“Cụ Đa” quê tôi

Thứ hai - 04/05/2020 10:43
Bầu trời hôm nay tuyệt đẹp. Gió hiu hiu thổi. Cây xanh xanh lá. Tôi tới đây, ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ thuộc thôn Trần Phú, xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, TP. Hưng Yên để thả hồn tận hưởng khoảng thời gian thanh bình.
111
Còn nhớ, nhiều năm về trước, tôi và đám bạn xưa từng đặt tên cho cây là “Cụ Đa” cho sinh động. Chúng tôi đã từng hỏi rất nhiều người về tuổi thọ của gốc cây đa này nhưng chẳng ai có thể cho câu trả lời chính xác. Có người nói khoảng 300 năm. Có người lai cho rằng khoảng 400 năm hoặc hơn. Nào ai biết cụ sinh ra chính xác từ bao giờ. Mà thực ra, cũng chẳng cần con số chính xác. Chỉ biết rằng, sự hiện diện của Cụ Đa đã đi vào ký ức đẹp đẽ cho bất cứ ai sinh ra và lớn lên nơi đây.

Lũ trẻ chúng tôi ngày đó không có nhiều sự lựa chọn cho tuổi thơ mà bây giờ thế hệ sau này khó có thể hình dung. Nơi này là lý tưởng để chúng tôi nô đùa, chạy nhảy và nghịch ngợm. Những trò chơi dân gian như “Bịt mắt bắt dê” “Mèo đuổi chuột” “Nu na nu nống”… sao mà vui đến thế. Lũ chúng tôi trốn ngủ trưa, hẹn nhau ra đây quậy phá. Rồi những tối khi các bà các mẹ mải mê đập lúa thì chúng tôi cũng hẹn hò rủ nhau í ới tụ tập ở đây kể chuyện “ma” tự bịa ra. Rồi ú òa, la cười bất tận vào đêm sáng trăng. Trung thu là dịp vui nhất vì có cớ không sợ bị người lớn la mắng.

Ở Việt Nam có rất nhiều cây đa cổ thụ nhưng nét độc đáo của Cụ Đa này ở quê tôi chính là ở dáng vẻ. Cụ Đa có dáng hình đẹp kỳ lạ, như bàn tay của nghệ nhân uốn lượn với lối đi xuyên qua, hệt như một cổng làng rất đỗi cổ kính mà lại duyên dáng. Có lần tôi đưa mấy người bạn quốc tế về chơi, tình cờ đi qua, họ phải thốt lên “Trời ơi! Không thể tin được có cây gì mà đẹp đến thế! Bạn thật may mắn khi có quê hương như vậy…”

Những ngày đông giá rét, tia nắng xuyên qua kẽ lá, thân cây xà xuống mặt đất, làm ấm cả một vùng. Còn mùa hè thì buổi sáng, khi đất trời vẫn đang ngái ngủ, lưu luyến chưa muốn rời xa đêm mặn nồng gió mát. Cụ Đa tỏa bóng mát miên man cho cả một khu vực rộng lớn. Những chiếc lá hiền hòa xào xạc khi gió thoảng ngang qua.

Thấm thoát bao năm rồi, Cụ Đa vẫn với vẻ đẹp xù xì, gân guốc. Nét đẹp của màu thời gian sừng sững trên mảnh đất này. Ngày qua ngày, giờ đây hình ảnh Cụ Đa vẫn không ngừng là địa điểm thân thương của người dân quê tôi.

Bây giờ bọn trẻ không còn chơi nhiều trò dân gian như lũ chúng tôi xưa kia nhưng vẫn rủ nhau đến đây nô đùa. Còn các bà, các mẹ đi chợ ngang qua thì rủ nhau dừng chân, nghỉ ngơi vài phút dưới gốc cây để tận hưởng không gian tĩnh mịch, yên ả dưới vòm lá. Nói dăm ba câu chuyện về thời cuộc hoặc kể nhau nghe về chuyện riêng tư. Cụ Đa chứng kiến đủ chuyện vui buồn. Bão táp, phong ba có đôi lúc làm mất đi một vài nhánh lớn, rồi cũng có lần thương tích do bọn trẻ tinh nghịch nhưng nhìn chung Cụ vẫn bao dung dân làng, vẫn hiền hòa ôm ấp.

Tôi làm trong ngành nghiên cứu khoa học. Mỗi lần có tâm trạng hay vướng mắc trong công việc thì đã thành thói quen, tôi luôn tới nơi này. Núp dưới bóng của Cụ Đa, như mong được nhận chút năng lượng tích cực của tổng hòa trời, đất, cây xanh để cân bằng lại bản thân. Mà rất hay, mỗi lần ra về đều có ý tưởng mới hoặc một giải pháp thú vị, làm cho tôi như càng yêu quý thêm Cụ Đa và không gian nơi đây.

Ơn trời, ơn đất, ơn Đa
Phong ba bão táp vẫn là hiên ngang
Dẫu cho đi khắp
 
Khánh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây