Chấn hưng văn hiến Thăng Long – Hà Nội

Thứ hai - 18/01/2021 15:36
Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu khi nhắc đến Hà Nội người ta thường nói “Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Bởi nếu tính từ ngày vua Lý Thái Tổ quyết định rời cố đô Hoa Lư, chọn mảnh đất Đại La bên phía hữu ngạn sông Nhị Hà làm kinh đô của nước Đại Việt lấy tên là Thăng Long thì nhà vua đã tính đến chuyện xây dựng một nền văn hiến, bởi chỉ có nền văn hiến mới giữ được nền độc lập tự chủ lâu bền, ngăn chặn mưu toan đồng hóa, nô dịch của người ngoại bang.
111

Trong Chiếu dời đô của vị vua đầu triều Lý đã thể hiện một tầm nhìn sâu rộng, ông gọi Thăng Long là “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Kể từ đây Thăng Long trở thành một đô thị tụ khí thiêng, thăng hoa phát tiết, thu hút biết bao hiền tài từ khắp nơi trong nước hội tụ về sinh sống và cống hiến. Qua mỗi đời vua Lý lại thêm những công trình văn hóa mọc lên uy nghi và tráng lệ. “Thăng Long tứ trấn” là khái niệm xuất hiện trong dân gian để chỉ về bốn ngôi đền thiêng vừa để trấn yểm phong thủy vừa mang tính khẳng định kinh đô lâu dài của một đất nước có chủ quyền. Chùa Trấn Quốc, chùa Diên Hựu… nơi lan tỏa tín ngưỡng Phật giáo mang tinh thần giáo hóa nhân tính theo một cách riêng của người Việt. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta, trong đó có Khuê Văn Các như một lời khẳng định rằng, kể từ nay nước Đại Việt coi trọng và quyết tâm xây dưng một nền văn hiến lâu dài, bền vững. Sang triều Trần, trong khuôn viên Văn Miếu mở mang nhà Thái Học để không chỉ con em trong hoàng tộc mà cả con em thường dân có năng lực học tập xuất sắc cũng được đưa vào đây để đào tạo thành tài. Vua Trần Nhân Tông cùng với các thiền sư lập ra thiền pháiTrúc Lâm rất phù hợp với hoàn cảnh của con người nước ta: không chỉ vào chùa mới là tu; người ta có thể tu tại gia, tu khi cày cấy gặt hái ngoài ruộng đồng, tu ngay cả khi cầm giáo gươm ngồi trên lưng ngựa xông pha trận mạc. Thiền phái Trúc Lâm góp vào quá trình khai phóng Phật giáo, giúp cho văn hóa Lý - Trần có một tầm nhìn và sự dung nạp cởi mở; đó cũng là một căn nguyên khiến thơ ca Lý - Trần phát triển rực rỡ, trở thành một kho tàng văn chương quý giá của nước nhà. Sang triều Lê, khi Lê Lợi tập hợp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, trên đường truy kích giặc qua Thăng Long, ngài mang theo thanh gươm báu, làm nên một truyền thuyết đẹp, khiến cái hồ trung tâm thành phố vốn có cái tên Lục Thủy bình dân được mang cái tên đậm đà giá trị văn hóa: Hoàn Kiếm. Nhà Lê tiếp tục nâng cấp nhà Thái Học, coi trọng đạo học, dựng bia tiến sĩ để vinh danh sự học, khuyến khích hiền tài. Năm cửa ô (ô Đông Mác, ô Cầu Dền, ô Đồng Lâm, ô Chợ Dừa, ô Quan Chưởng) được xây dựng cùng với sự hình thành quy hoạch ba mươi sáu phố phường, mỗi đường phố sản xuất, kinh doanh một mặt hàng, thu hút nhiều sản vật và tài năng công thương từ mọi miền đất nước tụ về. Thi hào Nguyễn Du cầm bút vào đúng cái thời buổi các thế lực phong kiến tranh giành ảnh hưởng và quyền lực, đã có lúc ông phải tạm lánh về một miền quê heo hút cách xa kinh thành, chịu một cuộc sống dưới mức đạm bạc để sáng tạo văn chương, nhưng không thể nói cái linh khí văn hiến Thăng Long không lặn sâu trong hồn cốt, văn phong của ông. Nhờ cái hồn cốt ấy mà Truyện KiềuVăn chiêu hồn của Nguyễn Du đã trở thành kiệt tác làm rạng danh cho nền văn hiến Việt Nam. Thi hào Hồ Xuân Hương xuất hiện cách chúng ta chưa xa, nhưng có lẽ cái thời bà sống có quá nhiều biến động, hơn nữa tính cách của bà đã nói lên rằng bà không phải con người của đám đông, cho nên những tư liệu về bà người đời còn lưu giữ lại rất ít. Thậm chí có nhiều dữ liệu về nhân thân cũng như những mối quan hệ xã hội của bà còn gây ra những tranh cãi nhiều năm chưa có hồi kết. Nhưng riêng cái điều tôi viết sau đây thì có thể tin được: Sau cuộc hôn nhân lần đầu với ngài Tổng Cóc đổ vỡ, bà trở về ngôi nhà riêng của gia đình bên Hồ Tây (nay là phố Yên Hoa) sống với người mẹ già, nhưng nỗi khổ đau ê chề không làm bà an phận thủ thường, trái lại, cái niềm khát vọng sáng tạo văn chương đã khiến bà xắn tay cải tạo ngôi nhà có bàn thờ tổ tiên thành Cổ Nguyệt Đường, để hội tụ những tài tử, văn nhân Đại Việt. Rất nhiều áng văn thơ bất hủ của bà, của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… được khởi bút tại đây.

Thành Thăng Long ngày ấy đã sầm uất lắm. Nhưng sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, quyết định chuyển kinh đô vào Huế. Huế trở thành kinh đô thì nhà Nguyễn đổi tên Thăng Long là Bắc Thành. Nhưng chữ Thăng Long không xóa đi được trong tâm thức nhân dân Bắc Hà nên nhà vua đành cho đổi chữ “Long” với nghĩa là rồng thành chữ “Long” với nghĩa là thịnh vượng. Không những thế nhà vua còn cho phá thành cũ xây lại thành mới nhỏ hẹp hơn vì nhà vua quan niệm Bắc Thành không thể to hơn kinh đô Huế.Trung tâm Bắc Thành vẫn là điện Kính Thiên, phía sau điện Kính Thiên là Hành Cung nơi dành cho vua ở mỗi khi ngài tuần giá Bắc Hà. Phía đông thành là dinh Tổng trấn (sau là Tổng đốc) rồi Tuần phủ. Đời vua Minh Mạng hình như ngài chưa thật yên tâm với cái tên “Bắc Thành” vì chữ “Thành” vẫn gợi cho người dân nhớ lại thành Thăng Long vàng son một thuở, ngài đã đổi Bắc Thành thành “tỉnh Hà Nội”. Không những thế, vua Minh Mạng còn ra lệnh phạt tường thành cho thấp xuống 1 thước 8 tấc (tương đương 3,7m) bịt hai cửa tây và nam. Kể từ đây thành được gọi là “thành Hà Nội”. Cũng trong năm này, vua Minh Mạng cho san bằng thành Gia Định ở phương nam. Sang đời vua Tự Đức, vào năm Tự Đức thứ nhất (1848), vua ra lệnh phá dỡ các cung điện xây từ thời Lê lấy đồ gỗ, đá, những công trình kiến trúc chạm trổ hoa văn tuyệt mĩ đưa về Huế để trang trí cung vua, chỉ còn lại đôi rồng đá trước điện Kính Thiên. Kể từ đây, thành Hà Nội chỉ còn là một trại lính, với 3.000 quân thường trực cùng với gia đình của họ. Những cung điện nguy nga, lầu son gác tía, những bệ ngọc hành cung huy hoàng, tráng lệ thời Lê - Trịnh nay đổ nát hoang tàn, chỉ còn lại “nền cũ”, như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương/ Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn chau mặt với tang thương… Buồn và nuối tiếc cũng là một cách Bà Huyện Thanh Quan yêu đắm đuối Hà Nội, muốn làm một điều gì đó thật hữu ích cho Hà Nội.

Tiến sĩ Vũ Tông Phan, một nhà thơ, nhà giáo dục dưới triều Nguyễn, từng làm Tham hiệp trấn Ninh Bình, sau bi vua Minh Mạng giáng chức xuống làm Đốc học Bắc Ninh. Trường hợp như thế, người ta dễ sinh chán chường hoặc sắm vai một kẻ sĩ bất phùng thời, to giọng kẻ cả điều này điều khác. Nhưng Vũ Tông Phan vì quá yêu cái thành phố dù đang trong quá trình phong hóa, điêu tàn mà sau khi cáo quan, ông không về quê Hải Dương mà ngược lên Thăng Long mua một mảnh đất phía tây Hồ Gươm mở trường Tự Tháp (còn có tên gọi là trường Hồ Đình hay trường Ông Nghè Tự Tháp). Ngôi trường ông sáng lập đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho đất nước, tiêu biểu như Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, Hoàng giáp Lê Đình Diên, Phó bảng Phạm Hy Lượng, Cử nhân Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Đặng…

Một người bạn của Tiến sĩ Vũ Tông Phan là Tiến sĩ Nguyễn Văn Siêu, cũng từng làm quan trong triều; trong một lần cùng với Cao Bá Quát làm giám thị trường thi, vì nhận thấy có 9 bài thi của sĩ tử viết hay nhưng lại mắc lỗi húy kỵ, hai ông liền dùng muội hoa đèn chữa những lỗi ấy. Bị phát giác, hai ông bị nhà vua xử tội rất nặng. Cũng giống như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu trở về Thăng Long làm thơ và dạy học. Hồ Gươm thời ấy xung quanh bờ còn lau lác hoang vu. Hai hòn đảo nổi lên mới chỉ có ngôi miếu nhỏ thờ Đức Thánh Trần và Quan Vũ. Tiến sĩ Vũ Tông Phan cho sửa chữa và xây thêm đền thờ Văn Xương, vị thần tượng trưng cho lĩnh vực văn chương, học hành, thi cử. Chưa thật bằng lòng với những gì đã có, Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động, tu sửa và xây mới thành một công trình liên hoàn: Đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - Tháp Bút - Đài Nghiên. Công trình ấy còn hiện diện đến hôm nay, là một trong những cụm di tích mang một vẻ đẹp “ngàn năm văn hiến” của thủ đô, không chỉ người Việt mà khách nước ngoài đến Hà Nội cũng không thể không ghé thăm, chiêm ngưỡng.

Thăng Long vào cuối thời hậu Lê vẫn còn 5 cửa ô nổi tiếng như trên tôi đã nhắc đến. Chiến tranh, loạn ly, cho đến nay chỉ duy nhất ô Quan Chưởng vẫn còn hiện diện với thời gian. Bốn ô kia chỉ còn trong câu hát “Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô” mà không còn để lại dấu tích gì. Ô Quan Chưởng thời mới xây dựng có tên ô Đông Hà nằm ở phía đông kinh thành. Thời kỳ 36 phố phường, ô Quan Chưởng là cửa mở ra bến sông Hồng, có một vị trí quan trọng trong giao thương buôn bán. Đi từ trong thành ra, nếu chịu quan sát, ta sẽ nhìn thấy một tấm bia đá màu đen gắn chìm vào bức tường bên trái. Người cho làm việc đó chính là Tổng đốc Hoàng Diệu.

Hoàng Diệu là người học giỏi; khi thi đỗ Phó bảng ra làm quan ông đã chứng tỏ là một hiền tài, chính trực, bất khuất. Ông quê ở Quảng Nam, nhưng con đường quan lộ khiến đôi bàn chân ông đã đặt tới khắp các nẻo đường của đất nước. Hầu như cứ nơi nào có chiến sự, khó khăn hiểm nghèo, nguy cơ là vua Tự Đức lại điều ông đến trị nhậm. Từng được bổ nhiều chức vụ từ thấp đến cao trong triều,  lập nhiều chiến công dẹp giặc, dẹp trộm cướp và an dân, ở đâu Hoàng Diệu cũng được sĩ dân quý mến, nể trọng. Ông cũng từng bị nhà vua giáng chức rồi lại được phục chức. Khi giặc Pháp chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai, vua điều Hoàng Diệu ra làm Tổng đốc Hà Ninh (trong đó có thành Hà Nội), lãnh chức hàm Thượng thư bộ Binh, kiêm quản cả việc thương chính. Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, vừa đặt chân đến Hà Nội, Hoàng Diệu đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chiến đấu, kinh lý, biên phòng. Ông dâng sớ về triều trình bày kế hoạch bố phòng, phương án tác chiến. Vua Tự Đức có lời khen. Nhưng là khen lấy lòng, vì trong bụng vua đã nghiêng về phái chủ hòa. Vua khen đấy mà lại chê trách ngay đấy. Vua phê bình ông “Chế ngự không đúng cách”! Vua yêu cầu ông phải “lưu binh”. Nhưng Hoàng Diệu không vì thế mà có tư tưởng đầu hàng hay thoái lui. Một mặt, ông khẩn trương chuẩn bị vũ khí luyện binh, mặt khác, ông nhận ra dân Hà Nội hẳn vì linh cảm được cuộc chiến tranh đang đến gần mà có tư tưởng sống gấp; ông thấy cần thiết phải vấn an tinh thần dân chúng, chấn hưng văn hóa Hà Thành. Ông cho làm một tấm bia đá trạm khắc dòng chữ to “Lệnh cấm từ tệ”, nghĩa là “Thân cấm khu tệ”, bên dưới là những dòng chữ nhỏ giải thích vì sao phải ra cái “lệnh” này rồi cho gắn lên tường ô Quan Chưởng, nơi có nhiều người qua lại và cũng là nơi các quan hay sách nhiễu dân nhất. Nhờ thế các tệ nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông, ngoài chợ, trong các lễ cưới xin, tang ma… đã giảm hẳn. Tiếc thương thay, Hoàng Diệu đã hy sinh trong một trận chiến đấu không cân sức giữa đội quân xâm lược Pháp và đội quân của những người Việt Nam yêu nước. Hiện nay tấm bia đá ấy vẫn còn, dòng chữ vẫn chưa hề phôi phai.

Thành tựu của nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội có nên kể Nhà hát lớn, cầu Long Biên, Nhà thờ lớn (Nhà thờ chính tòa) không nhỉ? Đành rằng người Pháp xây những công trình ấy trong quá trình khai thác thuộc địa, bắt đầu chuyển hình thái từ đô thị tự phát giản đơn sang đô thị mới kiểu phương Tây nhưng không thể nói không có công sức, mồ hôi và…máu của người Việt. Sử sách hãy còn ghi về việc xây dựng ngôi nhà thờ lớn: “Nguồn vốn xây dựng nhà thờ được huy động từ 2 đợt mở xổ số và các nguồn vận động khác”. Bởi vậy, cho dù những công trình ấy được xây dựng theo quan điểm thẩm mỹ nào thì sự hiện diện của chúng hơn một thế kỷ qua đã trở thành những địa chỉ không thể thiếu làm nên vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội.

Quả là không ngoa khi nói rằng, cho dù con người sinh ra ở đâu khi về “nhập cư” Hà Nội đến một lúc nào đó cũng nhận ra mình yêu Hà Nội từ lúc nào chẳng hay. Vì yêu Hà Nội mà người ta đã mang cả những gì là tinh hoa nơi cố quận về ươm trồng trang trí thêm vẻ đẹp của Hà Nội. Chẳng hạn như nói về hoa, thuở sơ khai, Thăng Long nổi tiếng nhất vẫn là đào bích, mai trắng thân gầy, hoa sen, hoa hồng quế, hoa tầm xuân, hoa trà, các loài cúc… Người từ Hải Phòng mang về hoa phượng; người từ Nam Định lên mang theo hoa bạch đào; người phương nam ra thì mang theo hoa mai vàng, hoa bằng lăng; người miền núi phía bắc về mang theo hoa ban, hoa sưa; người miền núi rừng dưới chân dãy Trường Sơn mang ra hoa phong lan, địa lan; người từ mạn chùa Hương mang về hoa gạo; người từ Đà Lạt ra mang theo hoa dã quỳ, hoa hướng dương, hoa phượng tím; người từ châu Âu sang mang theo hoa loa kèn, hoa cẩm chướng, hoa hồng vàng, hoa móng rồng, hoa lan tây…Trong quá trình mở cửa thông thương hôm nay đã xuất hiện khá nhiều loài hoa vừa lạ vừa đẹp như hoa quỳnh, hoa campion, hoa lan ma, hoa mỏ vẹt, hoa ưu đàm, hoa móng cọp… làm cho Hà Nội trở thành thành phố của bốn mùa hoa, thành phố vì hòa bình. Không phải ngẫu nhiên trong những năm qua nhiều di tích của Hà Nội được Quốc tế công nhận là di sản văn hóa thế giới như: khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng, Nghệ thuật hát ca trù, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Hà Nội là một thành phố đang phát triển và phát triển nhanh. Chỉ vài ba tháng không đi qua đường phố ấy, khu phố ấy tôi đã thấy khang khác. Những chung cư chọc trời, tòa cao ốc, biệt thự, nhà hàng ngày càng mọc lên san sát. Xe hơi, xe máy chật kín mọi ngả đường. Phụ nữ áo dài thướt tha, thanh niên ăn mặc hàng hiệu thời thượng, thơm phức hương phấn son, nước hoa đắt tiền. Phong cách thanh lịch, khoan hòa của người Tràng An xưa đang được hồi sinh trong một bộ phận dân chúng.Tuy vậy, mối lo ngại cũng không phải là ít. Sự ô nhiễm môi trường rất đáng quan ngại nhưng có lẽ không đáng quan ngại bằng ô nhiễm về văn hóa. Lối sống sô bồ, thực dụng, tục tằn, vô cảm …vẫn đang có đất sống. Tỷ lệ không nhỏ người Hà Nôi mê tín dị đoan đang là một dấu hỏi lớn với những ai khát khao xây dựng một thủ đô hiện đại, văn minh. Thói hám lợi đã và đang đẩy rất nhiều người vào chốn mê muội, trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo dễ dãi. Thời bao cấp nghèo khổ, hầu như quận nào cũng có nhà sách. Nhưng bây giờ cả Hà Nội chỉ còn mươi hiệu sách chủ yếu tập trung ở khu vực Tràng Tiền - Hồ Gươm. Hiệu sách ít đi nhưng nhà văn hóa thì tăng vọt. Theo một thống kê mới nhất: toàn thành phố hiện có 2.330/2.528 thôn, làng và 1.698/5.442 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Nhưng người đọc sách, nhất là sách văn học, ngày càng ít đi đến mức đứng cuối bảng so với nhiều nước trong khu vực. Thậm chí cả những nhà văn mũ cao áo dài ngồi chấm những giải thưởng cao quý của quốc gia cũng ít đọc, ông ta chỉ nhìn mặt tác giả mà chấm giải, chấm theo sự yêu - ghét rất bản năng. Nhìn cảnh ấy đủ biết văn hóa đọc ở xứ ta nó suy vi đến độ nào. Hà Nội hiện có rất nhiều bảo tàng. Ngoài bảo tàng Lịch sử quốc gia, còn có bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Phụ nữ, bảo tàng Thanh niên, bảo tàng Thành phố, bảo tàng Quân đội, có cả bảo tàng của các quân binh chủng, nhưng chỉ có một số ít bảo tàng là mở cửa thường xuyên, khách vào cửa vẫn chủ yếu là người nước ngoài. Học sinh thì sợ học môn lịch sử như sợ giặc.

Vẫn biết rằng cuộc sống bây giờ không còn giống như cái thời chưa có cơ chế thị trường, con người còn có những giờ phút thư nhàn tìm đến sách văn học hoặc đến xem bảo tàng. Bây giờ chúng ta đang ở vào thời kì “tiền công nghiệp”, áp lực công việc, cạnh tranh và mưu sinh là rất lớn, không còn thời gian dành cho việc đọc. Điều này hoàn toàn có thể hiểu và cảm thông. Nhưng nếu cứ cảm thông mãi, người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng sẽ đánh mất dần nhu cầu đọc sách và đến một mức độ nào đó sẽ “mù mở” về văn học thì sẽ vô cùng đáng ngại. Hiện tượng này có cần phải chấn hưng không? Có được coi là một công cuộc chấn hưng văn hiến thời hiện đại không?

Tôi nghĩ, đã đến lúc mỗi một người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng không thể làm ngơ trước câu hỏi mệnh hệ này.

Tác giả: Lê Hoài Nam
Nguồn Văn nghệ số 3/2021

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay1,957
  • Tháng hiện tại70,944
  • Tổng lượt truy cập3,040,854
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây