bài nói chuyện tại Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III của 60 năm trước là Bác Hồ nói về cách viết báo. Bác nói: “Sau đây, nếu các cô các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo:
  • Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời gian của quần chúng.
  •  Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.
  • Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.
  •  Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, để sau thì để trước, nên trước lại để sau...
  •  Có khi quá lố bịch” (Hồ Chí Minh toàn tập, sách đã dẫn, trang 614)
Bác căn dặn: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí của ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.

Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí của ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:
Viết cho ai xem?
Viết để làm gì?
Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?
Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.

Chớ tự ái, tự cho là bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta” (Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, trang 615)

Ôn lại lời dạy của Người 60 năm trước để các nhà báo học tập làm theo. Để chúng ta rèn luyện bản lĩnh và đổi mới văn phong, đặng NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BÁO CHÍ như Bác từng căn dặn.
                               

 
Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây