Thương tiếc một tài năng quê nhãn - Nhà giáo nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn
Thứ ba - 05/05/2020 14:57
Hôm qua mồng 4 tháng 5, Lễ tang nhà giáo nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn được tổ chức trang trọng, ấm cúng và ngập tràn tiếc thương tại số 5 Trần Thánh Tông- Hà Nội. Tuy còn ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng rất đông họ hàng người thân và bạn bè đã về vĩnh biệt anh. Đoàn họ nội tại xã Hạ Lễ huyện Ân Thi, cũng như rất đông thuộc gia đình vợ anh vô cùng đau buồn trước sự ra đi khi tài năng đang độ chín của anh. Tới viếng anh, có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện cuả các Vụ thuộc Bộ Giáo dục, đại diện các Sở Giáo dục trong toàn quốc, đại diện một số trường đại học, trong đó có Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm 2 Xuân Hòa – Nơi anh từng giảng dạy, đại diện một số nhà xuất bản, các bạn văn thơ cùng đông đảo học trò của anh. Ngoài họ nội tại huyện Ân Thi, đông đảo giáo giới tại Hưng Yên và bạn bè cùng học, các thầy cô giáo cũ cũng có lời chia buồn và có thơ khóc Nguyễn Trọng Hoàn: "... Đầu bạc khóc thương nơi trần thế. Trời xanh có thấu nỗi đa đoan". Đoàn của Sở Giáo dục Hưng Yên đầy đủ ban lãnh đạo cùng các phòng chuyên môn do Giám đốc Nguyễn Văn Phê dẫn đầu...
Thay mặt Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ- Trưởng ban tang lễ đọc điếu văn khẳng định những đóng góp của anh đối với giáo dục nước nhà: Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoàn nhiệt tình đổi mới giảng dạy và tham gia nhiều đề tài, công trình nghiên cứu về giáo dục, anh đồng thời mang tâm hồn nghệ sỹ có nhiều bài thơ hay cùng những tiểu luận phê bình sâu sắc, được giáo giới và học trò yêu quý khâm phục...
Con trai trưởng của anh mới ngoài 20 và vừa nhận việc tại một Tập đoàn kinh tế lên đáp lễ và cảm tạ càng làm cho mọi người đau đớn thắt nghẹn giụa giàn nước mắt, còn vợ Hoàn thì ngã ngất ra.
Bởi những ai đã được làm việc với Nguyễn Trọng Hoàn đều yêu mến sự tốt bụng và tận tâm của anh, đồng thời khâm phục sức làm việc cũng như tài năng về phương diện giáo dục cùng tâm hồn nghệ sỹ thi ca của anh.
Nguyễn Trọng Hoàn sinh năm 1963 tại xã Hạ Lễ huyện Ân Thi. Anh là học sinh giỏi văn. Anh học khoa Văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, anh về dạy tại Đại học Sư phạm 2 Xuân Hòa, rồi làm phó bộ môn Ngữ văn, kiêm Phó Bí thư Đoàn trường. Anh làm luận văn tiến sỹ Ngữ văn khi mới ngoài 30 tuổi. Năm 1998, anh cùng vợ chuyển về Hà Nội, anh làm chuyên viên rồi được đề bạt Vụ phó vụ Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục Đào tạo. Cũng bởi tình yêu anh dành cho thơ văn mà năm 2008 anh đã tham gia và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Dù ở cương vị công tác nào Nguyễn Trọng Hoàn cũng say mê giảng dạy, say mê nghiên cứu và sáng tác văn thơ. Anh đi giảng dạy khắp nước, lúc thì giảng tại Cần Thơ, khi thì nói chuyện thơ tại Huế, hoặc bàn về văn thơ tại Đại học Thái Nguyên... Anh còn tham gia hướng dẫn nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ cho cán bộ giáo dục. Sinh viên rất mê tài năng văn học cùng sự duyên dáng tinh tế của anh. Mắt Hoàn sáng và nụ cười đôn hậu. Anh sống gần gũi và quan tâm tới mọi người. Một người bạn của Hoàn từng nói: Người ta chín bỏ làm mười, còn Hoàn nhiều khi một, hai cũng cho được làm mười, Hoàn độ lượng và bao dung là thế. Ai nhờ việc gì là Hoàn giúp ngay. Xin việc về Hà Nội khó là vậy nhưng với bè bạn Hoàn luôn sẵn lòng. Bố mất sớm nên bận mấy Hoàn thường hay về Hạ Lễ thăm mẹ, ăn với mẹ bữa cơm, đùa vui với mẹ vài câu, và ôm mẹ rồi đi. Mẹ Hoàn đã ngoài tám mươi. Được tin con trai cả mất, bà khóc cả ngày...
Nguyễn Trọng Hoàn mắc bệnh ung thư và hưởng dương 58 tuổi. Bộ đang chuẩn bị bổ nhiệm anh làm vụ trưởng thì anh bệnh trọng. Anh ra đi đúng lúc tài năng đang độ chín. Nhiều dự định còn đang dang dở. Nhưng với hàng trăm đề tài và công trình về giáo dục, 11 tập thơ và hàng chục tập phê bình văn học in chung in riêng, cùng nhiều giải thưởng văn thơ đã làm nên một Nguyễn Trọng Hoàn đa tài. Anh đích thực là một tài năng của quê Nhãn Hưng Yên. Vượt lên tầm nhìn của miền quê vốn đồng chiêm trũng và lũy tre làng, Nguyễn Trọng Hoàn đã say mê học tập nghiên cứu, khám phá và cống hiến. Ở anh còn là sự tận tụy và bao dung với mọi người. Ngày kỉ niệm 40 năm mái trường Nguyễn Trung Ngạn, anh thay mặt bao lớp học trò phát biểu cảm ơn các thầy cô luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Cũng tại lễ kỉ niệm đó, vang lên bài thơ của anh sáng tác:
“Những cây bàng vẫn giãi bền mưa nắng Mỗi búp non đã rắn rỏi một thân cành Mỗi tán lá một lớp người cất bước Thầy đã đi xa, mùa xuân gọi xanh chồi”
Bây giờ Nguyễn Trọng Hoàn đã đi xa. Và những trang sách của anh, những tình cảm của anh cũng đang là “mùa xuân gọi xanh chồi”