1948 - Mùa thơ hoa lửa

Thứ tư - 17/02/2021 10:32

Tạp chí Văn nghệ số đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc tháng 3 năm 1948 đăng bút ký Nhận đường của Nguyễn Đình Thi viết vào đêm giao thừa năm ấy. Nói là vài giờ nữa năm dân chủ cộng hòa thứ tư rồi.

Đêm nay yên tĩnh. Nhưng ngay bên kia sông Cái, các anh bộ đội mặt vàng sốt rét, đang lội bùn quần nhau với chúng nó ở những nơi thăm thẳm tên là Thu Cúc, Nghĩa Lộ, Đồn Vàng... Nhã Nam, Ấp Sậu... Cả một miền đồng bằng của chúng ta những lũy tre bị đốt vàng, những nền nhà cháy đen, đồng bào tôi không có chỗ trú, ôm nhau trong mấy đống rơm còn sót lại ngoài đồng, những giọt mưa châm buốt... Rì rầm những câu chuyện kể từ dạo ấy đến giờ. Những anh lính Vệ quốc đoàn vừa đánh bại cuộc phản công thu đông 1947 của giặc Pháp, trong hoàn cảnh quần áo rách tả tơi được đồng bào thương quá gọi là ... "Vệ túm". Cơm ăn nước uống còn phải trải lá chuối và dùng ống bơ tre... Nhật ký chiến tranh Ở rừng của Nam Cao ngày 19/10/47 viết Đêm qua ngủ rừng, sáng dậy, mặt, cổ và tay chân bê bết máu vì vắt cắn… Nhưng chiến tranh và thơ ca tựa như hai ngọn lửa trong lịch sử loài người.

111
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924–2003)

Thi ca trước năm 1948 chưa có gì thật khởi sắc. Ngoại trừ một số bài tuy độc đáo nhưng đơn lẻ như súng nổ từng phát một ngoài mặt trận. Kể như Đèo Cả của Hữu Loan. Hải Phòng 19/11/1946 của Trần Huyền Trân... Đến nỗi trên tạp chí Văn nghệ số tháng 4 năm 1948, trong bài Chuyện T, Tố Hữu đã phải thổ lộ Có người nói: các nhà thơ dạo này xuống lắm, kém duyên sắc hồi trước khởi nghĩa nhiều. Rằng Lời phê bình ấy không phải chỉ riêng của một người... Nhưng dường như để tranh luận lại, tác giả của Từ Ấy khẳng định: Việc cho là các nhà thơ bây giờ xuống kém ngày xưa là một nhận định vội vàng... Tố Hữu đã dùng thơ của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương… để chứng minh không phải là thơ xuống như thế. Tiếc thay. Những trích dẫn ấy chưa đủ thuyết phục và ở một phương diện nào đó lại thấy điều ngược lại. Ví như trích thơ của Xuân Diệu Cắn răng lại, anh em ơi cứ bước. Loài anh hùng hẹn đến chốn vinh quang. Sao lại gọi là loài anh hùng được nhỉ? Ngay ở Văn nghệ số 3 đăng Nhớ mùa tháng 8 Xuân Diệu còn viết: Cụ Hồ về lần thứ nhất giao duyên. Với nước Việt, mà sao tình khăng khít, Tư tưởng thì rất tốt, nhưng sao lại gọi Bác Hồ về giao duyên được... Rõ ràng nhà thơ được mệnh danh là mới nhất của phong trào Thơ mới 30-45 đã tỏ ra quá cũ. Cũ hơn cả bản thân ông ấy rất nhiều… hồi trước 1945. Học giả Phan Khôi khi đó cũng lặn lội lên chiến khu Việt Bắc. Tác giả của bài Tình Già mà khi nó xuất hiện đã được Hoài Thanh huyền thoại hóa Ngày ấy là ngày 10 mars 1932, lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng, ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân bước ra trn bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật; Nhưng bây giờ cụ Phan Khôi nhà ta làm thơ tặng một vệ quốc quân giữa rừng già Việt Bắc, đã phải thừa nhận chỉ viết được hai bài tứ tuyệt và một bài thất ngôn bát cú theo Đường luật vì đã lâu không làm được thơ mới nữa. Thế là cả một thế hệ thành danh của một thời đại mới trong thơ ca - Phong trào Thơ Mới 1930-1945 không bắt nhịp kịp với thời cuộc. Chế Lan Viên thi vị hóa con đường ấy là những người từ thế giới một người đến thế giới nhiều người, từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui... phải một thời gian dài hơn cả cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm; 15 năm cho việc tìm lại sự xung mãn và khắc phục được chữ "xuống" hồi đầu kháng chiến. Nguyễn Đình Thi tâm sự Văn nghệ tự ném mình vào cuộc chiến đấu không những là để tự vệ mà nhất là để lột xác. Con đường ấy không chỉ giành cho một riêng ai, không chỉ cho những nhà thơ lớp trước mà cả những người trẻ tuổi. Đầu năm 1948, Văn Cao quần ống thấp ống cao, chống gậy đi thất thểu dưới trời mưa. Mặt trắng xanh. Dáng vội vã mà không ngăn được niềm vui lộ ra mặt vì vợ mới đẻ. Tô Hoài vừa đi vừa nhảy trên Đèo Khế, luôn đeo cái xắc sau lưng. Cắm cổ viết ngay gần mặt trận. Thanh Tịnh đi với Đặc ủy Đoàn sát dân chúng và bộ đội... Nguyễn Đình Thi tóc bù, lông mày rậm bụi râu ria, hý hoáy viết đến quá đêm gần sáng trong khi trời mưa như trôi cả núi rừng... Họ đã sống như thế trong bút ký của nhà văn Thao Trường để đi vào năm 1948, một thế hệ mới thi sỹ ở khắp các mặt trận đã về đích sớm hơn bậc đàn anh, làm nên năm 1948 của thi ca, một bước ngoặt của thơ chống Pháp, trong hoàn cảnh cuộc chiến đấu còn vô cùng khó khăn - Một thế hệ trẻ các nhà thơ chưa hề biết mặt thầm lặng xuất hiện, viết nên những bài thơ đặc sắc nhất của thời đại. Nhớ Máu của Trần Mai Ninh (Văn nghệ số 1 năm 1948). Ngoại Ô mùa đông 46  của Văn Cao (Văn nghệ số 2 - 1948). Nhớ của Hồng Nguyên. Đồng Chí của Chính Hữu. Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Không Nói, Sớm mát trong như sớm năm xưa, Đường Núi của Nguyễn Đình Thi (Văn nghệ số 6 tháng 10/1948). Cô lái đò của Thôi Hữu. Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông. Tây Tiến của Quang Dũng. Những thành phố trụi của Tố Hữu (Văn nghệ số 4 tháng 8/1948)... Tất cả đều xuất hiện vào năm 1948 trên Tạp chí Văn nghệ và các báo Cứu Quốc, Vệ Quốc quân v.v... Mùa thơ kháng chiến bung ra những chùm hoa lửa giữa chiến hào còn vô cùng gian khó cam go. Dội lên mùa thơ ấy thật đáng ngạc nhiên là chan hòa cảm xúc hồ hởi mà bình dị nhưng thật thiết tha với niềm tin của chiến thắng, khắc họa những tâm tình của những Vệ quốc đoàn anh dũng, cả những người dân bình dị ở khắp mọi làng quê bằng một sự đổi mới đến lạ lùng về mặt thi pháp mà trước đó ta chưa bao giờ gặp, sau những gì hào hoa tưởng như không bao giờ vượt qua nổi của phong trào Thơ Mới 1930-1945; Thể hiện sức sống của nền thơ dân tộc đậm đà chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn. Chúng ta bắt gặp những hồn thơ chưa được thấy ở giai đoạn trước. Đến nỗi vào cuối tháng 7/1948, Hoài Thanh reo lên Một giai đoạn mới trong văn chương kháng chiến... Người vệ quốc quân, người tản cư, những sự thực kháng chiến đã được lý tưởng hóa - một trong những đặc tính của văn chương lãng mạn. Mặc dù, vào thời điểm đó, có lẽ do thận trọng của một người vốn nhìn thơ trong trường đoạn nên ông vẫn còn đôi chút dè dặt khi viết rằng: chúng ta đã cảm thấy một cách  h chúng ta đương đi vào một giai đoạn mới của thời đại. Dường như Hoài Thanh muốn tránh chữ Thời đại Mới ông đã dùng để chỉ Phong trào Thơ Mới 1930-1945 trong Thi nhân Việt Nam - 1941. Tôi muốn dùng Thời đại Mới mở màn năm 1948 cho thơ kháng chiến chống Pháp không phải chỉ vì nó được soi rọi bởi lý tưởng hóa của văn chương lãng mạn mà còn chứng kiến sự biến đổi về mặt thi pháp bởi cảm hứng Thơ 1948 hết sức chân thực, hồ hởi và giản dị, hồn thơ tươi sáng như những nẻo đường thêu nắng hiện dần lên sự ra đời diện mạo mới của hình tượng, nhịp điệu và ngôn ngữ văn chương. Thơ ca chiến tranh mà không tập trung mô tả súng đạn, những trận đánh đầy máu lửa mà nét chủ đạo lại là tâm trạng của nhân vật mới của thời đại - Người vệ quốc đoàn - Người chiến sỹ ấy. Nếu Thơ Mới 1930-1945 làm con nai lạc giữa rừng thu, con hổ sa cơ giận vườn bách thảo, những chiêm nương bóng tháp lở lói dưới bước đi của thời gian và khi người chiến binh xuất hiện lại là xưa cũ trong tiếng địch sông Ô thời Xuân Thu Chiến Quốc ở bên Tàu; Những cô lái đò sa cơ lỡ vận tan vỡ giấc mộng vàng cách trở đò giang... thì Người chiến sỹ ấy của thơ kháng chiến năm 1948 vừa bình dị, khí phách mà chan chứa ân tình trong hơi thơ hào sảng như đưa thẳng từ cuộc sống vào Thơ.

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi một hai

Súng bắn chưa quen

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Người chiến sỹ ấy không có súng đạn phải lột sắt đường tàu rèn thêm dao kiếm mà ở tư thế tiến công áo vải chân không đi lùng giặc đánh. Họ không phải là sắt thép chỉ giản dị là người dân mặc áo lính giàu lòng yêu thương với bao tâm sự về tình quân dân, tình yêu quê hương và tình đồng chí. Ai mà không nao lòng được khi đọc những dòng tâm sự xúc động này:

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn mép ba lô

Tháng năm bạn cùng thôn xóm

... Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau

Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau.

(Nhớ - Hồng Nguyên)     

Người chiến sỹ gọi nhau bằng đồng chí, trăng lên tập họp hát om nhà hỏi nhau đằng nớ vợ chưa? đằng nớ tớ còn chờ độc lập... Đó là những người lính của nhân dân vì dân chúng cầm tay lắc lắc, Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc. Người chiến sỹ ấy với Đồng chí của Chính Hữu là khúc tâm tình của người đồng đội cùng gác trong đêm giữa rừng hoang sương muối. Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới mà không hay đầu súng họ trăng treo. Không phải ca ngợi súng. Súng và trăng chỉ là biểu tượng của tình người. Tây Tiến của Quang Dũng mang vẻ đẹp ngạo nghễ kiêu hùng. Họ là đoàn binh không mọc tóc quân xanh màu lá dữ oai hùm. Họ ngã xuống mà như vang vọng núi sông lời thề bất tử khi Áo bào thay chiếu anh về đất thì sông Mã vẫn gầm lên khúc độc hành như tiềm ẩn sức mạnh từ bên trong của đất nước núi sông này.

Vẻ đẹp những nhân vật của thời đại mới trong thơ 1948 không chỉ của những chiến binh chân đất mà còn là vẻ đẹp của văn hóa ngàn năm đất Việt, của những con người bình dị Việt Nam. Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm viết tháng 4-1948 tiêu biểu cho vẻ đẹp ấy. Hoàng Cầm thật tài hoa khi mở ra bức tranh quê hương lúa nếp thơm nồng nơi tranh Đông Hồ với đàn lợn âm dương, với đám cưới chuột rộn ràng trên giấy điệp. Lan tỏa chan hòa trong vẻ đẹp của con người và thiên nhiên, với những cô hàng xén khuôn mặt búp sen cười như mùa thu tỏa nắng, bởi nghìn năm những cánh cò trắng còn bay vùn vụt lướt ngang qua dòng sông Đuống nằm nghiêng nghiêng bên kháng chiến trường kỳ. Hình như trong Thơ Mới chưa bao giờ gặp được cái vẻ đẹp thuần phác như vậy... Bài thơ tràn ra những cảm xúc thương yêu để cuối cùng là một niềm tin ngày mai chân trời sẽ tỏ để sông Đuống cuốn phăng ra bể bao nhiêu đồn giặc tơi bời... Bên kia sông Đuống được nhiều chiến sỹ vệ quốc chép tay trong ba lô ra trận và cùng với Nhớ của Hồng Nguyên là hai trong số những bài thơ tiêu biểu nhất của một thời đại mới trong thơ.

Nhân vật cô lái đò rất quen thuộc ở trong thi ca 1930-1945, đặc biệt là thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính viết hay đến nỗi cô lái đò ấy mặc dù bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông để đi lấy chồng mà vẫn gây nên bao nhiêu nỗi buồn cho lữ khách sang sông, làm cho lửa đò chong cái giăng hoa, mõ sông đục đục canh gà te te. Nhưng năm 1948, Cô lái đò ấy trở lại trong thơ Thôi Hữu giấu thuyền nan bên bờ lau kháng chiến, đêm đêm chở bộ đội qua sông đánh giặc. Cô lái đò ấy nghe được sóng đêm cười hỉ hả đưa bóng những người anh hùng, vai gầy mang súng nặng để cất lên câu hò nặng tình non nước. Hò ơi! một chiếc thuyền nan, chở đoàn vệ quốc tìm săn giặc thù… Sau đó hai năm, Nguyễn Đình Thi còn gặp lại Chị lái đò cười đon đả.

Thơ 1948 là sự mở đầu đột khởi của đổi mới thơ ca về mặt thể loại. Không gian thơ thường mở rộng từ chiến trường đến hậu phương. Cảm hứng thơ hào sảng lạc quan, kết hợp uyển chuyển giữa các thể thơ, đặc biệt là thơ tự do và lục bát truyền thống tạo dựng sắc thái mới mẻ trong thơ ca kháng chiến chống Pháp như Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông, Cô lái đò của Thôi Hữu, Quán trọ đêm mưa của Anh Thơ... Thơ Việt Nam đã có sự xen kẽ đặc biệt thành công trong thể song thất lục bát ở các khúc ngâm nổi tiếng Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm từ thế kỷ 18. Bước vào thế kỷ 20, thi sỹ Tản Đà vốn rất giỏi làm những bài hát nói (ca trù) đã lần đầu tiên thành công trong việc kết hợp giữa hát nói với thơ lục bát và ông ấy là sự giao duyên kỳ lạ giữa hát nói và lục bát chải chuốt và mượt mà, giữa thơ ca dân gian và thơ ca bác học trong Cảm thu tiễn thu, Mỵ Châu Trọng Thủy, Tâm sự nàng My Ê... Tiếc thay phong trào Thơ Mới 1930-1945 không có ai tiếp tục thành công sáng tạo này của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Năm 1948, Hoàng Cầm, Hoàng Trung Thông đã kế thừa và phát triển sự khởi đầu của Tản Đà, kết hợp giữa thơ tự do và lục bát xen lẫn thơ 5 chữ làm nên những bài thơ linh động, tự do phóng khoáng với sự mượt mà chỉn chu của các thể thơ trong một bài thơ. Ở phạm vi này, Bên kia sông Đuống là bài thơ tiêu biểu và cũng vì thế tạo điều kiện cho Hoàng Cầm diễn thơ truyền cảm hứng cho bộ đội vệ quốc đoàn thời kháng chiến chống Pháp.

Về mặt thể loại Thơ năm 1948 còn xuất hiện vấn đề thơ tự do không vần của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên... như là sản phẩm riêng của thơ kháng chiến chống Pháp.

Ba bài thơ Đường núi, Sáng mát trong như sáng năm xưa, Không nói của Nguyễn Đình Thi khi đăng tạp chí Văn nghệ số 6 tháng 10-11/1948 chưa hẳn toàn bích so với Nhớ của Hồng Nguyên hay Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm... Nhưng ba bài thơ ấy lại là mở đầu cho một khuynh hướng mới về thể loại - Thơ tự do không vần. Đường núi, Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa giống như ba bản nhạc buông lửng, không có kết là lối viết rất lạ thời đó. Câu thơ dài ngắn tự do không có hiệp vần giống như thể thơ 8 chữ rất sang trọng và thành công trong phong trào Thơ Mới 1930-1945, giống như các thể thơ 7 chữ, 5 chữ, 4 chữ v.v... khác. Thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi như sự lung linh của cảm xúc, như phác thảo hình dáng mơ hồ biến đổi của một đám mây, như tiếng hát lênh đênh xôn xao ánh lửa... khiến ta dường như chấp nhận nó ngay trong vô thức. Chưa kịp giải nghĩa là gì. Một lối thơ chiến tranh không súng đạn mà xem trọng tình yêu giữa người với người. Ở đó, gió thổi mùa thu vào Hà Nội phố dài xao xác hơi may, ở đó chứng kiến một cuộc chia tay không nói trong mưa bay để kết lại một hình ảnh hun hút đường chiều bóng nhỏ. Lời thơ như gợi mà không kể, không kết và cũng chẳng có vần.

Chiều mờ gió hút

Bắt tay

Đồng chí

Em

Bóng nhỏ

Đường lầy...

 (Không nói – Nguyễn Đình Thi)

Người ta chưa hết lơ mơ của 3 bài thơ tự do không vần cuối năm 1948, thì Văn Nghệ số xuân 1949, Nguyễn Đình Thi lại treo lên giá thơ một bài thơ tự do không vần nữa - bài Đêm mít tinh. Và điều gì đến đã phải đến đối với một hiện tượng thơ ca mới mẻ như vậy. Tạp chí Văn nghệ ra số đặc biệt - số tranh luận Văn nghệ diễn ra từ 25 đến 28/9/1949; Tiêu điểm là thơ Nguyễn Đình Thi - những bài thơ tự do không vần xuất hiện từ năm 1948. Cứ xem các vị chủ soái của Phong trào Thơ Mới 1930-1945 cũng như những nhân vật quan trọng khác bao gồm Xuân Diệu, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Xuân Trường, Xuân Thủy... phản đối gay gắt thơ tự do không vần đến mức cho nó là nguy hiểm, nguy cơ, đòi đuổi nó ra khỏi thơ ca kháng chiến khiến cho tôi sau hơn nửa thế kỷ đọc lại, càng tin rằng thể loại này đã không xuất hiện trước đó trong Phong trào Thơ Mới 1930-1945. Những người ủng hộ thơ tự do không vần như Văn Cao, Nguyên Hồng... thật dũng cảm và khen cho con mắt tinh đời. Nguyên Hồng có lý và có lẽ đó là đánh giá vô cùng ý nghĩa, chỉ ra đúng cái ngọn nguồn, cái nhịp sống của thơ tự do không vần khi ông nói giữa thanh thiên bạch nhật của cuộc tranh luận Dân tộc ta rất nhiều bản năng. Thơ đi qua nhiều rung cảm khác nhau trong một bài và ông coi đó là một sự tất yếu. Ông quả quyết Tôi tin sẽ có những bài thơ kỳ diệu của dân tộc ta ở trong thể loại đó. Lời dự báo này đã trở nên hiện thực. Tập Người chiến sỹ của Nguyễn Đình Thi là một trong số ít những tập thơ hay nhất của thơ Việt Nam thời 1946-1954. Thơ tự do không vần không phải văn xuôi. Nhịp điệu vô cùng phóng khoáng của nó không giống thơ 8 chữ, 7 chữ hay thơ văn xuôi. Đó là nhịp điệu của cuộc sống, của tâm hồn hay như Nguyên Hồng nói của bản năng. Điều này minh chứng cho sự cách tân của thơ 1948, không phải như ý kiến đồng nhất thơ của Phong trào Thơ Mới 1930-1945 và thơ tự do không vần là một. Hoặc do dự không khẳng định khi kể các thể loại của Thơ Mới đã không đề cập đến thơ tự do nhưng khi khảo cứu thơ tự do lại nói là đã có từ thời Thơ Mới…

Không phải đợi đến những năm 1960 khi Xuân Diệu cổ xúy cho việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ hay phải chờ đến năm 1969 khi Phạm Tiến Duật đã làm ở Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong... mà ngay từ 1948 thi ca Việt Nam đã sớm bình dân hóa, đời thường và thời cuộc hóa ngôn ngữ thơ, làm ngôn ngữ thơ mới mẻ đến lạ lùng với những ngôn từ như bước thẳng từ đời sống vào văn chương bằng một cảm quan nồng nàn sức trẻ hồ hởi chân thành; Nào là sột soạt quần nâu, đằng nớ, đồng chí nứ, Nghe ví, Trong nớ, Ra ri, Rẽ viền, Chơi với chắc, Nắng chiều đột kích hàng cau, Đào mương vỡ đất v.v... sang trọng và trầm tư như Nguyễn Đình Thi mà cũng chiều mờ gió hút, mịt mù súng vẳng v.v.. nghe gần gũi lắm.

Thơ năm 1948 quy tụ phần lớn những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Đó là mùa hoa lửa của thơ trên chiến hào đánh giặc.

Hồi năm 1951-1952, Ban tổ chức giải Thơ chỉ trao cho Tú Mỡ, Nông Quốc Chấn, Bàn Tải Đoàn. Thơ của 3 tác giả ấy là những bài thơ hay. Bây giờ nhìn lại thấy nhiều bài khác toàn bích hơn như Bên kia sông Đuống, Đồng chí, Bài ca vỡ đất, Tây Tiến, Nhớ máu... được phần thưởng lớn hơn là thử thách của thời gian trao tặng.

Nhân loại và mỗi con người thật nhỏ bé và dễ tổn thương. Bước vào những đêm mùa đông đầu tiên tháng 11/2020. Thế giới sau 1 năm bị đại dịch covid-19 càn quét. Hơn 60 triệu người dính bệnh và gần một triệu rưỡi người đã tử vong. Đất nước phải hứng chịu 13 cơn bão tàn phá miền Trung gian khó. Tôi đọc thơ thời kháng chiến xa tới 70 năm rồi. Điều gì còn hiện hữu ở đây? Một thế hệ thi sỹ đổi mới thơ hồi 1948 với Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Hồng Nguyên, Chính Hữu, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Trần Mai Ninh... lặng lẽ ra đi xa lắm cuộc đời này. Người xưa nói: một bài thơ ngụ ngôn 8 câu 40 chữ là 40 người hiền. Họ là những người hiền để lại những bài thơ sống với chúng ta, nhắc nhở chúng ta vượt qua những thách thức để đến được những chân trời sáng tỏ. Bởi vì họ đã làm nên một mùa Thơ hoa lửa. Không phải lửa của ca ngợi chiến tranh. Của bom rơi đạn nổ. Mà lửa của tình người Nhớ đôi mắt em nghĩ ngợi. Bây giờ em đang ở đâu. Đêm khuya nhớ người bộ đội. Bâng khuâng bên bếp nửa nào.


Mùa đông 2020

Tác giả: Khuất Bình Nguyên
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay2,758
  • Tháng hiện tại94,386
  • Tổng lượt truy cập3,195,141
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây