Bùi Tiểu Quyên: Tôi chỉ trao thêm cho nhân vật một trái tim

Thứ ba - 13/07/2021 10:29
111
Bùi Tiểu Quyên, ngoài việc làm báo năng động, chị vẫn dành một góc tâm hồn cho những trang văn. Miệt mài, bền bỉ nhiều năm qua, Tiểu Quyên đã ra mắt gần chục đầu sách chủ yếu là truyện ngắn và tạp văn. Sống và viết ở Sài Gòn, chị vẫn luôn đồng hành cùng nhịp đập của Thành phố; những trang viết của chị và đồng nghiệp đã góp phần bồi đắp cho tâm hồn mỗi con người Sài Gòn, cả những ngày bình yên và trong những ngày nhiều biến động, bất an bởi dịch bệnh này. Mới đây nhất, Bùi Tiểu Quyên xuất hiện đầy mới mẻ với truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Chị đã có những chia sẻ cùng VNQĐ.

Chào Bùi Tiểu Quyên! Sống ở TP. Hồ Chí Minh những ngày dịch bệnh căng thẳng này hẳn cũng nhiều tâm trạng. Lúc này chị đang nghĩ gì?

TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn giãn cách xã hội toàn thành phố, bản thân tôi hiện cũng ở trong khu vực bị phong tỏa. Những ngày thành phố “bệnh”, cảm giác thường trực trong lòng tôi là sự xúc động. Rất nhiều lần rưng rưng khi đọc báo, xem clip chia sẻ hình ảnh những chuyến xe chở đầy nông sản/lương thực, cả những chuyến xe chi viện nhân lực/vật lực từ khắp các tỉnh, thành về tiếp sức cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Còn trong thành phố, quán cơm miễn phí, các cửa hàng 0 đồng có mặt ở khắp mọi nơi. Tôi nhìn thấy trong đại dịch những yêu thương, san sẻ ấm áp của cộng đồng. Thương lắm. Tất cả cùng kề vai gánh vác, tương trợ để có thể cùng nhau vượt qua hoạn nạn. Tình người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào có lẽ là giá trị lấp lánh nhất mà tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy, cảm nhận được trong đại dịch lần này.

Vâng! Có lẽ đó cũng là tâm trạng của nhiều người, cả nước cũng đang nóng lòng hướng về Thành phố phương Nam với mong mỏi và hi vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và đẩy lui. Ở một góc nhìn khác, với người sáng tác thì những hiện thực nóng bỏng luôn là nguồn tư liệu quý giá, những trải nghiệm để trao cho họ những cơ hội tương tác sâu rộng với đời sống. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Có lẽ không riêng người sáng tác, dịch bệnh với tất cả tàn phá, hủy diệt sinh mệnh và gieo rắc nỗi lo lắng, hoang mang khắp thế giới đều sẽ cho mỗi người tự nhận diện, thấm thía và thấu hiểu sâu sắc những giá trị của cuộc sống, những quy luật của vũ trụ vô tận. Và dù rằng không một ai mong muốn có những tai họa/thảm họa đến với đời sống con người để có thể lấy đó làm chất liệu sáng tác cho văn học nghệ thuật, nhưng đại dịch đã đến trong thế kỉ này, buộc con người phải đương đầu, vượt qua. Hiện thực này quả thật rất khốc liệt, nó là vấn đề của thời đại, của cả loài người.

Văn chương không thể xa rời hiện thực nhưng cũng không phải ghi chép hiện thực. Thời đại nào cũng có những “hiện thực nóng bỏng” và trải qua một độ lùi sẽ thấy trong văn chương những giá trị phản ánh văn hóa, tư tưởng, hiện thực của thời đại đó. Vậy nên tôi vẫn nghĩ rằng, thời đại này, hiện thực này đối với văn chương, đôi khi cũng cần đến một độ lùi mới có thể nhìn thấy rõ nhất diện mạo sáng tác của một giai đoạn.

Lại nói về thực tế đối với người viết, vừa rồi chị cũng đã có một trải nghiệm quý khi được đặt chân đến vùng biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Và ngay sau đó là cuốn sách Cà Nóng chu du Trường Sa viết cho các em nhỏ với góc nhìn mới mẻ, sáng tạo đã được chị hoàn thành. Chị có thể chia sẻ một chút về thành quả lao động văn chương này?

Hành trình đến với Trường Sa có lẽ là một cơ hội bất ngờ, và Cà Nóng chu du Trường Sa ra đời như một duyên may của tôi. Sự thật là, trước đó tôi có ấp ủ một đề tài khác để viết cho thiếu nhi, nhưng có bối cảnh ở cánh đồng và đó hoàn toàn là một câu chuyện khác. Nhưng những ngày lênh đênh trên biển cả, cũng như được đặt chân đến các đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/21 trên thềm lục địa phía Nam, tôi nghĩ rằng mình cần viết trước một cuốn sách cho các em thiếu nhi từ chuyến đi này. Những trải nghiệm khó quên, những cảm xúc thiêng liêng, những câu chuyện/hình ảnh xúc động được nhìn thấy, cảm nhận nơi đầu sóng…, nếu không viết, có thể sẽ mãi là niềm tiếc nuối và day dứt trong lòng.

Đoạn kết tác phẩm tôi có viết lời tâm sự của nhân vật Cà Nóng: “Tôi sợ năm tháng trôi đi, kí ức của một lão máy ảnh già sẽ không còn nhớ nhiều để kể cho con cháu tôi nghe về cuộc hải trình ý nghĩa…”. Đó cũng chính là tâm sự của tác giả. Tôi mất sáu tháng để suy nghĩ về ý tưởng, phương thức thể hiện và cần thêm chừng ấy thời gian để hoàn thành tác phẩm. Cà Nóng chu du Trường Sa ra đời, tôi thấy như mình cũng đã hoàn thành được tâm nguyện của mình rồi.

111
Truyện dài "Cà Nóng chu du Trường Sa" của Bùi Tiểu Quyên vừa đến với bạn đọc. Ảnh: NVCC

Thực ra Trường Sa là đề tài ai cũng quan tâm, được đi Trường Sa ai cũng háo hức, ai cũng muốn viết một cái gì đó. Nhưng viết cái gì và viết như thế nào lại là bài toán khá hóc mà không phải người viết nào cũng tìm ra cách giải. Chị có đề ra bài toán cho mình khi đến Trường Sa không, và chị đã giải nó như thế nào?

Khi chính thức đặt chân lên con tàu KN290 - tàu của Cục kiểm ngư Việt Nam - bắt đầu hải trình, tận mắt chứng kiến và cảm nhận được những điều mới lạ, đẹp đẽ và cũng thật ý nghĩa, tôi cảm thấy dự định viết sách cho thiếu nhi hoàn toàn là điều có thể, sau chuyến đi này. Việc còn lại - và cũng là thử thách cho bản thân chính là trong suốt chín ngày hải trình ý nghĩa ấy - là tôi có thể “thu hoạch” cho mình những gì để có thể làm chất liệu cho tác phẩm.

Tôi tranh thủ tất cả thời gian quý giá mà mình có trên các điểm đảo và nhà giàn, để quan sát, cảm nhận, trò chuyện, lắng nghe…và mỗi ngày về tàu đều mở máy tính ra, ghi chú lại tất cả những câu chuyện, chi tiết ấn tượng, cảm xúc trong ngày. Không chỉ ở những điểm đảo, mà trên con tàu KN290 cũng có rất nhiều kỉ niệm, đong đầy cảm xúc. Tôi hay lang thang trên boong tàu vào những hoàng hôn, những đêm trăng, nhìn ngắm, cảm nhận. Cứ thế mà mỗi ngày qua, chất liệu lẫn cảm xúc cứ đầy lên trong lòng. Cho đến ngày trở về đất liền, tôi cảm thấy, mình thật sự có thể yên tâm về cuốn sách của mình rồi.

Vì sao chị nghĩ đến một cuốn sách dành cho các em nhỏ thay vì cho người lớn?

Trước chuyến đi, tôi mua rất nhiều những tựa sách viết về Trường Sa, từ sách tư liệu đến những bài bút kí của các tác giả đi trước. Tôi đọc chủ yếu là để bản thân có thể hình dung rõ hơn về nơi đầu sóng, nhưng cũng vì vậy mà tôi thấy mọi người viết về Trường Sa rất nhiều, lại rất ít tác phẩm viết cho trẻ nhỏ. Tôi nghĩ vậy thì mình nên viết - dù tôi biết viết cho thiếu nhi là một thử thách không nhỏ khi tôi chưa từng bước chân sang địa hạt này. Tôi có thể hoàn thành bản thảo nhanh hơn nếu chọn cách thể hiện theo dạng ghi chép, bút kí, cảm nhận về hải trình Trường Sa. Nhưng nếu vậy, tôi thấy mình chỉ bổ sung cho “gia tài” tác phẩm của mình chứ không giúp ích gì cho bạn nhỏ hiểu và yêu hơn biển đảo của đất nước mình. Chọn viết cho thiếu nhi, tôi cẩn trọng, cân nhắc từng chút một. Từ cách thể hiện, chọn nhân vật, tạo dựng tình tiết, lồng ghép thông tin về Trường Sa, chuyển tải những câu chuyện, thông điệp… Mọi thứ phải làm sao thuyết phục được bản thân tôi trước, có như vậy mới mong Cà Nóng chu du Trường Sa có thể đến được với người đọc, nhất là với các bạn nhỏ.

Ý tưởng vào vai một chiếc máy ảnh kể chuyện đến với chị từ khi nào? Nó như một sự chợt đến tình cờ hay là một quá trình tìm tòi lựa chọn?

Tôi chọn nhân vật chính là chiếc máy ảnh, vì… không thể có một nhân vật nào khác phù hợp hơn. Ngay từ đầu tôi không chọn con người làm nhân vật chính, chỉ còn lại loài vật và đồ vật. Trong những ngày ở Trường Sa, kè kè bên tôi là chiếc máy ảnh. Cà Nóng (tên nhân vật, phiên từ Canon, tên một hãng máy ảnh - PV) là đồ vật duy nhất nhìn thấy mọi điều tôi thấy, chụp lại tất cả những gì tôi muốn chụp, lắng nghe được tất cả những câu chuyện tôi có thể nghe. Và thậm chí là lúc tôi cúi mặt vào góc tối rơi nước mắt trong đêm đoàn chia tay ở bến cảng Trường Sa Lớn thì cũng chính là “thằng Cà Nóng” ở bên cạnh, cảm nhận được. Vậy nhân vật chính không phải là “hắn” thì là ai? (cười). Trong tác phẩm, Cà Nóng thay tôi chuyển tải mọi câu chuyện, cảm xúc nhưng nhân vật cũng có rung động riêng của mình, với những giấc mơ, lí tưởng, sứ mệnh, tình bạn đẹp với Ni, So, Meica… Có thể nói, Cà Nóng đã có sẵn đôi mắt quan sát, tôi chỉ trao thêm cho nhân vật một trái tim.

111
111
"Cà Nóng chu du Trường Sa" với những bức tranh minh họa sống động, sát với nội dung của họa sĩ Đinh Nguyên Hoàng. 
Ảnh: NVCC

Văn học thiếu nhi hiện nay rất nhiều thể loại kì ảo giả tưởng chủ yếu là sách dịch, các đầu sách “thuần Việt” giúp các em vừa giải trí vừa tìm hiểu quê hương đất nước, con người Việt Nam không nhiều. Chị có nghĩ các tác giả trong nước cần tích cực tham gia hơn để điều chỉnh sự “mất cân đối” này?

Văn chương là con đường riêng của mỗi người, có lẽ là rất khó để nói một lời khuyên rằng tác giả cần/nên viết cái này hay cái kia. Mỗi một cuốn sách ra đời, tôi nghĩ đó là quá trình sáng tạo tự thân, trong nỗ lực không ngừng của từng tác giả. Và đều đáng quý cả.

Còn về việc viết cho thiếu nhi, từ trải nghiệm bản thân, tôi thấy việc chơi với trẻ con qua trang viết thật sự là điều ngọt ngào. Tôi nghĩ, người cầm bút nào nếu có mong muốn, nguyện vọng viết tác phẩm cho các em nhỏ, thì hãy tự tin bước vào cánh đồng vẫn còn đang rất cần người cày xới, chăm bón này. Đề tài để viết cho các em nhỏ quả thật là mênh mông, không có giới hạn cho sáng tạo. Người làm báo thường phải trả lời câu hỏi “Viết cho ai?”, “Viết như thế nào?” thì sáng tác văn học thiếu nhi, có lẽ cần người cầm bút trả lời cho thật thấu đáo câu hỏi thứ hai. Và còn một câu hỏi nữa, tôi nghĩ cũng khá quan trọng, rằng: “Khi ngồi bên bản thảo, lòng bạn có thật sự bình yên?”

Như vậy có thể hiểu là chị đã giữ được một tâm thế cùng sự yên bình trong cuộc sống và trước trang viết. Trong những biến động lớn của đời sống thì điều này với mỗi cá nhân rất quan trọng. Bình yên sẽ đến ở một thời điểm phù hợp trong cuộc đời hay đó là kết quả một quá trình rèn luyện theo kinh nghiệm cá nhân của chị?

Sự bình yên trong tâm hồn của một con người, tôi nghĩ phải là cả một quá trình rèn luyện, thực hành từ chính hành trình sống và trải nghiệm, chiêm nghiệm của bản thân mỗi người. Bình yên là thanh âm của sự im lặng mà mỗi cá nhân nếu muốn tìm thấy, chạm đến sẽ phải tự nhận diện được chính thân tâm của mình và biết lựa chọn một thái độ sống tích cực. Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa rằng tôi không bị dao động, không nghĩ ngợi hay buồn bã, lo lắng trước những biến động lớn của đời sống. Chỉ là từ lâu rồi, tôi học cách giữ tâm thế cân bằng trong mọi hoàn cảnh, học cách nhìn mọi vấn đề một cách toàn diện và luôn tìm thấy những mặt tích cực trong cùng một vấn đề. Tôi chọn cách đối đãi với cuộc đời mà mình cưu mang theo cách của một hồ nước trong đối diện với bầu trời. Và như thế, mọi việc đều có thể trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, và tôi cũng được nhận lại rất nhiều. Trong bình yên tôi tìm thấy những điều sâu thẳm.

111
"Tôi chọn cách đối đãi với cuộc đời mà mình cưu mang theo cách của một hồ nước trong đối diện với bầu trời. Và như thế, mọi việc đều có thể trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, và tôi cũng được nhận lại rất nhiều. Trong bình yên tôi tìm thấy những điều sâu thẳm".
- Bùi Tiểu Quyên -
Ảnh: Nhà văn Bùi Tiểu Quyên trong chuyến công tác ra Trường Sa năm 2019. (Ảnh NVCC)

Ở những trang cuối Cà Nóng chu du Trường Sa, chàng Cà Nóng đã cảm nhận: “Nếu ai hỏi tôi Trường Sa có màu gì, tôi sẽ trả lời không do dự: Màu xanh. Là màu của biển trời, của cây cối, những luống rau. Màu của bộ quân phục chiến sĩ hải quân, của sức sống và hi vọng…”. Và có lẽ còn một màu xanh nữa của sức trẻ và tâm hồn những người lính giữ biển. Chị cảm nhận thế nào về những người lính Trường Sa?

Trên hải trình Trường Sa, tôi ở cùng phòng với những người mẹ của các chiến sĩ ra đảo thăm con. Tôi cũng đã trò chuyện với họ rất nhiều và nhìn thấy “những người lính biển” qua tâm sự của những người mẹ. Những chàng trai mười tám đôi mươi, khi khoác lên mình bộ quân phục hải quân làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng đều trở thành những người con rất khác. Sống có lí tưởng, trách nhiệm hơn, giỏi giang, trưởng thành hơn rất nhiều. Những người lính ở Trường Sa trong lòng Cà Nóng, cũng như trong lòng tôi rất đẹp, như một biểu tượng kiên cường của người bảo vệ biển cả.

Có những lần tàu rời đảo, tôi cứ đứng nhìn mãi cho đến khi màu xanh trên đảo trở thành một vết chấm mờ giữa biển cả, trong lòng tràn ngập niềm cảm phục và biết ơn. Trên những điểm đảo chìm, đảo nổi giữa mênh mông sóng nước, đối diện với biết bao khó khăn gian khổ, kể cả hiểm nguy ấy, có những người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời. Tất cả những gian lao và hi sinh ấy, những cuộc đời lí tưởng, đẹp đến như vậy thì từng thế hệ trẻ thơ cần phải biết, để hiểu và yêu hơn biển đảo, đất nước mình…

Cà Nóng chu du Trường Sa vừa phát hành đã đón nhận những phản hồi tích cực từ bạn bè đồng nghiệp. Còn ở phía bạn đọc thì sao, chị đã nhận được phản hồi nào từ phía các độc giả nhí?

Thật ra thì các bạn nhỏ cũng không có nói gì nhiều, tôi cũng chưa hỏi thêm các bậc phụ huynh có mua sách cho con. Nhưng “phản hồi phổ biến” mà tôi nhận được từ các độc giả nhí những ngày qua là vài em nhắn bảo đọc sách xong rồi, “đọc một lèo”, “đọc cái vèo”, “truyện hay mà ngắn quá à”… Vậy cũng khiến tôi yên tâm phần nào rồi, và vui vì câu chuyện của Cà Nóng và các bạn ít nhất là không làm các em nhỏ… chán (cười).Và cũng có những câu chuyện khiến tôi cảm động, khi sách trở thành món quà động viên tinh thần cho trẻ nhỏ của người lớn. Như câu chuyện của người chị đồng nghiệp tôi, mua sách tặng một bé gái có hoàn cảnh rất thương, gặp phải vấn đề tổn thương tâm lí từ bé. Chị bảo rằng gửi tặng bé tác phẩm này, như một nguồn động viên tinh thần để bé có thể bước vào thế giới sách với một câu chuyện thật ý nghĩa, để giúp bé tìm lại niềm tin trong cuộc sống, tự tin với những giấc mơ của đời mình và được truyền cảm hứng từ những thông điệp mà tác phẩm đã chuyển tải. Tôi thật sự xúc động vì điều đó.

Cám ơn chị đã chia sẻ!

111

Này em chó nhỏ

Để chị kể em nghe về đất liền

Phía ấy mình còn có núi có rừng, ngoài biển

Non xanh ngút ngàn những dòng sông biêng biếc

Có cánh cò, đồng lúa, đàn trâu...

Này em nằm đây

có mơ về hải âu

Biển Tổ Quốc mình vẫn đẹp dẫu trải những nghìn năm bể dâu, em nhỉ?

Em có nghe tiếng đại dương trở mình thủ thỉ

“Biển ấy là của mình...”

(Trích bài thơ trong truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa). Ảnh: Bùi Tiểu Quyên tại đảo Đá Thị, Quần đảo Trường Sa.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, sinh năm 1985, Long An. Hiện chị công tác tại báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh. Là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Chị cũng từng đoạt giải Giải thưởng Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh năm 2014, với tác phẩm Cỏ đồi phương Đông.

Tác phẩm đã in: Đi ngược chiều thương (Tập truyện ngắn, Nxb Văn Nghệ, 2008); Con tàu đi tìm sân ga (Tập truyện ngắn, Nxb Văn hóa văn nghệ, 2012); Cỏ đồi phương Đông (Tập truyện ngắn, Nxb Văn hóa văn nghệ, 2014); Cỏ lau vạn dặm (Tập truyện ngắn, Nxb Văn hóa văn nghệ, 2015); Nửa đêm nằm nhớ (Tạp văn, Nxb Trẻ, 2016); Những cánh cửa đều mở (Tạp văn, Nxb Trẻ, 2017); Cỏ dại thênh thang (Tập truyện ngắn, Nxb Trẻ 2018); Sông có bao giờ thẳng (Tạp văn, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, 2019)

Cà Nóng chu du Trường Sa là tập truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của chị do Nxb Kim Đồng in và phát hành.


Theo Nguyễn Thiện/VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay3,204
  • Tháng hiện tại72,191
  • Tổng lượt truy cập3,042,101
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây