Anh với tôi đều cầm tinh con chó, nhưng anh sinh năm 1946, trước tôi tròn 1 giáp. Ngày tôi là chàng trung úy phóng viên mang ba-lô về nhập hộ khẩu ở “phố nhà binh” (Hà Nội) thì anh đã là Trung tá nhà văn chống Mỹ, danh nổi như cồn. Bởi vậy nên tuy nhà riêng của anh và trụ sở cơ quan của tôi cùng chung ngõ số 8 Lý Nam Đế, nhưng hằng ngày tôi chỉ dám ngắm anh qua ô cửa sổ, mỗi khi anh “hùng dũng” sải bước từ nhà riêng sang nhà số 4, trụ sở tạp chí Văn nghệ quân đội.
Ấy là khoảng cuối năm 1988, dạo ấy báo chí quân đội cũng được “cởi trói, bung ra” làm ăn theo cơ chế thị trường. Cơ quan tôi liên kết với Bộ tư lệnh Đặc công ra một phụ san chuyên đề “Những người mang áo cỏ” để kiếm thêm chút tiền tết. Tôi được phân công sang đặt nhà văn Chu Lai một bài về chuyện đặc công rừng Sác thời chống Mỹ, vì anh nguyên là lính đặc công “vùng ven” ngày ấy. Thế là tôi có cớ để diện kiến nhà văn thần tượng, ngay tại nhà riêng của anh.
Dạo ấy lịch treo tường cũng đang “bung ra” với mốt ảnh gái đẹp. Trong phòng khách kiêm phòng viết của Chu Lai cũng treo một cuốn lịch 12 tờ loại ấy, nhưng rất “độc”: Đó là lồ lộ 12 tòa thiên nhiên, “nuy” đến từng… centimet! Tôi không nhớ rõ đó là 12 cô gái Thái Lan hay Hồng Công, Hàn Quốc, nhưng chắc chắn đó là những thiếu nữ Á Châu và “gợi” đến… run rẩy cả chân tay. Thấy tôi cứ vừa nói chuyện vừa liên tục liếc xéo sang cuốn lịch khỏa thân, Chu Lai tủm tỉm: Chú mày được đấy! Để anh bảo chị Hồng kiếm cho một cuốn!
Chị Hồng là nhà văn Trung tá Vũ Thị Hồng, vợ anh Chu Lai, năm đó hình như là Phó Ban Phụ nữ Quân đội. Tưởng anh chỉ nói thế, không ngờ mấy hôm sau sang lấy bài, tôi được anh tặng 1 cuốn lịch y chang cuốn trên tường nhà anh. Đúng là quân tử nhất ngôn, tôi sướng đến tê người…
Bài viết của Chu Lai lần ấy có chi tiết một cô giao liên xắn quần tận bẹn dẫn đường cho tổ đặc công của anh trong đêm. Các anh lom khom vừa đi vừa bò sau cô, cứ nhằm vào đôi bắp chân trăng trắng, cái mông tròn lẳn nhấp nhô và mùi da thịt con gái phía trước mà tiến…
Tôi rất phục cái chi tiết trên đây của nhà văn. Nhưng sau này đọc anh, nghe anh nhiều, thấy cái môtíp này thường lặp đi lặp lại, kể cả những lúc anh đăng đàn nói chuyện với công chúng. Chỉ khác, có khi đấy là một nữ bác sĩ quân y ở Tây Nguyên, có khi là một cô TNXP ở Trường Sơn… và hầu như cuối truyện bao giờ các nhân vật ấy cũng đều hi sinh, để lại niềm thương tiếc rưng rưng...
Tôi “bóc mẽ” điều đó với Chu Lai, anh chẳng những không phật ý mà còn dốc bầu tâm sự: Cuộc chiến tranh sẽ nghèo đi nhiều lắm nếu không có những cô gái lẫn khuất trong rừng già, bóng dáng mềm mại của các cô làm mềm đi cả chết chóc. Nó làm tươi xanh lại những cánh rừng bom đạn. Chiến tranh ở Việt Nam luôn có quá nhiều gương mặt phụ nữ. Và người phụ nữ nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa tâm linh để dân tộc bươn chải, vượt qua tất cả các mốc lịch sử cam go, khốc liệt nhất...