Gánh nặng của ước mơ…

Thứ sáu - 15/04/2022 09:04

Đọc thông tin trên các báo, rằng cháu bé học lớp 10, ở một trường Chuyên nổi tiếng của Hà Nội, đã bay vào khoảng trời mênh mông bằng cách bước ra ban công từ tầng 28. Cảm giác đầu tiên của tôi là sốc và choáng váng, trái tim đau nhói như bị bóp nghẹt. Thời gian gần đây, những vụ học sinh tự tử luôn khiến dư luận xót xa. Tôi đã đọc hết những còm men của phụ huynh trên cõi mạng, hầu hết đều là trách người lớn đặt áp lực học hành lên con cái. Nào là vì phụ huynh mải miết đua đòi cho con học trường điểm, lớp chọn. Chắc chỉ ở Việt Nam mới có hiện tượng xếp hàng từ đêm để mua hồ sơ cho con đi học, đạp đổ cả cổng trường vì chen lấn nhau. Nào là trẻ con lớp mẫu giáo đã học thêm để chuẩn bị vào lớp Một… Chưa hết, nào là nhà trường với căn bệnh thành tích thi đua, nhồi nhét kiến thức cho học sinh như nhồi cám cho vịt, rằng tại sao trong trường bọn trẻ học đủ mọi thứ, cái gì cũng học? vậy mà tại sao ra đời cái gì cũng không biết, ngu ngơ như gà công nghiệp? Nào là học chán ở trường vẫn chưa đủ, đứa trẻ con nào cũng phải đi học thêm. Lịch làm việc của người lớn xoay vòng theo thời khóa biểu của con... Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều thập kỷ nay và cũng là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm khi nói đến ngành giáo dục. Việc học hành của con trẻ ai cũng hiểu, đó là do áp lực thi cử, khiến học sinh và phụ huynh đều bị vòng quay học và thi cuốn đi bất tận.
111
Học để thi đỗ đại học, trở thành học sinh giỏi, dường như đó đã là mục đích của việc đến trường, cả xã hội dường như đã quên mất mục đích tối thượng của việc trao cho trẻ cơ hội học hành là để thành người có ích. Vậy phải chăng phụ huynh cũng là tác nhân cho bệnh thành tích?... Nhưng hậu quả thì dường như không ai nghĩ đến, đó là vì áp lực học hành mà các con có khả năng rơi vào trầm cảm. Thì đây là số liệu cụ thể, theo Ts.Bs Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, “trong xã hội ngày nay vấn đề rối loạn lo âu trầm cảm gần như phổ biến. Nếu ước tính chung trong dân số là tỷ lệ 25%, thì ở trẻ vị thành niên tỷ lệ này chiếm tới 20%”. Đó liệu đã phải là một con số quá bất ngờ đủ để người lớn chúng ta có giật mình thảng thốt không?

 Chuyên gia nhận xét, với những trường hợp trẻ vị thành niên tự tử gần đây, không loại trừ bản thân đã có bệnh tâm thần từ trước, mà một trong những lý do là từ áp lực học hành, và dường như gia đình không nhận biết được, hoặc quá xem nhẹ vấn đề này. Một hiện trạng có thể dễ thấy là xã hội Việt Nam mới chỉ quan tâm đến bệnh thể xác, mà coi nhẹ hoặc không chịu nhận biết và kì thị sức khỏe tâm thần. Rất phổ biến là hiện tượng trầm cảm, lo âu thường bị bỏ qua, để dẫn đến hậu quả nặng nề. Nếu nhẹ thì cũng trở thành người tàn tật, mất hoàn toàn trí tuệ, trở thành gánh nặng cho gia đình, dòng họ, còn nếu nặng nề hơn thì dẫn đến tự tử, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại?

 Câu hỏi đặt ra là tự bao giờ chúng ta quên mất niềm vui của trẻ con? Rằng con trẻ cũng cần ăn ngủ chơi bời hít thở khí trời để lớn lên theo cách tự nhiên như bông hoa ngọn cỏ; và phải chăng ta đã quên mất niềm vui sống trong trẻo không âu lo của trẻ con? Để rồi đến khi có thêm một đứa trẻ tự tử, người lớn lại “xả” tất cả ra, như thể đổ lỗi cho nhà trường chưa thấu đáo… Ở một góc độ hẹp, những điều ấy có phần đúng, theo lý lẽ của cá nhân đưa ra. Nhưng vì mỗi người đứng ở một khía cạnh để nhìn vào sự việc, vậy có ai nghĩ rằng tất cả chúng ta đều đang như “thầy bói mù xem voi” thôi không?

 Cá nhân tôi nghĩ, trên hết mọi điều dư luận đang sôi nổi nói đến, thì đã có ai thừa nhận một thực tế là chúng ta chưa dành thời gian cho con trẻ để hiểu các con. Đối với người Việt Nam, phải chăng cụm từ “chơi với con” đã trở thành xa xỉ? Cuộc đời hơn 30 năm dạy học, tôi thường nhận được sự gửi gắm của phụ huynh, “thôi thì trăm sự nhờ cô giáo”, tôi thường nói đùa nhẹ nhàng mà cũng rất thật lòng rằng “cô giáo và nhà trường chỉ có 1 sự là dạy các em kiến thức, trợ giúp gia đình dạy dỗ nhân cách đạo đức cho trẻ, còn lại 99 sự là do nền tảng giáo dục từ gia đình”.

Việc một đứa con chọn cách rời bỏ cuộc sống này khiến các bậc cha mẹ nào cũng tràn niềm đau xót khôn nguôi. Xót cho cuộc đời con đang tươi mơn mởn như cây non gãy gục ngang thân. Đau cho cha mẹ của con vẫn phải ở lại cuộc đời này để vật vã với nỗi khổ tâm. Cũng không khó hình dung những người cha, người mẹ ấy sẽ sống tiếp thế nào với quãng đời còn lại, với đầy những ân hận dằn vặt và dày vò... Nghĩ thế để thấy xót xa cho cả một gia đình và dòng họ, vì một giây nông nổi của đứa con đã để lại niềm đau quá lớn cho người lớn.

Ai nuôi con mới biết lòng cha mẹ, như tôi đây, bây giờ con trai đã hơn 30 tuổi, vậy mà đến giờ đi làm về của con, tôi chỉ yên tâm khi nghe thấy tiếng mở khóa cửa và nhìn thấy con, hoặc đã quá trễ giờ đi làm về thì phải nghe được giọng nói của con qua điện thoại thì tôi mới yên tâm... Hồi con còn nhỏ, tôi từng nói, con đi (đi học, đi đá bóng) mà về không đúng giờ, mẹ sẽ ngồi ở cửa đợi con. Nói thế mà hiệu quả rất tốt, con trai tôi không dám về muộn giờ hẹn, dù chỉ là năm phút. Nhưng để làm được điều đó, tôi phải hết sức kiên nhẫn. Tôi nghĩ hãy yêu thương để hướng đến nhu cầu được vui chơi và niềm vui của con trẻ, hãy kiên nhẫn để chịu đựng tính khi thất thường tuổi dậy thì của bọn trẻ con. Tôi nghĩ các bậc cha mẹ khác cũng vậy cũng yêu con lắm. Vậy mà…

Tại sao một cậu bé 16 tuổi đã nghĩ về việc mình sẽ rời bỏ thế giới này như thế nào? Con đã tự tách biệt khỏi cha mẹ, con đã cô đơn đến tận cùng, nghĩ điều này mà đau xót quá. Bây giờ nếu nói nhà trường và gia đình đều có trách nhiệm về sự ra đi của con cũng đúng. Nhưng bây giờ thì cha mẹ hối hận, nhà trường có nói gì thêm nữa thì cũng đã quá muộn màng. Sự ra đi của con đã để lại cho chúng ta một tảng đá đè nặng lên trái tim. Song sự ra đi của con cũng sẽ như tiếng chuông cảnh tỉnh cho người lớn khi mang ước mơ thành đạt đặt lên vai con trẻ. Có lẽ trong các gia đình Việt Nam, ta thường nghe những câu dạy dỗ kiểu như: con phải học giỏi như…; con phải đạt huy chương như…; con phải, con cần v.v… Có thể những lời này trước đây cha mẹ từng nói với ta, rồi sau này ta lại vô tư nói với con cái mình mà vô tâm không biết bọn trẻ làm thế nào mang vác được gánh nặng ước mơ ấy…

Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ có thể chất và trí tuệ khác nhau. Cho nên có đứa con này thì chịu nổi gánh nặng kỳ vọng ấy và mang vác nó cho cha mẹ được hãnh diện với xấp giấy khen, bằng khen. Có đứa con thì từ chối và nó sẽ nổi loạn, hất toẹt đi. Và lại có đứa con yếu đuối sẽ chọn cách bay về bầu trời thênh thang… Nếu đổ trách nhiệm, ai cũng có thể viện ra những lý do rất thực tế và thuyết phục để biện minh cho mình. Song mấy ai hiểu rằng các con của chúng ta có thể đã bị cô đơn ngay trong chính gia đình thân yêu ruột thịt của mình. Và đó là một thực tế… Tôi hình dung trong cô đơn, đứa trẻ có thể đã nghĩ đến cái chết như một điều bình thường…

Theo các chuyên gia tâm lý, những khó khăn trong cuộc sống là điều không thể tránh được, cộng thêm áp lực từ dịch bệnh tạo căng thẳng cho cả bố mẹ và cho con trẻ. Nhưng phải hiểu rằng áp lực là chung của cả xã hội, có rất nhiều người có thể vượt qua được và thích nghi với điều đó. Vì thế, điều chúng ta cần làm là rèn luyện kỹ năng sống, khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh và điều kiện cho tất cả mọi người. Nhất là cho con trẻ, lứa tuổi dậy thì tính nết thất thường. Ở các nước văn minh, nếu không tự cân bằng được tâm lý, thì các bậc cha mẹ và các con sẽ tìm đến các dịch vụ tư vấn là các bác sĩ tâm lý. Người Việt Nam chúng ta dường như vẫn chưa quen sử dụng các dịch vụ này. Làm sao để các phụ huynh hiểu khi gặp những khó khăn về tinh thần thì việc tìm đến các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý là điều cần thiết, để không có các chuyện đáng tiếc xảy ra.

Vì là giáo viên dạy trường chuyên hơn 30 năm, nên tôi hiểu lứa tuổi học lớp 10 là vô cùng quan trọng. Các em vừa qua ngưỡng tuôi dậy thì, bắt đầu hình thành nhân cách. Trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy dậy vất vả nhất là năm học đầu cấp lớp 10, phải làm quen và chấp nhận sự thất thường trong tính cách của con trẻ. Nhiều khi áp lực của việc học tập, cộng với tình trạng khủng hoảng về tâm lý lứa tuổi này đã dẫn đến những tình huống sư phạm không lường trước được. Sau này, mỗi khi nhận khóa học trò mới tôi thường trò chuyện với phụ huynh rất nhiều trong buổi họp đầu tiên, để họ nhận ra những vấn đề sẽ phải cùng nhau đối mặt. Tôi nghĩ, hãy làm cho cha mẹ yên tâm việc học ở trường của con, thì con cái mới thoải mái học hành được. Trẻ em hôm nay cần phải được lớn lên khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần, để sau này trưởng thành trở thành người tử tế, chân chính, mạnh mẽ và năng động, biết giải quyết những tình huống khó khăn, biết tự lo cho bản thân mình, biết yêu thương gia đình cha mẹ, biết cho đi và nhận lại, biết sống có trách nhiệm với xã hội. Nếu như các bậc cha mẹ suy nghĩ nghiêm túc về việc học hành của con cái, chọn trường học theo đúng khả năng, đảm bảo cho các con mỗi ngày đến trường là một ngày vui, không cần đặt lên vai các con những áp lực bởi sự kỳ vọng của mình, cái mà chúng không hề mong muốn, thì có lẽ sẽ bớt đi được rất nhiều những chuyện đau lòng.

 
Tác giả: Nhà văn Phan Mai Hương
Nguồn Văn nghệ số 15/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,066
  • Tháng hiện tại71,053
  • Tổng lượt truy cập3,040,963
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây