Khí chất Trang Thế Hy

Thứ ba - 09/02/2021 11:36

Một “người hiền” lặng lẽ

Trang Thế Hy là một tên tuổi lớn của nền văn học hiện đại nước nhà. Thế nhưng cho đến nay, so với những nhà văn cùng thời, việc tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và văn nghiệp của ông nhìn chung còn khá khiêm tốn. Nói như thế có vẻ hơi mâu thuẫn bởi lẽ nếu là “tên tuổi lớn” thì sao ít được chú ý? Tuy nhiên, nếu bình tâm ngẫm lại có thể giải thích vấn đề tưởng chừng như mâu thuẫn này ở mấy điểm sau:

111
Nhà văn Trang Thế Hy (1924-2015)

Thứ nhất, Nam Bộ là vùng đất mà cho đến nay do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Riêng ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, vẫn còn là một khoảng trống chưa được lấp đầy.

Thứ hai, tuy là một tên tuổi lớn nhưng có lẽ do bản tính thích “ẩn mình” cả trong văn lẫn ngoài đời nên nhiều người hôm nay hoặc là không nhìn thấy hoặc nếu có nhìn thấy vẫn ít quan tâm…

Có lẽ vẫn còn hơi sớm để khẳng định có hay không một “toà lâu đài” văn chương mang tên Trang Thế Hy trong nền văn học nước nhà. Tuy vậy, trong chừng mực nào đó có thể nói, đến thời điểm này, danh hiệu“người hiền của văn chương Nam bộ” dành tặng cho ông là rất xác đáng. Phải chăng đây cũng là những biểu hiện đã góp phần làm nên khí chất của “người hiền Nam bộ” mang tên Trang Thế Hy!?

Đã là nhà văn thì không được “bẹo hình bẹo dạng” hay “lếu láo”

Có thể thấy, lâu nay mỗi khi nhắc đến Trang Thế Hy nhiều người hay dẫn cụm từ “Đi chỗ khác chơi” với dụng ý tán dương, ca ngợi ôngTuy vậy, hình như có chút gì đó chưa thật trọn vẹn trong cách diễn giải hàm nghĩa của cụm từ này từ phía những người viện dẫn nó. Dễ thấy nhất là cách hiểu những từ ấy gắn với mốc thời gian ông quyết định giã biệt Sài Gòn trở lại quê gốc, xứ dừa Bến Tre, để sinh sống. “Đi chỗ khác chơi” vì thế, thường được ngầm hiểu như một cách lựa chọn “bỏ phố về quê” để sống cuộc đời “ẩn cư”, không bon chen của nhà văn. Điều này tuy không sai nhưng có lẽ chưa đủ và cũng chưa cho thấy hết khí chất của “người hiền Nam bộ” Trang Thế Hy.

Nếu ai đã từng đọc Trang Thế Hy, sẽ không khó để nhận ra“đi chỗ khác chơi” là cụm từ đã xuất hiện trong truyện ngắn Chút hào quang từ mảnh vở của một ngôi sao buồn được ông sáng tác vào năm 1989. Chính xác hơn, đây là lời tâm sự của nhân vật ông già Tư Chơi, một nghệ sĩ chân chính, vì thời thế loạn lạc phải chấp nhận sống ẩn dật giữa đất Sài Gòn - Chợ Lớn. “Đi chỗ khác chơi” chỉ là một ý trong lời của ông già Tư Chơi tâm sự và căn dặn anh nhà văn trẻ mới tập tểnh vào nghề. Nguyên văn lời căn dặn này như sau:

... Nếu như con nổi tiếng con phải nghe lời chú Tư dặn nghe con, là khi nào mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo nhớ chưa?

Đặt câu nói vào trong bối cảnh và tình huống của câu chuyện cũng như qua thực tiễn về cuộc đời và văn nghiệp của Trang Thế Hy cho chúng ta thấy đây không đơn giản chỉ là sự lựa chọn một lối sống, cách sống “bỏ phố về quê” mà quan trọng hơn đó là thái độ, sự quyết liệt và dứt khoát trong hành xử, ứng xử của một con người trong tư cách một nhà văn – người nghệ sĩ chân chính giữa cuộc đời đầy biến động và bất trắc.

Qua đây cũng cho thấy, văn chương trong quan niệm của ông không đơn giản chỉ là “thú vui” hay “cuộc chơi” theo nghĩa giải trí thông thường. Với ông, những ai có suy nghĩ như thế là xúc phạm văn chương, xúc phạm nghệ thuật. Không những vậy, là người cầm bút viết văn nhưng không biết, không có hoặc không còn khả năng “bào chế” ra những liều “thuốc giảm đau” cho đời thì tốt nhất là nên “đi chỗ khác chơi”. Nghĩa là hãy tự “treo bút”, nghỉ viết văn đi chứ không nên“bẹo hình bẹo dạng” hay tệ hơn là viết “những câu lếu láo”!

“Đi chỗ khác chơi” vì thế, có thể xem như tuyên ngôn nghệ thuật, một biểu hiện cụ thể nhất cho thấy khí chất của “người hiền Nam bộ” - Trang Thế Hy: đã là nhà văn thì nhất định phải có lòng tự trọng; phải ý thức được những giới hạn của bản thân và nghề nghiệp; phải hết sức nghiêm cẩn trước sự linh thiêng của Chữ Nghĩa và nhất là không được “bán mình”.

Nhà văn phải biết kiểm soát ngòi bút để không phải sám hối về sau

Nhìn lại cuộc đời của Trang Thế Hy, ta thấy ông vốn là nhà văn “kiêm” vai trò một chiến sĩ cách mạng “nằm vùng” thời đất nước còn bị chia cắt. Cụ thể hơn, cả cuộc đời trai trẻ của mình, Trang Thế Hy đã sống và một lòng phụng sự cho lý tưởng giải phóng dân tộc theo tiếng gọi của Đảng. Đây là sự thật không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong tư cách một nhà văn, có lẽ cái “may mắn”, hay nói đúng hơn là bản lĩnh của Trang Thế Hy (cùng với “ông già Nam bộ” - Sơn Nam) là khả năng kiểm soát ngòi bút của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Dẫu biết trong cuộc đời, quá khứ là cái đã qua, có những chuyện không nên níu kéo lại nhất là chỉ nhằm mục đích cạnh khóe, giày vò, chỉ trích, đay nghiến nhau. Dẫu vậy, bút sa gà chết, nếu anh không kiểm soát tốt những suy nghĩ và cảm xúc nhất thời hôm nay của mình; nhất là một khi đã cụ thể hóa ra thành giấy trắng mực đen thì chắc chắn sau này sẽ là những bằng chứng không thể chối cãi mà hậu thế chắc chắn sẽ soi vào, đánh giá anh.

Phải chăng ý thức được điều này nên trong tư cách của những người cầm bút viết văn, cả “ông già Nam bộ” - Sơn Nam và “người hiền Nam Bộ” - Trang Thế Hy về cuối đời không phải đớn đau “nói lại” hay thậm chí là ăn năn, sám hối như không ít nhà văn cùng thế hệ dưới dạng hồi ký trước khi mất.

Và với riêng Trang Thế Hy, có thể số lượng tác phẩm để lại cho hậu thế không nhiều nhưng chỉ chừng ấy thôi đã là một sự bảo chứng cho cái phẩm chất và khí tiết của ông trong tư cách một nhà văn như có lần ông nói trong một tác phẩm của mình: “cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến nóThật đáng nể thay cho cách nói “giả bộ yêu” của nhà văn! Và với riêng tôi, chỉ điều này thôi cũng đủ khẳng định ông là một nhà văn lương thiện và bản lĩnh cả trong cách nghĩ, cách sống và cách viết.

Nhẹ nhàng nhưng quyết liệt, “ghê gớm”

Nếu để ý sẽ thấy trong thời điểm từ 1986 đến trước khi chính thức nghỉ hưu năm 1992 để về “ẩn cư” tại quê nhà Bến Tre, Trang Thế Hy sáng tác nhiều truyện ngắn thoạt nhìn bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng ẩn sâu bên trong của từng con chữ là một thái độ rất quyết liệt. Đặc biệt nhất phải kể đến Vết thương thứ mười ba - truyện ngắn được viết với tinh thần phản tỉnh cao độ về đề tài chiến tranh. Có thể nói không ngoa rằng, trong dòng văn học viết về đề tài hậu chiến từ sau 1986 đến nay hiếm có truyện ngắn nào được viết với văn phong nhẹ nhàng, điềm đạm nhưng tư tưởng nghệ thuật lại “ghê gớm” và quyết liệt như Vết thương thứ mười ba của Trang Thế Hy. Đây phải chăng cũng là một biểu hiện và bằng chứng quan trọng cho thấy cái khí chất của “người hiền Nam bộ”: không nói thì thôi nhưng một khi quyết định mở lời thì chắc chắn phải là vấn đề lớn, đáng nghe và đáng suy ngẫm bởi đã được ông “thai nghén”, chiêm nghiệm, nghiền ngẫm rất nghiêm cẩn?

Từ góc giác độ lịch sử - văn hóa, có thể rút ra hai vấn đề rất “ghê gớm” về tư tưởng nghệ thuật của Trang Thế Hy trong Vết thương thứ mười ba mà những tác phẩm đương thời và cùng đề tài không hoặc hiếm khi đề cập đến như sau:

Một, trong cái nhìn của Trang Thế Hy thì con đường đi đến đỉnh vinh quang của một cá nhân hay rộng hơn là của một dân tộc nào đó trong mọi cuộc chiến tranh cần được hiểu là con đường “bất đắc dĩ”. Vì thế, khi chiến tranh đã kết thúc rồi, nếu có kể về nó, nhất là cho thế hệ cháu con nghe, phải hết sức cẩn trọng; phải trên tinh thần hòa hợp, hòa giải; nhất định phải lấp lại “những cái hố bom” chứ không nên say sưa và nhất “cao hứng” kiểu “thắng làm vua thua làm giặc” để rồi vô tình hay cố ý quên đi những nỗi đau rất thật, không gì bù đắp được mà con người (nhất là người phụ nữ) phải âm thầm chịu đựng. Ông nói: “Chiến tranh có khi là ân nhân của một dân tộc bất hạnh nào đó. Nhưng vị ân nhân khó thương đó đã đi qua rồi thì cứ để cho ổng đi qua luôn, mắc mớ gì níu áo ổng lại xin ý kiến? Lúc ổng làm ân nhân mình ổng dạy mình nhiều điều rất hay ho trong cảnh đầu rơi máu đổ. Nhưng trong hòa bình ông không còn là một ông cố vấn tốt nữa đâu”.

Hai, nếu muốn hiểu rõ cái bản chất thật của mọi cuộc chiến tranh trên thế giới này là gì thì lời khuyên của Trang Thế Hy trong Vết thương thứ mười ba là hãy tìm đến những người phụ nữ đã mất con trong cuộc chiến, chứ không nên chỉ tìm đến những lời lẽ đẹp đẽ nói về chiến thắng từ những kẻ“không bị bom đạn làm trầy một miếng da nào”.

Hẳn là còn những cách đánh giá khác về Vết thương thứ mười ba nhưng dù thế nào cũng phải thừa nhận,Vết thương thứ mười ba cùng với Nỗi buồn chiến tranh, của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng là 3 tác phẩm đã dám “công khai hóa”, “minh bạch hóa” những nỗi đau của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh - vấn đề mà cho đến tận bây giờ vẫn còn không ít người ngờ vực, né tránh thậm chí lên án: trinh tiết và phẩm hạnh.

Thay lời kết

Có một điểm chung giữa các nhà văn xuất thân từ miền ruộng đồng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long là phần đông họ đến với văn chương có nét gì đó rất“tự nhiên” và không ồn ào giống như những con sông hiền hòa bao đời trôi chảy nơi đây. Dài nhất là “con sông” - Hồ Biểu Chánh; bao quát nhất là “con sông”- Sơn Nam, rộng nhất là “con sông”- Bình Nguyên Lộc, và có lẽ sâu nhất là “con sông”- Trang Thế Hy...

Về sau là“con sông” tài hoa, phóng túng - Nguyễn Quang Sáng; hay hiện tại có một “con sông” đang ngập ngừng trôi trong sự buồn bã, da diết - Nguyễn Ngọc Tư v.v... Ngày qua ngày những “con sông” ấy vẫn âm thầm và len lỏi mang theo những hạt phù sa để bồi đắp cho đời thêm phần màu mỡ, tốt tươi...

Ở một phương diện khác, có lẽ cũng do chưa hiểu hết những nét đặc trưng đã làm nên “bổn tánh” riêng của những “con sông” nơi đây nên cũng có người cho rằng cần phải vinh danh thật lớn, thật kêu cho những “con sông” ấy thì mới xứng tầm? Giống như trong những ngày tiễn biệt “người hiền Nam bộ” - “con sông” sâu nhất về “thế giới bên kia” đây đó đã thấy những ý kiến đòi phải có một sự ghi nhận cụ thể từ “những người có trách nhiệm” thông qua một danh hiệu hay một giải thưởng nào đó.

Vẫn biết đó là tấm lòng của người ở lại dành cho người đã khuất, tuy vậy, nếu đã biết đương thời “người hiền Nam bộ” đã không bận tâm đến những chuyện kia mà vẫn khơi lên khi ông vừa nằm xuống thì có khác gì“yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”?

Và có lẽ nào, “người hiền Nam bộ” đã quyết định “đi chỗ khác chơi” lâu rồi nhưng không ít người vẫn chưa chịu trả món “nợ nước mắt” mà khi còn tại thế ông đã rất rộng lượng cho vay nhưng không tính lãi!?...
 

Tác giả: Nguyễn Trọng Bình
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay4,873
  • Tháng hiện tại96,501
  • Tổng lượt truy cập3,197,256
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây